Chương trình ngoại ngữ mới cần tránh "vết xe đổ"

ANTD.VN - Sau thất bại của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020”, chương trình ngoại ngữ mới bậc phổ thông đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Chương trình ngoại ngữ mới cần tránh "vết xe đổ" ảnh 1Nhiều trường học ở Hà Nội thiếu giáo viên ngoại ngữ do định biên 1 chỉ tiêu

Môn tiếng Anh là ngoại ngữ 1 và là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ lớp 3 đến 12. Nội dung cốt lõi của môn học giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ngôn ngữ. Tuy nhiên, liệu chương trình có đạt được mục tiêu này hay không khi nhiều vướng mắc từ việc triển khai đề án 2020 vẫn chưa được khắc phục?

Kế thừa từ Đề án cũ

Giáo sư Nguyễn Lộc, Chủ biên Chương trình môn Ngoại ngữ mới cho biết, môn tiếng Anh mới sẽ kế thừa rất nhiều kết quả mà Đề án “Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020” đạt được trong suốt quá trình thí điểm thời gian vừa qua. Chương trình mới vẫn giữ số tiết/tuần theo quy định của Đề án cũ, cụ thể tiểu học là 4 tiết/tuần; 3 tiết /tuần với cấp THCS và THPT. “Chúng tôi nhấn mạnh tới tính mở của môn học này để có thể tiếp nhận được nhiều bộ sách giáo khoa tiếng Anh. Những chủ đề, chủ điểm mà chúng tôi đưa vào môn học chỉ mang tính chất gợi ý, qua đó, các tác giả viết sách giáo khoa tương lai sẽ lựa chọn và quyết định những nội dung, cách thức phù hợp nhất với môn học này”, Giáo sư Nguyễn Lộc nói.  

Việc đánh giá hoạt động học của học sinh trong môn tiếng Anh dựa trên yêu cầu cần đạt đối với các kỹ năng giao tiếp ở từng cấp lớp, có tính đến những thay đổi trong mục tiêu từng cấp như cấp tiểu học ưu tiên vào nghe và nói, cấp THCS nhấn mạnh đến phối hợp giữa các kỹ năng và cấp THPT chú trọng đến cân bằng giữa 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Tuy nhiên, những người xây dựng chương trình môn học này cũng cho rằng, để môn tiếng Anh thực hiện được thì phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên để thực hiện đủ số tiết học theo kế hoạch dạy học ở trường phổ thông. Giáo viên phải đạt những yêu cầu theo quy định và có nghiệp vụ sư phạm phù hợp với các cấp học. Cùng đó, cần đảm bảo điều kiện, môi trường học tập đa dạng, phong phú để học sinh có thể tham gia vào các hoạt động học tập, sử dụng tiếng Anh có ý nghĩa.

Vẫn thiếu giáo viên biên chế

Bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, với chương trình ngoại ngữ hiện hành, phần lớn các trường đều lúng túng vì chỉ có 1 biên chế giáo viên ngoại ngữ. Việc thiếu giáo viên biên chế, khó tuyển giáo viên hợp đồng để ổn định và nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ trong trường khiến vị hiệu trưởng này càng lo ngại trước thông tin về chương trình ngoại ngữ mới. 

Thực tế, bài học từ Đề án “Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020” cần được rút kinh nghiệm triệt để khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng phải thừa nhận đề án này không đạt mục tiêu. Đến năm 2016, Đề án tiêu tốn hơn 9.000 tỷ đồng nhưng số lượng học sinh được thụ hưởng chương trình chỉ chiếm 20% so với mục tiêu. Số giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn là hơn 30%. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ từng nhận định, chất lượng chương trình còn thấp, đặc biệt là tiếng Anh, thể hiện rõ trong kỳ thi THPT quốc gia. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, có trên 90% học sinh bị điểm dưới trung bình môn tiếng Anh. Tỷ lệ thí sinh đạt 2,25 điểm chiếm cao nhất. Chỉ 8,8% thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên. Ở kỳ thi THPT quốc gia 2017, phổ điểm môn tiếng Anh tuy đã nhích lên, đỉnh của đồ thị ở mốc 3,4 điểm, khoảng điểm nhiều thí sinh đạt được vẫn ở mức    2,2-5. Điểm trung bình tiếng Anh là 4,6 (cùng với Lịch sử) thấp nhất trong 9 môn thi THPT quốc gia.

Tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên không đạt chuẩn với môn tiếng Anh tại nhiều địa phương, trong đó có cả các tỉnh, thành phố lớn khiến nhiều người lo ngại chương trình ngoại ngữ mới chưa đủ điều kiện để triển khai hoặc có triển khai cũng sẽ không đạt như mục tiêu đặt ra.