Choáng váng đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại bán 113 tỷ đồng trong vòng 8 phút đấu giá

ANTD.VN -Bảo Đại là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Chiếc Rolex phiên bản giới hạn (thế giới chỉ còn ba chiếc) được ông mua vào năm 1954 tại Geneva, trong thời gian tham dự Hội nghị Hòa bình tại Geneva. "Bao Dai" reference 6062 trở thành chiếc Rolex đắt nhất trong lịch sử, bởi nó hội tụ được cả ba yếu tố quan trọng: tình trạng cổ vật, độ hiếm và giá trị lịch sử.

Tiếc nuối những di vật “lặng lẽ” rời Việt Nam

Chiếc đồng hồ Rolex của vua Bảo Đại đã gắn liền với những ngày tháng biến động nhất của cá nhân ông vua cuối cùng, lẫn lịch sử đất nước. Sau hội nghị Geneva ít lâu, Quốc trưởng Bảo Đại bị phế truất, còn Việt Nam cũng bước vào một chương khốc liệt mới.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Tôi chỉ biết thở dài tiếc nuối, rằng lại thêm một di vật nữa từng thuộc về Việt Nam đã ra khỏi biên giới đất nước. Trước cái đồng hồ này, rất nhiều những thứ khác như tranh, đồ cổ… đã lặng lẽ rời khỏi Việt Nam theo rất nhiều con đường khác nhau. Mới đây, những kẻ buôn bán tranh lậu đã định mang tranh của cố họa sĩ Trần Văn Cẩn tuồn ra nước ngoài - những bức tranh được nhà nước liệt vào dạng bảo vật quốc gia cần phải gìn giữ. Rất may vụ này được phát hiện và ngăn chặn kịp thời”.

Chiếc đồng hồ rolex của vua Bảo Đại.

Cách đây vài năm, họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng thở than rằng, toàn bộ ký họa của Tô Ngọc Vân đã được bán cho một nhà sưu tầm tranh của Thái Lan. “Trời ơi, tất cả ký họa ghi nhận một thời chống Pháp của danh họa lại được nhà sưu tầm Thái Lan quan tâm khi mà những cơ quan chức năng thờ ơ với chúng”.

Ông cho biết thêm, khi ông còn ở Đức, một người Việt đã móc ngoặc với giới buôn lậu đồ cổ, với một số nhân viên chức năng biến chất, mang cả trống đồng từ Việt Nam sang bày bán công khai ở một tiệm bán hàng đồ cổ của anh ta tại Potsdam.

Những hiện tượng ấy hẳn nhiều người không lạ, bởi bao nhiêu năm, đã có biết bao báu vật, những đồ men sứ, những tượng đài, cả tượng phật cổ, những phù điêu không bao giờ tái tạo được và nhiều dạng thức cổ khác có tuổi hàng nghìn năm, sản xuất từ đời Lý, Trần được tuồn lậu ra nước ngoài và rơi vào tay giới sưu tầm ngoại quốc.

Câu chuyện 5 triệu USD được quyết định chỉ trong 8 phút đấu giá Rolex và những dòng chảy di sản ra nước ngoài đã khiến những người quan tâm đến giá trị cổ vật Việt xót xa và đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã thực sự có ý thức giữ gìn các báu vật của đất nước?

Nhà Nguyễn Văn Thọ tin rằng Việt Nam có những tỷ phú đủ sức bỏ ra 5 triệu USD thậm chí là hơn thế nữa để ngăn chiếc đồng hồ Bảo Đại, tranh Bùi Xuân Phái, Trần Văn Cẩn… chảy ra nước ngoài. Bởi họ đã bỏ hàng chục triệu USD để sưu tầm xe sang, kim cương và những mặt hàng xa xỉ khác. Nhưng dường như nhiều người thực sự chưa biết, chưa ý thức được giá trị của di vật và cổ vật. Điều này có thể xuất phát từ sự hình thành quá muộn và không rõ ràng của thị trường kinh doanh, mua bán cổ vật ở Việt Nam.

Vì sao chiếc Rolex của vua Bảo Đại đắt giá nhất thế giới?

Nếu đặt câu hỏi cho hai chuyên gia am hiểu về đồng hồ Rolex nhất ở Mỹ là Andrew Shear và Eric Ku, về chiếc Rolex duy nhất mà cả hai đều muốn sở hữu, hai người đều có chung câu trả lời.

Đó không phải dòng Submariner hay Oyster Paul Newman nổi tiếng mà chính là chiếc đồng hồ Rolex reference 6062 của vua Bảo Đại. Chiếc đồng hồ vàng có kích thước mặt 36mm là điểm tương đồng duy nhất so với đồng hồ thông thường khác.

