Bát nháo “thị trường” chứng chỉ tiếng Anh mới (1):

Chứng chỉ tiếng Anh "khung châu Âu"… có thực chuẩn?

ANTD.VN - Ngày 29-9-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 23 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, dùng cho Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-11-2017. Từ thời điểm đó, hầu hết các cơ sở đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ đều quy định, thí sinh dự thi có Chứng chỉ tiếng Anh “chuẩn khung châu Âu” sẽ được miễn thi đầu vào tiếng Anh. Để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận thí sinh có trình độ tiếng Anh không đạt yêu cầu, “thị trường” cấp chứng chỉ đã ra đời với vô vàn kiểu loại khác nhau. 

Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an trong thời gian qua, nhiều ổ nhóm sản xuất, mua bán chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bằng đại học và các văn bằng giả khác đã bị phát giác. Tuy nhiên, khi gõ vào mục tìm kiếm trên mạng Internet, chúng tôi không khỏi bất ngờ vì ngay lập tức có hàng trăm, hàng nghìn kết quả hiện ra, trong đó không ít những địa chỉ vẫn công khai rao bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả. 

Chứng chỉ tiếng Anh "khung châu Âu"… có thực chuẩn? ảnh 1Mua bán chứng chỉ, nhận làm chứng chỉ tràn lan trên mạng

“Đi chợ”... chứng chỉ

Liên hệ với số điện thoại 093.846.xxxx tìm thấy trên mạng, chúng tôi được người phụ nữ tự xưng tên là K giới thiệu đang ở TP.HCM, nhưng “thầu” cấp chứng chỉ, văn bằng giả trên toàn quốc. K đề nghị tôi kết bạn Zalo để trao đổi thông tin về việc mua bán chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh chuẩn B1 châu Âu. K gửi cho tôi mẫu chứng chỉ tôi muốn làm và theo lời người phụ nữ này, giá cho một tấm chứng chỉ giả như tôi yêu cầu là 4 triệu đồng. Người mua chứng chỉ có trách nhiệm gửi ảnh, thông tin và cơ sở của K sẽ “lắp ráp” đầy đủ vào chứng chỉ giả. 

Để tăng lòng tin cho một khách hàng, K không yêu cầu khách hàng phải đặt cọc, chỉ khi nào nhận chứng chỉ mới thanh toán tiền qua tài khoản cho K. Cơ sở của K cũng cam đoan chứng chỉ của tôi sẽ giống hệt như thật, không thể phát hiện sự khác biệt bằng mắt thường. Nhưng khi chúng tôi tìm thêm thông tin về cơ sở của K, thì vẫn với nội dung giới thiệu về nơi cung cấp chứng chỉ, ngoại ngữ, tin học đó, chủ cơ sở lại là một người đàn ông tên P.  

Chứng chỉ thật - giá trị giả

Qua điều tra của phóng viên Báo ANTĐ, gần đây những người có nhu cầu sử dụng Chứng chỉ tiếng Anh “chuẩn khung châu Âu” không mặn mà lắm với chứng chỉ mua. Đơn giản, việc tổ chức thi tuyển cấp Chứng chỉ tiếng Anh “chuẩn khung châu Âu” được tổ chức tràn lan với hàng trăm cơ sở tự nhận mình có liên kết với 10 cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép cấp chứng chỉ. 

Theo lời quảng cáo của một trang web về tổ chức thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ “chuẩn khung châu Âu”, chúng tôi đã liên hệ với người phụ nữ tên V và được chị này cho biết: “Tất cả đều có cơ chế hết…”. Trong vai một người có nhu cầu thi cao học vào trường B, tôi được V cho biết, trường này chỉ chấp nhận chứng chỉ do Đại học Ngoại ngữ, Đại học sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM cấp. Những chứng chỉ của các trường này V có thể lo được, nhưng giá thành hơi cao. Nếu muốn giá rẻ và với trình độ tiếng Anh “vừa phải” thì chỉ có chứng chỉ của trường Đại học Sư phạm Vinh hoặc Đại học Thái Nguyên, nhưng trường B không công nhận chứng chỉ của 2 trường này cấp. Do đó, V mách tôi hãy tìm hiểu thông tin tại trang tin điện tử của trường B, có tổ chức thi cấp Chứng chỉ tiếng Anh “chuẩn khung châu Âu” với mức giá dành cho cả ôn và thi là 6 triệu đồng. 

Một người bạn khác cũng đã từng thi vào trường này cho hay, với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thì chỉ khó nhất là kỹ năng nghe, 3 kỹ năng còn lại nếu có sai hoặc thậm chí nói tiếng... Việt, thầy cô cũng châm chước “cho qua”. 

Vẫn trong vai người có nhu cầu cấp Chứng chỉ tiếng Anh chuẩn B1 theo khung tham chiếu châu Âu, tôi tiếp tục liên hệ với một trung tâm khác trên đường Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy, Hà Nội. H.V.T là nhân viên của trung tâm cho hay, trung tâm liên kết với Đại học H.N sẽ có đợt thi vào ngày 25-3 và đảm bảo đỗ 98%. Nếu không may rơi vào 2% rủi ro là thi trượt, học viên sẽ được tổ chức thi lại không mất phí. Giá cho một lần thi là 12,5 triệu đồng (cao hơn so với giá người phụ nữ tên V giới thiệu cho tôi). Số tiền này cùng với hồ sơ, thí sinh sẽ nộp tại trung tâm, có phiếu thu của trung tâm.

Theo lời quảng cáo của T, khi ôn thi, giáo viên Đại học H.N sẽ ôn sát đề thi. Với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ở phần nói thí sinh có thể nói... linh tinh cũng được. Với 3 phần thi còn lại, giám thị sẽ nới lỏng và có các thí sinh khác hỗ trợ. Thí sinh thi tại Đại học H.N sau 2 tuần sẽ có kết quả và được đăng công khai lên trang web của nhà trường. “Chứng chỉ được cấp là chứng chỉ thật và được lưu hồ sơ gốc tại Đại học H.N nên thí sinh hoàn toàn yên tâm” - T quảng cáo. 

Có thể thấy rằng, qua những lời giới thiệu của các trung tâm, cơ sở liên kết, những chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu dù là chứng chỉ thật, nhưng cũng chẳng khác gì chứng chỉ giả vì nó không mang giá trị thật do tổ chức  thi bát nháo như thế. Dù đạt chuẩn, nhưng những thạc sỹ, tiến sỹ tương lai vẫn không thể sử dụng tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài như kỳ vọng của Đề án ngoại ngữ 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. 

(Còn nữa)