Chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất

ANTD.VN - Chiều 13-1, tại Hội thảo “Tình hình thiên tai khí tượng thủy văn năm 2016 - khả năng cảnh báo sớm và độ tin cậy dự báo”, ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Dự báo số và viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, năm 2016 đã xảy ra nhiều hiện tượng khí tượng thủy văn nổi bật, trong đó mưa lũ diện rộng trên phạm cả nước. 

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Quang, lũ quét, sạt lở đất chưa thể dự báo được, chỉ thực hiện cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng. Dự báo lũ quét là vấn đề khó. Các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản với các kỹ thuật hiện đại như vệ tinh, radar thời tiết, hệ thống máy móc đo đạc tự động cũng chỉ đưa ra những cảnh báo lũ quét cho một khu vực, chứ không phải cho một vị trí cụ thể nào. 

Khả năng dự báo và độ chính xác của dự báo lũ tùy thuộc vào thời gian dự kiến của dự báo và vị trí dự báo. Càng dự báo dài hơn so với thời gian tập trung nước trên lưu vực, độ chính xác, độ tin cậy cũng giảm theo. Thời gian dự kiến dự báo quá trình lũ cho khu vực Trung bộ, Tây nguyên từ 3-12 giờ, 24 giờ đối với các sông lớn; cho các sông ở Bắc bộ 6 - 48 giờ (ở thượng lưu lưu 24 giờ, hạ lưu 48 giờ); sông Cửu Long trước 5 ngày. Mức đảm bảo dự báo khoảng 75 - 80%. 

Phó Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải nhấn mạnh, khoa học dự báo đang có những khó khăn, dự báo dài về khí tượng thủy văn càng ngày càng khó, càng dự báo xa sai số càng lớn đối với các loại hình thiên tai. Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả các nước tiên tiến đều chưa có nhiều tiến bộ trong dự báo cường độ bão, sai số trung bình trong thời hạn 24 giờ, 48 giờ lần lượt là 2-3 cấp bão, dự báo cường độ thời hạn 72 giờ hầu như không có tính tham khảo cao. 

Bởi vậy, để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai cần phải có lộ trình, biện pháp thích hợp để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, đòi hỏi thực hiện đồng bộ các biện pháp, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thời gian tới việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ dự báo, mạng lưới thám sát thiên tai hiện đại, tiên tiến là cần thiết giúp Việt Nam tiệm cận đến trình độ dự báo thế giới, nâng cao độ tin cậy, độ chính xác trong các bản tin cảnh báo, dự báo. 

Điều quan trọng hơn là phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có cơ chế đặc biệt, mục tiêu đào tạo, chương trình phát triển cán bộ năng lực cao đáp ứng yêu cầu làm chủ trang thiết bị, làm chủ kiến thức khoa học mới để có thể bám sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai ngày càng bất thường hơn.