Chuyện cha mẹ bênh con chằm chặp và những hậu quả

ANTĐ - Tình thương đôi khi vô tình biến thành thứ để dung túng cho những thói xấu của con cái. Con càng hư, bố mẹ càng bênh. Những yêu thương đặt nhầm chỗ luôn gây ra những điều tai hại.

Mặc là con sai, mặc là con vô lí, mặc là con hỗn láo, có những ông bố bà mẹ vẫn “hết lòng” bênh con. Các bố, các mẹ cãi nhau với hàng xóm, với bạn bè, thậm chí với cả đấng sinh thành đế đảm bảo rằng con mình luôn đúng.

“Con tôi đi du học về, chẳng bao giờ làm như thế?”

Đó là câu cửa miệng của bà Hằng (Quán Thánh, Hà Nội) dùng để bênh con mỗi khi nghe hàng xóm xì xào về cách cư xử của cậu Minh, quý tử nhà bà. Minh năm nay 24 tuổi, mới ở nước ngoài về. Hai vợ chồng bà Hằng chỉ có mỗi một mụn con nên dĩ nhiên, ông bà rất chăm chút cho Minh. Trộm vía, Minh lấy được hết các nét đẹp từ cả bố và mẹ nên càng lớn, Minh càng đẹp trai, trắng trẻo. Vợ chồng bà Hằng lấy làm tự hào lắm. Con trai ông bà đẹp đẽ nhường ấy cơ mà. Hồi nhỏ, lúc nào Minh cũng được học sinh giỏi rồi thi học sinh thanh lịch, tiếng hát học đường... đủ mọi tài năng. Vì tự hào nên bà Hằng mắc bệnh khoe con. Minh trở thành chủ đề không bao giờ chán của mẹ mình. Hễ ngồi với hàng xóm là bà Hằng lại: “Thằng Minh nhà tôi...”.

Hồi Minh học mẫu giáo, mẹ Hằng của cậu khoe khắp bạn bè, hàng xóm về chuyện Minh đi thi bé khỏe bé đẹp. Đến cấp một thì mẹ Hằng hớn hở khoe đủ thành tích học tập của con nhưng sang cấp hai, Minh bắt đầu đến tuổi đua đòi. Cậu không chú tâm đến chuyện học nữa mà theo bạn bè chơi điện tử, nhuộm tóc, quần rách, quần mài bởi Minh biết bố mẹ sẽ chẳng bao giờ quát mắng cậu vì chuyện này. Hai người còn bận đi phân bua với hàng xóm rằng con mình không hư. Theo thỏa thuận với bố mẹ, Minh có thể ăn mặc như cậu thích nhưng từ nhà ra ngoài và khi trở về nhà, nhất thiết cậu phải ăn mặc theo kiểu tử tế để ông bà còn bênh được con trước búa rìu dư luận của hàng xóm.

Minh tốt nghiệp cấp ba, bố mẹ cậu bán ngay ngôi nhà trên phố cổ lấy tiền cho con đi du học. Chỉ cần con trai ông bà đi du học thôi thì kể cả học dốt hay học giỏi thì cả nhà bà Hằng vẫn được cái danh là có con đi du học. Cái danh ấy mới lớn lao và đẹp đẽ làm sao. Minh đi du học, cứ vài ngày lại gọi điện về xin tiền mẹ. Khi thì cậu cần tiền để đăng kí học môn mới, khi thì cần đi thực tế để tiếp nhận kiến thức... Các khoản tiền đều có lí do rõ ràng và bà Hằng cứ rút dần tiền bán nhà trong ngân hàng ra để gửi cho con. Lắm lúc cũng thấy lo nhưng hễ nghe thấy hàng xóm nói, nhà đó cho con đi du học thì bà lại thấy mát hết cả lòng dạ. 4 năm trời lo cho con đi du học, bà Hằng ấp ủ mơ ước về tương lai khi thằng Minh về nước, với tấm bằng nước ngoài trong tay, con trai bà sẽ ngồi nhà chờ các công ty tranh nhau tới mời, con bà chỉ việc ngồi chọn nơi trả lương cao nhất thì sẽ đi làm. Rồi chả mấy mà con trai bà thăng quan tiến chức, lúc ấy tiền con trai kiếm được phải bằng mấy tiền bà cho con đi du học. Cứ nghĩ đến đó là bà lại vui mừng.

