Chủ quan khi thấy có mụn nhỏ trên mũi, nam bệnh nhân nhập viện với khối ung thư "khủng"

ANTD.VN - Cách đây 2 tháng, anh P.K.P. (Ba Vì, Hà Nội) thấy có một mụn nhỏ vùng chóp mũi nhưng không gây khó chịu gì nên chỉ nặn thông thường, tuy nhiên cục mụn to lên rất nhanh và tiến triển thành khối ung thư, đe dọa đường thở…

Quá trình phẫu thuật khối ung thư và tái tạo mũi cho bệnh nhân P.K.P

Ngày 23-4, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, các bác sĩ của viện này vừa phẫu thuật triệt căn khối ung thư đường kính 4 cm, to như quả cà chua đỏ mọng trên mũi của nam bệnh nhân P.K.P, 42 tuổi, đồng thời kết hợp tạo hình giúp bệnh nhân phục hồi chức năng thở đường mũi.

Theo lời kể, anh P.K.P. xuất hiện một cục mụn nhỏ vùng chóp mũi từ lâu nhưng không gây khó chịu gì nên cũng không để ý. Trong vòng 2 tháng gần đây khối u to lên rất nhanh kèm theo có loét, chảy dịch, khuôn mặt biến dạng. Lúc này anh mới đi khám thì được chẩn đoán bị ung thư da mũi.

Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, anh P. được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u và tạo hình lại chiếc mũi, sao cho vừa phục hồi được chức năng đường thở vừa đem lại thẩm mỹ cho khuôn mặt.

Sau 2 cuộc phẫu thuật diễn ra trong vòng 14 ngày, bệnh nhân P.K.P. đã được cắt bỏ rộng rãi khối u, rồi lấy da từ vùng trán xuống để tạo hình mũi.

ThS.BS Trần Chí Dũng, khoa Ngoại Đầu Cổ - người thực hiện ca phẫu thuật cho biết, lần cấy ghép đầu tiên là phức tạp nhất do khối u xâm lấn rộng vào sống mũi, chóp mũi, cánh mũi hai bên, trụ mũi, gốc mũi và một phần sụn. Đáng mừng là 2 lần phẫu thuật đã kết quả rất khả quan.

Cũng theo bác sĩ Dũng, ung thư da vùng mặt thường xuất hiện trên nền những sẹo cũ, các vết loét nhỏ từ mụn cơm hay nốt ruồi nên người bệnh thường ít chú ý.

Việc phát hiện sớm những tổn thương này giúp cho quá trình điều trị thuận lợi hơn và đạt kết quả điều trị tốt hơn. Ngược lại, nếu để tổn thương lan rộng, việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và kết quả thường không được tốt.