Chuyện đời thường của những người lính mũ nồi xanh Việt Nam

ANTD.VN - Sau 5 năm chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tính đến thời điểm này, Bộ Quốc phòng đã cử 38 lượt cán bộ đi công tác tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan theo hình thức cá nhân và hàng trăm cán bộ, công nhân viên, y bác sĩ trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan.

Các sĩ quan của Việt Nam và lực lượng Bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh giá cao

Các sĩ quan của Việt Nam và lực lượng bệnh viện dã chiến tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Liên hợp quốc đánh giá cao, đồng thời tạo được hiệu ứng tốt trong quân đội cũng như trong quần chúng nhân dân.  

Kế hoạch “tạo mẫu tóc” thất bại

Cũng phải gọi điện hẹn đến mấy lần, tôi mới gặp được Trung tá Nguyễn Thị Liên, nữ sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam hiện đang tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi ở Hà Nội. Chuyến về phép lần này của chị có hơn 20 ngày, vừa là để vun vén việc nhà, con cái, vừa là để sắm sanh nhu yếu phẩm, hạt giống rau… mang sang Trung Phi dịp Tết tới. Sợ tôi không tìm được nhà, chị ra tận đầu ngõ đón.

Tôi ngạc nhiên bởi vóc dáng nhỏ nhắn của chị, khác xa những gì tôi hình dung về những nữ quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Biết bao nhiêu sự mạnh mẽ, những nỗ lực cố gắng ẩn chứa trong nụ cười tươi tắn và cái vóc dáng nhỏ nhắn ấy của chị. Ngoài công việc chính ở Phái bộ, chị đã ươm lên những mầm xanh, những luống rau Việt từ bàn tay chị đã sinh sôi nảy nở trên mảnh đất cằn Trung Phi.

Tháng 7-2019, Trung tá Nguyễn Thị Liên chính thức tới Trung Phi nhận nhiệm vụ. Trước khi đi, bao nhiêu “kế hoạch” trong đầu được đặt ra, nào là ngoài giờ làm việc chính chị sẽ cùng với những người phụ nữ bản địa may vá, dậy họ thêu thùa, rồi thì cắt tóc, dạy học cho trẻ em… Quyết tâm lên cao, chị sang hiệu cắt tóc gần nhà, đăng ký học hẳn một khóa học hơn 1 tháng. 

Ấy thế mà, kế hoạch cắt tóc cho trẻ con mà chị dày công học hỏi đã thất bại ngay từ khi chị đặt chân tới Trung Phi. Bởi lẽ, trẻ con ở đây chủ yếu là cắt trọc, đứa để dài thì tóc xoăn đến mức không duỗi nổi, mà chúng lại chọn kiểu tóc bện như dây thừng. Bện tóc thế nào thì chị… chưa học. Thế là đành thôi. May vá thêu thùa cũng “hỏng” vì phụ nữ ở đây họ cũng không hề có truyền thống này…

Vài ngày đầu mới sang, không khí ở Thủ đô Bangui khá căng thẳng, một cuộc đụng độ vừa xảy ra, 3 người dân địa phương chết. Thành viên của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) được khuyến cáo hạn chế ra đường nếu như không có lực lượng bảo vệ đi kèm. 

Người đồng nghiệp tiền nhiệm của Trung tá Nguyễn Thị Liên trước khi hết nhiệm kỳ ở Trung Phi có để lại cho chị một mảnh vườn nhỏ, với những cây mùng tơi đã già. Vậy là việc đầu tiên trong lúc nhàn rỗi là dọn dẹp và gây dựng lại mảnh vườn. Những cây mùng tơi già được nhổ lên và người bảo vệ mang vứt ra trước cổng nhà. Bất ngờ, khi bụi rau được vứt ra, đám đông người dân quanh đó đã xông vào giành giật từng chiếc lá mùng tơi. Người dân địa phương hẳn là thích mùng tơi và thiếu thốn rau xanh. Kế hoạch giúp những người dân địa phương gây dựng mỗi nhà một mảnh vườn bắt đầu thôi thúc chị từ đó.