 

Thế nhưng thằng Minh lại làm bà thất vọng. Minh đi du học, chỉ lo ăn chơi không lo học, nợ quá nhiều môn nên cậu bỏ học từ lâu, đợi đủ năm thì Minh về nước. Con dại cái mang, biết con mình hư hỏng nhưng cái tiếng du học vẫn là sang, bà Hằng tuyệt đối giữ bí mật câu chuyện này. Minh về nhà, bằng cấp không có thành ra lại thất nghiệp. Ai đời đi du học về lại thất nghiệp bao giờ? Đã mất công đầu tư thì đầu tư cho trọn vẹn, bà Hằng bán nốt mảnh đất bố mẹ bà để lại cho con gái để mua cho thằng Minh một chung cư cao cấp rồi đi khoe với hàng xóm rằng, thằng con tôi vừa về, mới đi làm mà lương nó đã đủ để mua chung cư. Minh chuyển ra chung cư ở, hàng tháng bà Hằng gửi tiền vào trong thẻ cho con chi tiêu. Chồng bà biết sự nuông chiều và sĩ diện hão của vợ đã làm hại thằng con duy nhất, biến nó thành một kẻ không có chí hướng nên cấm bà không cho bà gửi tiền. Ông nói đã đến lúc thằng Minh phải tự bươn chải để sống. Hai bố mẹ không theo cậu mãi được.

Ai ngờ được cậu Minh thư sinh lại kết bạn, kết bè với bọn đầu gấu để đi đòi nợ thuê. Minh cũng xăm trổ cho ra dáng dân anh chị rồi ăn to nói lớn, nói những câu tục tĩu để đe dọa con nợ. Hàng xóm nhà bà Hằng về xôn xao cậu Minh đi du học về lại đi làm cái chuyện thất đức. Tất nhiên là bà Hằng không để yên. Bà nhao nhao lên: “Con tôi đi du học về, chẳng làm thế bao giờ”. Chính bà khi ấy cũng tin rằng cậu quý tử nhà bà không làm chuyện đó. Bà vẫn đinh ninh tin vào lời hứa của con trai rằng nhất định Minh sẽ làm lại cuộc đời vì bố mẹ và vì chính bản thân Minh. Chỉ đến khi tận mắt bà Hằng bắt gặp con trai đang lớn tiếng quát nạt một người đáng tuổi bà cậu ở ngoài đường với đủ thứ lời lẽ tục tĩu nhất, bà mới thực sự tin rằng thằng con trai bà gửi gắm bao nhiêu hi vọng đã hỏng rồi. Chính vì bà quá bênh, quá tin nên con bà hỏng từ bao giờ mà bà chẳng biết. Giờ thì mọi sự đã vỡ ra, bà không giấu cho con được nữa, cũng không lên tiếng bảo vệ con được nữa. Con hư tại mẹ, con dại cái mang. Giờ bà có hối hận, cũng đã có phần muộn màng.

