Chuẩn nghề nghiệp mới, giáo viên tâm tư tiền lương có thay đổi tương ứng?

ANTD.VN - Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới chưa được ban hành vì đang trong quá trình nghiệm thu. 
 

Giáo viên bắt buộc nâng chuẩn để phát triển năng lực chuyên ngành đáp ứng đổi mới giáo dục

Bộ chuẩn nghề nghiệp mới là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Vấn đề là giáo viên có đủ động lực theo đuổi chuẩn nghề nghiệp mới hay không, trong khi đời sống giáo viên vẫn chưa được cải thiện?

Đổi mới là yêu cầu bắt buộc

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ chiều 15-11, ông Hoàng Đức Minh cho biết, bộ chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới đang trong giai đoạn nghiệm thu và sẽ sớm được ban hành theo dự kiến trong năm học này. Các chuẩn cũ đã áp dụng được nhiều năm nên có những tiêu chí không còn phù hợp. Ví dụ như chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học từ năm 2007, chuẩn giáo viên trung học từ năm 2009...

Theo ông Hoàng Đức Minh, với yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện và chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, giáo viên là yếu tố quyết định nên bắt buộc mỗi thầy, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đổi mới. Theo đó, giáo viên sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và các yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đặt ra cho mỗi nhà giáo và toàn ngành. 

“Khi được thăng hạng, giáo viên sẽ được tăng mức lương tương ứng. Đây là động lực rất cụ thể để giáo viên phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp để được công nhận thứ hạng cũng như cải thiện bậc lương”

Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ chính trong năm học này. Theo đó, Bộ sẽ ban hành Bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm năm học 2017-2018.

Từ đó, làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Lương thấp có đủ động lực đổi mới?

Nhiều người cũng băn khoăn, liệu chuẩn mới có thật sự chú ý đến chất lượng của người thầy vào đúng mục tiêu là dạy học, vì chuyên môn, học trò hay không? Hay chuẩn lại đặt nặng về mặt quản lý thì e rằng các cấp quản lý, nhất là hiệu trưởng lại có thêm các tiêu chí để làm khó giáo viên?

Bên cạnh đó, vấn đề đời sống vật chất, chế độ chính sách tiền lương của giáo viên vẫn chưa có sự thay đổi tương ứng. Cá biệt có những trường hợp một giáo viên mầm non sau hơn 37 năm công tác khi nghỉ hưu lương chỉ được 1,3 triệu đồng khiến các giáo viên trong ngành rất tâm tư.

Mặc dù vậy, khi được hỏi về thực tế tâm lý giáo viên trước yêu cầu liên tục đổi mới, bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Giáo viên hiện nay vẫn có rất nhiều người tâm huyết, yêu nghề. Các cô luôn tìm được động lực tự đổi mới, sáng tạo trong quá trình dạy học hàng ngày. Không thể nói là vì đồng lương không cao mà giáo viên không đổi mới, không tự nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu mới”.

Hiện, Bộ GD-ĐT chưa ban hành chuẩn nghề nghiệp mới nhưng mới đây nhất, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, giáo viên mầm non, giáo viên Tiểu học được bổ nhiệm và xếp lương theo 3 hạng chức danh nghề nghiệp (hạng II, III, IV); giáo viên trung học cơ sở và giáo viên trung học phổ thông được bổ nhiệm và xếp lương theo 3 hạng chức danh nghề nghiệp (hạng I, II, III).

Như vậy, giáo viên từ mầm non, tiểu học đến THPT sẽ có 2 kỳ thi thăng hạng với các nội dung thi về chuyên môn. Theo bà Ngô Thị Thanh, khi được thăng hạng, giáo viên sẽ được tăng mức lương tương ứng. Đây là động lực rất cụ thể để giáo viên phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp để được công nhận thứ hạng cũng như cải thiện bậc lương.