Trung tá Vũ Văn Hiệp từng có 2 nhiệm kỳ công tác tại Trung Phi và Nam Sudan 

Gieo mầm xanh trên mảnh đất cằn

Muốn người dân bản địa tin và theo thì trước tiên phải có mảnh vườn thật đẹp để “thị phạm”. Ngoài giờ làm việc ở trụ sở Phái bộ, Trung tá Nguyễn Thị Liên cứ miệt mài cuốc đất, bổ luống, gieo hạt, làm cỏ ngoài vườn. Đất Trung Phi thì cằn, khí hậu thì khắc nghiệt, ít mưa, nước ngọt khan hiếm, trời thì nóng, cái nóng gần xích đạo rất khó chịu và khác xa so với mùa hè ở Hà Nội… Thế rồi, từ bàn tay nhỏ nhắn của chị, những luống rau muống, mùng tơi, giàn bí, giàn bầu cứ thế mà vươn lên xanh tốt.

“Bài học” đã có nhưng “công tác vận động quần chúng” làm vườn thì gian nan vô cùng. Người ta cứ bỏ vườn tược cho cỏ mọc tốt um, hàng ngày chỉ ăn toàn lá sắn với bột sắn quấy lên thành bánh chứ nhất định không chịu trồng trọt gieo cấy gì thêm, trong khi các loại rau xanh khác ngoài chợ thì bán đắt như vàng.

Vậy là lại phải tiếp tục vận động bằng hình thức cụ thể nhất. Rau muống lứa gieo đầu tiên đã lên xanh tốt. Trung tá Nguyễn Thị Liên bèn trổ tài làm món rau muống xào tỏi rồi mời những người dân bản địa ăn thử. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Rau ngon, muốn ăn thì đương nhiên phải trồng mới có. Sau bữa “thực mục sở thị” đó, nhiều hộ dân quanh nơi chị ở đã hào hứng cùng chị nhân lên những luống rau muống Việt. Vậy là công tác vận động quần chúng của nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam bước đầu đã thành công rực rỡ.

Những việc làm đầy ý nghĩa đó của Trung tá Nguyễn Thị Liên đã kéo gần khoảng cách giữa những người lính Việt Nam ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Cộng hòa Trung Phi và người dân bản địa. Những luống rau muống, mùng tơi, bí, bầu, đậu xanh…Việt Nam theo chân những người lính gìn giữ hòa bình mà đi cả một vòng Trái đất, để rồi sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái trên mảnh đất vẫn còn đầy bất ổn về chính trị.

Trong cuộc trò chuyện, tôi đã hỏi Trung tá Nguyễn Thị Liên rằng, cú hích nào đã khiến chị từ một giáo viên giảng dạy ở Trường Sĩ quan Đặc công (Xuân Mai - Hà Nội) trở thành một nữ quân nhân của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, chị cười và đưa ra lý do không thể đơn giản hơn: “Để con mình có thể tự hào về mình, để con mình sẽ tiếp tục vững bước trên con đường phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc và để con mình thấy được rằng, con đường trở thành quân nhân mà nó đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn”.

Vừa là một nữ quân nhân lại vừa là một người mẹ, người vợ trong gia đình, tôi chắc một điều rằng, để đi đến lựa chọn và quyết định như ngày hôm nay, chị đã có rất nhiều đêm không ngủ. Nhưng rồi, phía sau chị là một gia đình vững chãi, với một người chồng tôn trọng sự lựa chọn của vợ, với con gái lớn, đã nối gót chị, tự nguyện lựa chọn trở thành một nữ quân nhân, với một cậu con trai khi mẹ vắng nhà, dù có ốm cũng nhất quyết giữ bí mật với lý do “con sợ mẹ khóc” và sau tròn 5 tháng mẹ công tác xa nhà, khi mẹ về phép thì sà vào lòng mẹ òa khóc như trẻ nhỏ.

