Chống người thi hành công vụ
(ANTĐ) - Em tôi đã 20 tuổi, lúc nhỏ thần kinh không bình thường, gia đình đã có lần cho đi điều trị tại bệnh viện tâm thần. Do bạn rủ đi chơi bằng xe máy ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, bị cảnh sát giao thông kiểm tra em tôi sợ bị giữ xe nên chỉ ôm giữ người cảnh sát để bạn phóng xe bỏ chạy, không hề hành hung người cảnh sát nhưng em tôi bị bắt giữ về hành vi chống người thi hành công vụ, như vậy có đúng không? Tôi phải làm gì trong trường hợp này?
Đào Thị N (Hoàng Mai, Hà Nội)
Trả lời: Hành vi chống người thi hành công vụ được hiểu là hành vi xâm phạm vào hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước.
Người thi hành công vụ là người đang thực hiện nhiệm vụ do cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội giao vì lợi ích chung của toàn xã hội. Em chị đã dùng sức mạnh ôm giữ người cảnh sát, tác động lên thân thể họ buộc họ không thể thực hiện được nhiệm vụ mặc dù chưa gây thương tích cho họ, nhưng lại tạo điều kiện để một hành vi vi phạm khác trốn tránh pháp luật. Ngoài ra em chị còn vi phạm vào Nghị quyết 32 năm 2007 của Chính phủ về việc tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm.
Theo khoản 1, điều 257 - Bộ luật Hình sự thì em chị có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Song, hành vi chống người thi hành công vụ được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.
Về cơ bản, hành vi của em chị đã có dấu hiệu cấu thành tội chống người thi hành công vụ. Việc bắt giữ em chị là đúng pháp luật, còn việc xử lý em chị như thế nào còn phải dựa trên một số căn cứ khác như năng lực trách nhiệm hình sự.
Chị cần thông báo sớm để cơ quan pháp luật biết về bệnh tâm thần của em chị, xuất trình những giấy tờ liên quan đến bệnh tâm thần của em chị cho cơ quan pháp luật xem xét.
LS Trương Văn An
(VPLS Phúc Thọ, 23 Hồ Dắc Di, Đống Đa, Hà Nội)