Bênh con từ thuở còn thơ

Hàng xóm nhà chị Xuân đã quá quen với việc “con hát, mẹ khen hay” của gia đình chị. Con bé Dương Anh nhà chị mới lên 7 tuổi mà đã đành hanh, không biết sợ ai và ăn nói trống không, không biết phép tắc. Nguyên nhân chính là bởi bố mẹ quá chiều Dương Anh. Ai góp ý thì mẹ Xuân ngay lập tức nhảy dựng lên bảo vệ con đến cùng. Dương Anh là con gái đầu lòng của vợ chồng Xuân. Trước khi có con, Xuân luôn nghĩ rằng sẽ cho con một cuộc sống tốt nhất, đầy đủ nhất vì hồi bé, chị đã sống trong nghèo khổ nên chị muốn con mình sẽ được sung sướng hơn mẹ nó. Cảnh nghèo nhấn chìm gia đình Xuân trong những cãi vã. Bố mẹ cô vì nghèo mà thường nổi cáu, quát mắng các con. Việc Xuân bị bố mẹ đánh vô cớ là chuyện bình thường trong gia đình. Xuân tự nhủ, con cô sẽ không bao giờ phải chịu cảnh đó và quả thật, Dương Anh đã nhận được sự yêu thương và chăm sóc vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ và có phần thái quá từ mẹ Xuân.

Mẹ Xuân có tư tưởng để con tự lớn lên, không cần uốn nắn nhiều để con có thể phát triển tự do, không chịu bất cứ sức ép nào. Xuân không bao giờ quát nạt con khi con nói trống không với người lớn. Ông bà góp ý thì Xuân lại nói chữa: “Bố mẹ thông cảm. Cháu nó còn nhỏ có biết gì đâu. Ông bà đừng quát cháu, tội nghiệp cháu ra”. Lâu dần, việc nói trống không trở thành thói quen của Dương Anh. Cháu mặc nhiên nghĩ vậy là không xấu vì mẹ Xuân không nói với cháu việc đó là xấu. Những câu nói của Dương Anh thường thiếu chủ ngữ, đa phần chỉ có động từ để thể hiện mong muốn: “Cho Anh ăn kẹo”; “Lấy cho Anh điều khiển”; “Chuyển kênh cho Anh xem hoạt hình”... Xuân vẫn xuề xòa: “Cháu nó còn nhỏ. Sau này cháu lớn, dạy cháu vẫn chưa muộn”. Người ta vẫn nói tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì lên đó thì trẻ con sẽ nhận thức mọi chuyện đúng như vậy. Với Xuân, con gái luôn là nhất và luôn luôn đúng. Dương Anh đánh bạn ở lớp mẫu giáo, Xuân không dạy con phải xin lỗi bạn mà khăng khăng: “Chắc chắn bạn phải làm gì quá đáng với con bé thì nó mới đánh lại. Con tôi, tôi phải biết chứ”. Khi cô giáo kiên quyết phạt Dương Anh để làm gương cho các bé khác thì Xuân lập tức đưa con về và làm thủ tục chuyển trường cho con.

Sang trường mới, con bé vẫn giữ nguyên tính tình đành hanh bởi Dương Anh luôn mang trong mình tâm lý rằng cháu làm gì cũng được vì luôn có mẹ bênh. Dương Anh vẫn thi thoảng đánh bạn để tranh đồ hàng rồi nảy ra thói ăn cắp vặt. Đồ vật Dương Anh lấy của các bạn có khi chỉ là cái bút chì, cái kẹo hoặc dây buộc tóc nhưng nếu để lâu, nó có thể trở thành thói xấu của cháu. Nhưng khi cô giáo trao đổi cùng mẹ Dương Anh, chị lập tức nhảy dựng lên, nói cô giáo vu cho học sinh tội ăn cắp. Xuân nói: “Cô nói thì phải nói đúng. Con nhà tôi có thiếu thốn thứ gì mà phải đi ăn cắp. Cái kẹo, cái bút thì gọi gì là ăn cắp. Cháu nó thích thì nó lấy. Trẻ con làm sao biết như thế là ăn cắp. Cô dùng từ nặng nề quá. Nếu cháu nó hiểu được thì có phải là con bé sẽ bị tổn thương rất sâu sắc không?”.

