Chủ động bảo vệ “tài sản vô hình”

(ANTĐ) - Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, “tài sản vô hình” ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay “tài sản vô hình” là thương hiệu, nhãn hiệu chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Chủ động bảo vệ “tài sản vô hình”

(ANTĐ) - Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, “tài sản vô hình” ngày càng khẳng định vai trò là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị của doanh nghiệp và tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ngày nay “tài sản vô hình” là thương hiệu, nhãn hiệu chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Trong tiến trình phát triển chung của kinh tế thương mại, việc cạnh tranh đôi khi dẫn đến khả năng tranh chấp, kiện tụng lẫn nhau ra tòa giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước  là điều khó có thể tránh khỏi. Song thực tế lại chứng minh, không phải các doanh nghiệp không biết, không lường trước mà vẫn để xảy ra khiến không ít người phải đặt câu hỏi “Tại sao?”.

Bà Trần Thu Hằng, Học viện Tài chính trong bài viết “Doanh nghiệp Việt Nam với vấn đề thương hiệu” đăng trên Tạp chí Tài chính số 4/2004 phân tích, thương hiệu là một cái tên, một từ ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một hình vẽ hay tổng hợp tất cả các yếu tố kể trên nhằm xác định một sản phẩm hay dịch vụ của một hay một nhóm người bán và phân biệt các sản phẩm, dịch vụ đó với các đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu bao gồm: Nhãn hiệu hàng hóa (thương hiệu sản phẩm); Tên thương mại của các tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (thương hiệu doanh nghiệp) và Các chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

Trước đây, thông tin đại chúng đã nhiều lần đề cập đến các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với vấn đề bị các công ty nước ngoài ăn cắp hoặc nhái nhãn hiệu trên thị trường quốc tế, kéo theo đó là hàng loạt các vụ tranh chấp thương hiệu diễn ra như SABECO ở thị trường Singapore; Vinataba ở thị trường châu Á; Biti’s, kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc; bánh phồng tôm Sa Giang ở Pháp; Trung Nguyên ở Nhật, Mỹ và đặc biệt là ở thị trường Mỹ với các thương hiệu lớn của Việt Nam như PetroVietNam, Vifon, Saigon Export, Việt Tiến... Mất nhãn hiệu không chỉ là mất đi thị trường, mất bạn hàng, mất thương hiệu mà sẽ thiệt hại, tốn kém rất lớn cho các doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam có phần tỉnh táo hơn với việc đăng ký sở hữu đối với “tài sản vô hình” của mình trước khi tham gia sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, quan hệ quy chiếu về đúng vị trí, không ít doanh nghiệp trong nước lại thờ ơ với việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm kết hợp với việc quản lý chặt chẽ thương hiệu ngay trên sân nhà.

Nhưng ví dụ dưới đây sẽ là bài học thực tế đã xảy ra cho không ít doanh nghiệp phải chặt chẽ trong việc bảo vệ “tài sản vô hình” là thương hiệu, nhãn hiệu của mình cả thị trường trong nước lẫn trên thị trường quốc tế. Đó là tranh chấp giữa Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại cơ điện và điện tử Hán Sinh với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Cơ điện và Điện tử Hàn Sinh trong việc sở hữu những nhãn hiệu ổn áp, điện tử Hanshin hay Hansinco; tranh chấp giữa hai nhãn hiệu của Công ty Dây và Cáp điện Thượng Đình (Cadi-Sun) và Công ty Cadivi; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu, tên thương mại giữa Công ty Cổ phần Vincom và Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Vincon; Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet) và Vietnam Airlines với thương hiệu VietAir và Viet Air; Công ty CP Công nghiệp tàu thủy và xe máy Vinashin với phía Honda Việt Nam và Piaggio Việt Nam với mẫu sản phẩm xe máy Diamond Blue; Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh với Cơ sở nước mắm Hưng Thịnh (sản xuất nước mắm hiệu Hồng Thịnh); Cơ sở sản xuất cây giống Cao Lãnh đối với việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đối với quýt hồng Lai Vung, xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc…

Chưa bàn đến sự đúng - sai ở đây, nhưng cuộc chiến thương hiệu luôn đi kèm với những rắc rối về kiện tụng, tiêu tốn thời gian và kinh phí, dù thắng hay thua cũng đều gây nên những tổn thất rất lớn về cả mặt tinh thần lẫn vật chất giữa các bên. Chình vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn hay nhỏ đều phải hành xử đúng theo các quy định của pháp luật trên tinh thần hướng tới một không gian cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo lợi ích hợp pháp của mỗi doanh nghiệp; chủ động bảo vệ “tài sản vô hình” để đảm bảo chắc phần thắng trên sân nhà, mạnh mẽ vươn ra thị trường quốc tế trên sân chơi mang tên kinh tế.