Trung tá Nguyễn Thị Liên chia sẻ kinh nghiệm trồng rau Việt trên đất Trung Phi

Sự ra đời của “món ăn huyền thoại”

Lần đầu tiên tôi gặp Trung tá Vũ Văn Hiệp vào tháng 10-2019, khi anh trở về từ Nam Sudan. Đây là lần thứ 2, anh được cử đi làm nhiệm vụ quốc tế. Trước đó, vào tháng 5-2015, anh từng có nhiệm kỳ 1 năm công tác tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò sĩ quan tham mưu. Trung tá Vũ Văn Hiệp là một trong 3 người lính mũ nồi xanh Việt Nam đầu tiên tham gia Lực lượng Gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi ở thời điểm bấy giờ. 

Chia sẻ kỷ niệm lần đầu tiên đặt chân đến Bangi - mảnh đất xa lạ, cách quê hương cả một vòng Trái đất, anh không khỏi sốc khi chứng kiến cảnh hoang tàn của một quốc gia do nội chiến gây ra. Tốt nghiệp Học viện Khoa học Quân sự, từng có thời gian làm báo, nghề báo đã đưa anh đi, đến nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S, nhưng ngay cả những nơi hoang vu, nghèo nhất cũng không đem đến cho anh bất kỳ một hình dung nào giống nơi mà anh sẽ ở và làm việc trong suốt một năm dài. 

Việc đầu tiên khi nhận nhiệm vụ ở Thủ đô Bangi đó là đi thuê nhà ở. Tất nhiên, nhà mà nhân viên Liên hợp quốc thuê ở phải do cơ quan an ninh của  Liên hợp quốc thẩm tra và đồng ý. Ngôi nhà mà các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam ở được xây theo lối kiến trúc truyền thống bản địa. Phòng được xây “âm” xuống đất, an toàn, nhưng lại bí vì không có cửa sổ.

Nguồn động viên các sĩ quan Việt Nam quyết tâm gắn bó với ngôi nhà này trong suốt nhiệm kỳ đó là mảnh đất trước cửa rộng bằng 5-7 vuông chiếu. Cỏ mọc cao quá đầu người và tốt um. Thế có nghĩa là có đất đủ rộng cho một khu vườn rau trái mọc lên. “Lính Việt Nam đi đến đâu là có vườn rau xanh mướt ở đó”- nhiều đồng nghiệp ở các quốc gia thuộc Phái bộ đã phải thừa nhận như vậy.

Trung tá Vũ Văn Hiệp kể, chuyện trồng rau, tưới bón chăm cây vốn chẳng xa lạ gì với anh. Nói tóm lại, phàm là bộ đội Việt Nam thì tất cả những kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi… đều đã được học tập, trải nghiệm trong thời kỳ quân ngũ. “Hai xô, một xẻng, chiều chiều xuống nhà dân xin phân trâu bò về bón cây tôi đã thuần thục từ thời là học viên của Học viện Khoa học Quân sự rồi”- Trung tá Vũ Văn Hiệp vui vẻ chia sẻ. 

Trung tá Vũ Văn Hiệp kể lại chuyện trồng rau thì xem ra rất vui, nhưng sự thật là đã có biết bao mồ hôi, công sức của các anh đã phải đổ xuống để cho những luống rau lên xanh tốt. Nước sạch ở đây đương nhiên hiếm, những người lính Việt đã phải chắt chiu từng giọt nước, tiết kiệm nước rửa rau, vo gạo để tưới cây. Không chỉ có những người lính Việt Nam, chủ nhân của vườn rau, sáng nào cả dãy nhà cũng dậy sớm, ngắm nghía vườn rau một lúc rồi mới đi làm, nâng niu hệt như trồng cây cảnh vậy. Ấy thế mà, sáng đi thì cây tươi tốt, chiều về cây héo rũ ra, vì nắng. Tưới vào đến đêm mới hồi tỉnh được, để rồi lại bắt đầu một vòng quay, sáng tươi chiều héo.