 

Nói thế rồi Xuân cũng chẳng hề có hành động gì để khuyên bảo con. Dương Anh vẫn lấy đồ của các bạn như thể mình làm vậy là không sai. Cô giáo liên tục phải gọi Xuân đến để trao đổi về trường hợp của con gái chị. Một lần nữa, Xuân lại chuyển trường mẫu giáo cho con. Thế rồi Dương Anh lên lớp một. Xuân luôn tin rằng con bé con nhà mình là một đứa trẻ rất thông minh. Những điểm 10 con mang về luôn khiến chị tự hào và hãnh diện. Chồng Xuân làm xây dựng, thường xuyên đi công tác nên chuyện nuôi dạy con đều do một tay Xuân liệu. Thi thoảng anh về, thấy con có nhiều điểm 10 trong vở là vui vẻ luôn, con có nói trống không thì anh cũng rộng lượng bỏ qua như chẳng có chuyện gì. Sự thoải mái của người cha vô tình càng dung túng cho cô con gái thêm hư.

Khác với những học sinh khác, Dương Anh không sợ cô giáo. Cô giáo yêu cầu làm điều gì mà Dương Anh không thích thì nhất định con bé sẽ không làm. Có lần, cô thúc ép quá, con bé nói: “Không thích” rồi tự động thu xếp cặp sách đi về nhà trong sự ngỡ ngàng của cô giáo. Cô giáo trao đổi sự việc với mẹ Xuân, mẹ vẫn cười nói: “Cháu nó còn nhỏ, nào có biết gì. Cô đừng để ý”. Mẹ chiều quá thì tất con sẽ hư. Đến giờ, dù mới 7 tuổi nhưng Dương Anh đã sớm có biểu hiện “nổi loạn”. Con bé chẳng hề sợ ai vì nó biết mẹ luôn ở đằng sau và sẵn sàng tiến lên bảo vệ nó bất cứ lúc nào, dù nó đúng hay nó sai.

Công tử ăn chơi, bố mẹ bảo vệ

Cũng như trường hợp của Minh, Hải là quý tử được bố mẹ cưng chiều hết mực. Cậu là con út trong gia đình, thuở bé vì gia đình khó khăn nên Hải phải ở với ông bà nội ở quê. Năm Hải lên 10, bố mẹ cậu bắt đầu có chút thành công trong công việc kinh doanh nên đón con về ở cùng. Thương thằng út từ nhỏ đã phải xa bố mẹ, không được ở gần anh chị em nên giờ, khi nhà đã có điều kiện, bố mẹ Hải tìm mọi cách để bù đắp cho con. Khi ở với ông bà, Hải ngoan ngoãn bao nhiêu thì từ lúc dọn lên thành phố ở với bố mẹ, bố mẹ Hải đã biến đứa con ngoan ngoãn của mình thành một đứa trẻ đua đòi, ăn chơi hư hỏng chỉ vì lí do “muốn bù đắp”. Ở quê, năm nào Hải cũng được học sinh giỏi, điểm môn nào cũng cao nhưng khi lên thành phố, có lẽ vì lạ bạn, lạ môi trường nên thành tích học tập của Hải có đôi chút giảm sút nhưng bố mẹ Hải không chịu tin vào lí do ấy. Mỗi lần con cầm điểm kém về nhà, hai phụ huynh không chịu xem bài kiểm tra của con sai ở đâu, còn thiếu điều gì để giúp con tiến bộ mà họ quy ra lí do rằng, thằng Hải bị cô giáo trù dập nên mới liên tiếp bị điểm thấp như vậy.

Hải học văn khá giỏi, thường mỗi bài viết cháu đều được từ 8 điểm trở lên. Nhưng khi học ở thành phố, điểm cao nhất của cháu là 6. Một lần, Hải được 3 điểm. Bố mẹ cầm bài văn của con, chẳng cần đọc xem hay dở thế nào, đi thẳng đến trường và gặp ban giám hiệu nói giáo viên của trường trù dập con trai mình. Hai phụ huynh còn viết đơn kiện tụng đủ thứ để “đòi lại công bằng cho con tôi”. Đến khi người ta đưa ra kết luận rằng điểm 3 dành cho bài văn của Hải là hoàn toàn đúng vì Hải đã làm lạc đề và viết rất nông. Lúc ấy, bố mẹ cháu mới chịu dừng lại. Đó là những sự việc mở màn cho quá trình biến Hải thành một đứa con hư của bố mẹ cháu. Bố mẹ Hải chiều con như thể đội con lên đầu. Chỉ cần là thứ con muốn thì nhất định bố mẹ sẽ đồng ý. Con trai không bao giờ sai. Những người góp ý chỉ là những người rỗi việc và ghen ghét với gia đình họ.