Mang lại ưu thế rõ rệt

Nhãn hiệu có thể chiếm đến 90% giá trị của hàng hóa trên thị trường. Việc xây dựng một nhãn hiệu là đầu tư có hiệu quả về lâu dài chứ không phải tiêu tiền. Nhãn hiệu cũng là sản phẩm để bán, xuất khẩu, làm hài lòng khách hàng chứ không phải để thỏa mãn cá nhân chủ sở hữu. Chính vì vậy, nhãn hiệu phải được đăng ký và bảo hộ ở cả trong và ngoài nước. Hơn nữa, nhãn hiệu hàng hóa còn là công cụ cạnh tranh hữu hiệu của các doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, hiện nay mới có quá ít doanh nghiệp quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Rất nhiều các doanh nghiệp trong nước chỉ chú trọng khâu sản xuất mà không đề phòng trường hợp thương hiệu mình mất công gây dựng có thể bị đối thủ cạnh tranh đăng ký bảo hộ trước. Khi xảy ra tranh chấp thương hiệu, người chịu thiệt thòi chính là các doanh nghiệp chưa đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các doanh nghiệp càng sớm thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiện bao nhiêu càng đem lại lợi ích cho nhãn hiệu đó bấy nhiêu.

Ông Nguyễn Minh Đức

Kiểm toán Công ty PRG-Schultz UK Ltd

Phải hiểu biết luật

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm hơn đến vấn đề sở hữu trí tuệ, nhưng sự quan tâm ấy chưa đầy đủ, chưa thỏa đáng. Có nhiều lý do khiến doanh nghiệp buộc phải quan tâm bởi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực. Đối chiếu với nhu cầu thì các doanh nghiệp phải biết vấn đề sở hữu trí tuệ giống như khi ra đường phải hiểu biết Luật Giao thông, tránh tình trạng xâm phạm bản quyền của người khác.

Sự quan tâm thỏa đáng tới việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu khiến nhiều doanh nghiệp đã phải chịu những tổn thất không đáng có. Nhiều vụ kiện tụng xảy ra do doanh nghiệp không nắm được luật, không quan tâm để doanh nghiệp khác nhanh chân, đăng ký bảo hộ trước. Trong quá trình hội nhập, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài một cách kịp thời sẽ giúp các doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển, chống mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của các đối thủ cạnh tranh cũng như của những kẻ trục lợi. Điều đó trước tiên là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Hơn nữa, cũng để tránh việc xâm phạm tới những doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ một cách vô tình hay cố ý.

Ông Hoàng Văn Tân

Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN

Một việc làm cần thiết

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở môi trường nước ngoài, nhưng không ít doanh nghiệp lại chủ quan chưa đăng ký bảo hộ trong nước dẫn đến việc chính các doanh nghiệp trong nước tranh chấp thương hiệu, nhãn hiệu ngay trên “sân nhà” của mình. Một doanh nghiệp có định hướng và mục tiêu phát triển rõ ràng chắc chắn sẽ phải tính đến phương án đăng ký bảo hộ thương hiệu cả ở môi trường nước ngoài lẫn trong nước. Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu là việc làm cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, không tùy thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ của doanh nghiệp.

Bảo hộ thương hiệu trước khi nguy cơ có thể bị xâm phạm là hành động khôn ngoan mà các lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn ý thức rõ. Ngay trong thời gian đầu thành lập, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải ý thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ thương hiệu; bởi thực tế sẽ trả lời đúng như vậy vì không ít đơn vị sẽ lợi dụng uy tín và ảnh hưởng doanh nghiệp khác để “nhập nhèm” và cạnh tranh không lành mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh

Tổng Giám đốc, CTCP Truyền thông TVShopping

Phối hợp với các cơ quan chức năng

Ở   nước ngoài, để bảo vệ quyền lợi cho công ty, doanh nghiệp họ đều có ý những bộ phận riêng chuyên trách hoặc thuê các công ty luật, các luật sư bảo hộ để bảo vệ bản quyền cho mình. Thực tế này rất khả quan nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô, khả năng tài chính của doanh nghiệp chứ không thể áp dụng một cách đại chúng.

Ở Việt Nam, cũng đã có những công ty, doanh nghiệp áp dụng cách này để bảo vệ “đứa con tinh thần”, “tài sản vô hình” của mình. Dưới góc nhìn của tôi, bảo vệ những tài sản trí tuệ không chỉ bằng việc đăng ký bảo hộ trong nước lẫn quốc tế mà nên phối hợp với các cơ quan chức năng. Trong trường hợp bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, các công ty, doanh nghiệp nên chủ động liên hệ với các lực lượng thực thi để trực tiếp phối hợp trên nhiều phương diện từ phương tiện, kinh phí… Có thể kể tên ra đây những lực lượng thực thi đóng vai trò tích cực trong đấu tranh chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ như Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA), Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP), Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV)…

Ông Đỗ Chính,

Tổng Giám đốc Tập đoàn Command

Nhóm PV Cuối tuần