Chú ý các dấu hiệu và cách phòng tránh bệnh sởi để bảo vệ trẻ trong mùa dịch

ANTD.VN - Số ca mắc sởi trên nhiều địa phương của cả nước đang có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt ở trẻ em. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần nắm được những dấu hiệu cũng như cách phòng tránh bệnh để có thể bảo vệ con em mình trước dịch bệnh này.

Trẻ mắc sởi vẫn đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn Hà Nội

Như ANTĐ đã đưa tin, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 25-2 đến 3-3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 76 trường hợp mắc sởi, tăng 7 trường hợp so với tuần trước. Còn tính từ đầu năm 2019 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 336 trường hợp mắc sởi, tại 27/30 quận, huyện, thị xã.

Như vậy, số bệnh nhân mắc sởi của Hà Nội trong năm 2019 này đã tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. Nhóm đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 24,1%); nhóm bệnh nhân từ 1 đến 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm bệnh nhân từ 6 đến 15 tuổi chiếm 23,4%.

Bệnh nhân điều trị sởi tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VTV

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Gia Lâm... Điều đáng nói, khoảng 90% trường hợp mắc sởi do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Sở Y tế Hà Nội dự báo, trong thời gian khoảng 1 tháng tới đây, tình hình bệnh nhân mắc sởi trên địa bàn có thể vẫn tiếp tục gia tăng.

Phân biệt bệnh sởi với ban dị ứng

Thông tin trên Báo Gia đình & Xã hội, theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng Khoa Nhi của BV Bạch Mai, nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường (70 – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là những virus lành tính. Còn sởi do virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Phát ban thông thường là những ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi bay thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

Còn sởi thì ban xuất hiện ở sau tai trước, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực, bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

Sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện như sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ vì sốt cao, trẻ đau đầu hay nhức mỏi các cơ bắp, biếng ăn, biếng bú, một số trẻ có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

Những dấu hiệu cụ thể khi bị nhiễm virus sởi:

- Sốt  38-39 độ C và sốt liên tục.

- Trẻ bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan, khàn tiếng hoặc có đờm), tiêu chảy.

- Có những chấm nhỏ khoảng 1 mi-li-mét nổi lên trên niêm mạc má, dễ quan sát khi trẻ há miệng to; chấm có màu đỏ, sung huyết, ở vị trí ngang với răng hàm thứ nhất. Dấu hiệu này mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt 3 đến 4 ngày, trẻ bị phát ban. Đầu tiên ban mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất, có xu hướng kết dính lại với nhau, phát ban xen giữa những khoảng da lành. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân, sau khi bay để lại vết thâm trên da.

- Trẻ ăn kém, mệt, mỏi. Thường thì 3 bốn 4 ngày sau khi ban mọc, ban sẽ bắt đầu bay, nhạt màu dần, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Trẻ lại sức dần và hết sốt.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Theo VTV, tất cả mọi người chưa bị sởi lúc còn nhỏ hoặc chưa được tiêm phòng vaccine sởi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Các chuyên gia khuyến cáo tiêm vaccine hỗn hợp 3 trong 1 (MMR- sởi- quai bị - rubella) là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay để phòng ngừa cả 3 bệnh này.

Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu giúp phòng tránh bệnh sởi ở trẻ.

Bên cạnh đó, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân…).

Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Lau sàn nhà, tay nắm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế… bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1 - 2 lần/ngày.

Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch. Khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.