Chưa hỏi xong đã trả lời, dễ cảm xúc, hay quên… coi chừng trẻ bị tăng động

ANTD.VN - Tại Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, phần lớn trẻ đến khám rối loạn tăng động giảm chú ý do cô giáo, phụ huynh phát hiện các triệu chứng như: thiếu kiên trì, dễ xung động, cảm xúc, hay quên, hoặc nói quá nhiều, chưa hỏi xong đã trả lời…

Điều trị cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Trao đổi thông tin với báo chí chiều nay, 7-5, ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi – Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tại Việt Nam, trong số 1.320 trẻ được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý chiếm khoảng 4%.

Riêng tại Viện Sức khỏe tâm thần, lượng bệnh nhân bị tăng động giảm chú ý đến khám khá nhiều và có xu hướng gia tăng. Phần lớn trẻ vào khám là do thầy cô giáo phát hiện triệu chứng rồi thông báo với gia đình. Biểu hiện phổ biến của chứng bệnh này là không tập trung chú ý, hoạt động không kiểm soát, tăng hoạt động.

Triệu chứng cụ thể thường gặp như: thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi sự tham gia của nhận thức; dễ xung động, cảm xúc, ví dụ như cô giáo chưa hỏi hết câu hỏi trẻ đã trả lời, hoặc nói quá nhiều, khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hàng ngày…

Bác sĩ Lê Công Thiện cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát bệnh sớm, từ trước khi trẻ lên 7 tuổi. Trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ.

Trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ. Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.

Viện Sức khỏe tâm thần - BV Bạch Mai cung cấp thông tin cho báo chí

Đáng chú ý, hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành. Tức đây không phải là bệnh chỉ gặp ở trẻ em.

“Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 4-5% người trưởng thành (khoảng 30 tuổi) cũng bị rối loạn này. Thực tế tại bệnh viện, chúng tôi khi tiếp nhận điều trị cho một số trẻ bị tăng động giảm chú ý, qua hỏi bệnh phát hiện cả bố cháu bé cũng có triệu chứng bệnh” – bác sĩ Thiện nói.

Một sai lầm thường gặp nữa được các bác sĩ chỉ ra, đó là nhiều người quan niệm rằng trẻ tăng động giảm chú ý chủ yếu do bố mẹ không quan tâm, không biết dạy con hay phương pháp dạy học không đúng. Cũng vì thế nhiều gia đình có con bị chẩn đoán tăng động giảm chú ý thì bố mẹ mắng nhau không biết dạy con. Tuy nhiên đây là quan điểm không đúng.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần phân tích, có nhiều nguyên nhân và cơ chế gây nên rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ như: di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống… Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong cải thiện, hồi phục chức năng cho trẻ mắc bệnh.

Các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện của rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được khám, đánh giá chính xác và tư vấn, can thiệp điều trị kịp thời.

Điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý không quá phức tạp, hầu hết bệnh nhi được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, quan trọng là phải tuân thủ điều trị, theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ. Thực tế, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, hiện có những bệnh nhân đã điều trị đến 8 năm, vào điều trị từ lúc 8 tuổi đến nay đã 16 tuổi.