Năm nay Hải 21 tuổi. Cậu là một thanh niên ăn chơi có tiếng nhưng trong con mắt của bố mẹ, Hải vẫn là đứa con đáng tự hào và vô cùng ngoan. Mẹ Hải lúc nào cũng kể chuyện rằng: “Chẳng thể có đứa con trai nào ngoan ngoãn và có hiếu như con trai em được. Nó làm gì cũng nghĩ cho bố mẹ. Chuyện ăn chơi mà người ta vẫn đồn đại chỉ là vớ vẩn. Nó là thanh niên, phải năng động mọi việc chứ chẳng nhẽ cứ ì ạch ở nhà thì bao giờ mới tiến lên được”. Đến lúc có gia đình đưa con gái bụng mang dạ chửa đến nhà Hải để bắt đền bố mẹ cậu, mẹ Hải vẫn điềm tĩnh, thong thả bênh con: “Làm thân con gái phải biết giữ gìn. Giờ ễnh bụng ra lại đến nhà tôi bắt đền. Con tôi là con nhà gia giáo, ngoan ngoãn chứ có phải như con gái nhà ông bà. Chưa cưới xin đã đồng ý trao thân gửi phận thì chửa là phải. Chẳng có gì đảm bảo đứa bé trong bụng là máu mủ của nhà tôi. Con gái hư thì mang về nhà để dạy chứ đừng để tôi làm ầm lên. Đến lúc đấy không có chỗ mà chui vào đâu”.

Ngay cả khi Hải đã thú nhận với mẹ mười mươi rằng cậu làm cô này có em bé, chia tay phụ bạc cô kia khiến cô tự tử thì bố mẹ vẫn bênh chằm chặp. Họ đổ lỗi hết cho “lũ con gái hư hỏng” không biết giữ thân mình. Bẵng đi mấy năm, có cô gái bế đứa trẻ 3 tuổi đến nhà Hải để nhận Hải làm bố cho con. Nhìn đứa cháu giống con mình như lột, bố mẹ Hải biết chắc đây chính là cháu nội của mình nhưng Hải còn đang vướng bận chuyện học hành, rước một đứa con vào đời Hải thì coi như Hải hết đường phấn đấu. Hai phụ huynh lại ra sức đuổi máu mủ của nhà mình ra nơi khác. Hải thì chẳng hề quan tâm đến chuyện đó. Cậu thừa biết đằng sau mình luôn có bố mẹ đi theo dọn lối nên cậu cứ thoải mái gây ra tội mà chẳng sợ chuyện gì. Thương con quá thì khiến con hư. Đó là điều đơn giản dễ hiểu. Ở đời, cái gì quá cũng trở thành thứ không tốt.

Con đi tù, vẫn bênh

Những người quen biết gia đình ông Hùng, bà Thảo đều nói rằng con bé Vân Anh nhà ông bà bây giờ phải ngồi trong tù tất cả cùng đều vì sự yêu chiều và bênh con thái quá của hai ông bà. Quả thật, đã có thời, Vân Anh là tất cả niềm hi vọng và tự hào của hai người, ông bà Hùng có ba người con thì hai người con trai đầu đều đi vào con đường nghiện ngập và bỏ nhà đi tứ xứ. Coi như mình không có hai đứa con đó, ông bà Hùng dồn mọi yêu thương và quan tâm vào cô con gái út Vân Anh. Không phụ lòng cha mẹ, Vân Anh học rất giỏi. Năm nào cũng đi thi học sinh giỏi và đạt giải này, giải kia. Đến năm lớp 11, Vân Anh thi được một học bổng của một trường đại học nước ngoài và lên đường đi du học. Điều đó càng khiến ông bà thêm tự hào và yêu thương con.