Không chỉ có thế, những người lính Việt Nam còn làm rau mầm, làm giá đỗ. “Chúng tôi từng làm cả lẩu ở Trung Phi từ vườn rau đó đấy, tin được không?”- Anh Hiệp kể lại bằng giọng hồ hởi. Rồi thì “ngoại giao rau xanh” được hình thành, bà chủ nhà từ đó yêu quý người Việt hơn hẳn. Thi thoảng đi qua đi lại lại hỏi: “Thế hôm nay có xào rau không?”.

Trung tá Nguyễn Thị Liên bên những đứa trẻ Trung Phi

Bữa tiệc đáng nhớ ở Phái bộ

Tháng 9-2015, để kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh. Những người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã tự tay làm nên một bữa tiệc đáng nhớ ở Trụ sở Phái bộ. Thực đơn bữa tiệc hôm đó món chủ đạo là nem rán. Để làm được món nem rán ở Việt Nam vốn chẳng phức tạp gì, nhưng để làm được món ăn thuần túy Việt Nam ở giữa đất Trung Phi đầy loạn lạc đương nhiên không phải là chuyện đơn giản, nói chính xác phải dùng 2 từ gian nan. Bánh đa nem phải mang đi từ trước, tương tự là miến, mọc nhĩ, nấm hương.

Thịt lợn ngoài chợ không bán vì dân không có thói quen ăn thì thay bằng thịt bò. Giá thì tự làm từ đỗ xanh, dụng cụ làm giá cũng đã được mang theo từ hồi mới sang bên này. Bữa tiệc đó, chỉ mời có hơn 70 người, nhưng không hiểu sao có tới hơn 150 người ở cả Phái bộ cùng đến chung vui và kỷ niệm Ngày Quốc khánh Việt Nam. Những đồng nghiệp ở Pakistan, Bangladesh, Hoa Kỳ… mỗi người một tay cùng trang trí sân khấu, treo cờ, trải khăn bàn… Không khí nói chung rất phấn khởi. “Tôi mấy chục năm ở trong quân ngũ, việc chào cờ diễn ra thường xuyên, nhưng không hiểu sao, lễ chào cờ hôm đó ở Phái bộ, khi 3 anh em chúng tôi hát Quốc ca, lòng tôi dâng lên một nỗi niềm rất khó diễn đạt thành lời, vừa là tự hào, vừa là xúc động đến trào nước mắt…” - Trung tá Vũ Văn Hiệp chia sẻ. 

Mọi đồ ăn đều hết sạch, tiệc mãn, vẫn còn rất nhiều bạn bè ở các quốc gia khác nán lại khen món ăn Việt ngon, khen đầu bếp Việt khéo tay… Sau này, khi thực hiện nhiệm kỳ công tác ở Nam Sudan năm 2018-2019, Trung tá Vũ Văn Hiệp cùng các đồng đội vẫn tự tay tổ chức nhiều buổi tiệc như thế, nhưng tất nhiên, sau lần đầu tiên bỡ ngỡ ở Trung Phi, những lần sau công tác nấu nướng đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều…  

Tất nhiên, không chỉ đơn giản là những chuyện trồng rau hay những sinh hoạt đời thường, với mỗi nhiệm kỳ công tác ở các Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đều có biết bao những gian truân vất vả thầm lặng. Tất cả những điều đó, những người lính mũ nồi xanh của Việt Nam đều âm thầm nỗ lực vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam, để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Hơn ai hết, những người lính của Cục Gìn giữ hòa bình - Quân đội Nhân dân Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò là sứ giả của hòa bình, nói lên khát vọng hòa bình muôn đời của dân tộc Việt. Một dân tộc đã có quá nhiều đau thương mất mát trong quá khứ để hiểu được tận cùng cái giá của bình yên.