Đồng hồ “Bao Dai" reference 6062 được giới chuyên đánh giá là mẫu Rolex huyền thoại. Đặc điểm khiến cho nó trở nên độc đáo nhất chính là từng thuộc sở hữu của vua Bảo Đại, hoàng đế Việt Nam cuối cùng.

Bảo Đại là vị vua thứ 13 và cũng là cuối cùng của triều Nguyễn. Kế nhiệm ngôi vua vào năm 1926, khi mới 12 tuổi, vua Bảo Đại đã dành phần lớn thời thơ ấu ở Pháp để học tập. Ngay cả sau khi lên ngôi, ông vẫn quay lạ Pháp hoàn thành việc học trước khi về nước vào năm 1932 ở tuổi 18.

Vào mùa xuân năm 1954, Bảo Đại đến tham dự cuộc hội đàm hòa bình của Hội nghị Geneva. Hội nghị được tổ chức để giải quyết những xung đột trong khu vực. Trong quãng thời gian này, ông đi dạo phố ở Geneva để mua sắm.

Chiếc đồng hồ được bán với giá 113 tỷ đồng trong vòng 8 phút đấu giá.

Hôm đó, Bảo Đại đến nhà bán lẻ đồng hồ Rolex Chronometrie Philippe Beguin ở ngay phía đối diện khách sạn Hotel des Bergues, nơi tổ chức hội nghị.

Ông đưa ra yêu cầu rất đơn giản là muốn mua chiếc đồng hồ đắt nhất mà cửa hàng này có. Aurel Bacs, giám đốc bộ phận đồng hồ của nhà bán đấu giá Phillips, người từng trò chuyện với con trai của Bảo Đại cho biết.

Nhà bán lẻ đưa ra rất nhiều mẫu đồng hồ Rolex, nhưng không chiếc nào khiến Bảo Đại hài lòng. Cuối cùng, cửa hàng gọi cho hãng Rolex, nằm ngay bên ngoài thị trấn để mang đến mẫu đồng hồ reference 6062. Đó chính là chiếc Rolex đắt giá nhất được bán đấu giá hồi tuần trước.

Chiếc Rolex reference 6062 mà Bảo Đại sở hữu là một trong ba mẫu có mặt số đen và đính kim cương. Bên cạnh đó, đồng hồ Bảo Đại sở hữu là mẫu duy nhất có đính kim cương ở khung giờ chẵn.

Hội nghị Geneva 1954 kết thúc với Hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự, công nhận nền độc lập của các quốc gia bản xứ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Đó cũng là lúc Bảo Đại chấm dứt vai trò trong chính quyền. Năm 1955, ông rời Việt Nam, sống lưu vong ở nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp.

Vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam.

Bảo Đại luôn mang chiếc đồng hồ Rolex quý giá bên mình cho đến khi ông qua đời tại Paris vào năm 1997. Chiếc đồng hồ sau đó được một người con trai của ông thừa kế và đem bán đấu giá năm 2002. Chiếc đồng hồ khi đó đạt mức giá kỷ lục cho một chiếc Rolex, lên tới 235.000 USD.

Tuần trước, chiếc Rolex reference 6062 một lần nữa được đem đấu giá với mức khởi điểm 2,5 triệu USD. Đúng như dự đoán của nhà đấu giá Phillips, chiếc đồng hồ nhanh chóng có chủ mới sau 8 phút.

Một nhà sưu tập giấu tên đã trở thành chủ sở hữu đồng hồ của vua Bảo Đại khi trả giá 5 triệu USD (khoảng 113 tỷ đồng). Đây cũng là đồng hồ đeo tay Rolex đắt nhất từng được đấu giá trên thế giới từ trước đến nay.

Chiếc Rolex của vua Bảo Đại hội tụ cả 3 yếu tố để thành chiếc đồng hồ Rolex đắt giá nhất thế giới.

Chuyên gia đồng hồ Louis Westphalen nhận định, lý do chiếc Rolex của vua Bảo Đại trở thành huyền thoại là vì nó vẫn còn ở trong tình trạng rất tốt sau 63 năm. Mặc dù chiếc đồng hồ từng được vua Bảo Đại đeo thường xuyên, "không hề có bất cứ một khiếm khuyết nào có thể nhận thấy”.

Bên cạnh đó, hai yếu tố khác quan trọng không kém là độ hiếm và lai lịch đặc biệt đều có tác động lớn đến giá trị của chiếc đồng hồ cổ.

May mắn thay, chiếc Rolex của vua Bảo Đại đã đáp ứng đủ cả 3 yếu tố này, khiến nó đạt mức giá kỷ lục 5 triệu USD.