 

Dù Vân Anh có học bổng toàn phần để đi học nhưng ông bà không muốn con gái ở nơi xứ người phải thiếu thốn nên hai người bàn nhau bán đất để lấy tiền gửi cho con. Đồng tiền dễ làm hỏng nhiều thứ. Vân Anh ở nước ngoài có nhiều tiền nên sinh ra ăn chơi. Từ một đứa con ngoan, học giỏi, cô nhanh chóng trượt dốc và trượt nhanh tới mức kết quả học tập không đạt, cô bị đuổi học. Lặng lẽ trốn về nước, Vân Anh thuê cho mình một chung cư hạng sang và sống sung sướng bằng tiền bố mẹ đều đặn gửi sang hàng tháng.

Ban ngày, Vân Anh ngủ và đi mua sắm. Khi tối đến, cô bắt đầu đến vũ trường, các bar để chơi bời và yêu đương. Chẳng một ai ngờ rằng con bé Vân Anh xinh xắn, ngoan ngoãn ngày nào giờ lại có thể hư hỏng đến thế. Vân Anh chơi chất trắng. Tiền bố mẹ gửi sang dần không đủ để cung cấp cho nhu cầu dùng thuốc của cô nữa. Vân Anh đi làm gái. Cách vài ngày cô lại gọi điện về xin “tiền học”. Bố mẹ ở nhà vẫn đinh ninh con gái học hành chăm chỉ nên vay mượn khắp nơi để gửi tiền cho con bởi nhu cầu tiền bạc của cô con gái ngày càng tăng một cách khó hiểu.

Vở kịch du học của Vân Anh chỉ vỡ lở khi bà Thảo vô tình bắt gặp con mình trong trung tâm mua sắm với dáng hình tàn tạ đến không thể tin nổi. Bà vừa khóc vừa bí mật lôi con về nhà. Biết hết sự thật, hai ông bà chết đứng. Làm sao họ có thể tưởng tượng nổi con gái yêu của mình lại nghiện ngập y như hai anh trai của nó. Ông bà quyết tâm cai nghiện cho con. Để làng xóm không dị nghị, hai ông bà vờ mở tiệc mừng con gái du học trở vể. Kế hoạch cai nghiện cho Vân Anh được lên chi tiết, tỉ mỉ. Nhưng chẳng có câu chuyện nào có thể giấu được mãi. Hàng xóm biết được Vân Anh bị nghiện nên mới có chuyện, ngày nào cô cũng phải ở nhà, chẳng được đi đâu. Bà Thảo tất nhiên lên tiếng bênh con. Bà không nhốt con nữa mà cho con đi lại thoải mái để “hàng xóm trắng mắt ra”.

Bà còn cho Vân Anh tiền trước khi ra ngoài: “Phải có tiền trong người thì đi lại mới tự tin. Du học sinh là phải tự tin”. Có tiền, ngựa quen đường cũ, Vân Anh lại tìm đến chất trắng chết người. Ở nhà, bố mẹ vẫn ra sức bênh con và cho con tiền để “đi lại cho tự tin”. Đến khi Vân Anh bị bắt trong đợt truy quét của công an, bố mẹ cô vẫn chưa tỉnh ra. Bà Thảo đi khắp làng trên xóm dưới kể về “nỗi oan” tày đình của gia đình mình rằng: “Con Vân Anh nó đi học ở nước ngoài về. Bạn bè hẹn gặp thì đến gặp. Ai ngờ lại bị bắt oan. Con tôi làm sao dính vào tệ nạn này được”. Hai ông bà còn đi kiện tụng khắp nơi để bảo vệ danh dự cho con mình. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Giờ thì Vân Anh đang thụ án. Ông bà Hùng vẫn một mực kêu oan nhưng ai cũng biết, chẳng có nỗi oan nào ở đây cả.