Cho phép phạm nhân lao động bên ngoài trại giam là cần thiết

ANTD.VN - Liên quan đến dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), quy định về tổ chức cho phạm nhân lao động được nhiều người quan tâm. Theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc cho phép phạm nhân được lao động, sản xuất bên ngoài trại giam là cần thiết, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong giam giữ, cải tạo phạm nhân của Nhà nước ta.

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Khoản 4 Điều 17 Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi quy định: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam. Việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động, dạy nghề ngoài trại giam do Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

Có thể nói, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam nhằm tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết. Song hiện vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về quy định này vì cho rằng thi hành án hình sự quan trọng là giáo dục cho phạm nhân chứ không phải tạo ra cơ sở vật chất. Việc cho phạm nhân lao động bên ngoài có thể phát sinh nhiều vấn đề như làm tăng nguy cơ phạm nhân trốn khỏi nơi giam giữ, khó có thể kiểm soát việc phạm nhân mang ma túy, vũ khí, điện thoại vào trại…

Liên quan đến nội dung này, theo luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội, đối với người bị phạt tù, lao động, học tập là nghĩa vụ của họ. Việc giam giữ tập trung phạm nhân số lượng lớn trong thời gian dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân nhằm giáo dục, cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là biện pháp quản lý hiệu quả. 

Hơn nữa, việc tổ chức lao động cho phạm nhân là điều bắt buộc, diễn ra ở các trại giam trên thế giới. Theo Thông tư liên tịch số 12 giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam, việc phạm nhân lao động đều có sự kiểm tra, giám sát.

Cũng theo luật sư Hồng Vân, một số trại giam hiện không đủ cơ sở về điều kiện, đất đai và không thể cho phép các doanh nghiệp vào mở xưởng. Do đó các doanh nghiệp có khu đất xây dựng đủ điều kiện giam giữ, sinh hoạt sẽ được dành làm điểm lao động cho phạm nhân. Địa điểm này phải đáp ứng điều kiện về khoảng cách, các phạm nhân ra lao động đều được tuyển chọn, phân loại. Khi mãn hạn tù, các phạm nhân có thể được doanh nghiệp đó nhận vào làm việc. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho phạm nhân lao động, sản xuất bên ngoài trại giam giúp phạm nhân được tiếp xúc nhiều hơn với cuộc sống bên ngoài, sau này có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm công việc, sớm tái hòa nhập cuộc sống. 

Sau một thời gian thí điểm, mô hình tổ chức đưa phạm nhân lao động, sản xuất bên ngoài trại giam đã đạt được những kết quả nhất định. Do vậy, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về nội dung này theo hướng cần quy định chặt chẽ các điều kiện về loại tội, mức hình phạt, thời hạn tù, thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại, ý thức cải tạo, sức khỏe, độ tuổi lao động đối với phạm nhân, phân loại phạm nhân nào mới được ra ngoài sản xuất, thời gian làm việc 1 ngày, trách nhiệm quản lý phạm nhân - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ, nếu đưa phạm nhân ra ngoài thì trại giam phải chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động. Phối hợp với tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam không đầu tư từ ngân sách, giám thị và cán bộ thi hành phải chịu trách nhiệm quản lý, cải tạo họ, đồng thời công khai minh bạch kết quả lao động của phạm nhân. “Để quy định về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam sớm được thông qua, cơ quan chức năng cần có báo cáo tổng kết cụ thể về việc thí điểm mô hình này ở các trại giam, nêu rõ những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục để các cơ quan liên quan và người dân hiểu rõ, từ đó có những đóng góp cụ thể có chất lượng nhằm hoàn thiện chế định này” - luật sư Hồng Vân nêu ý kiến.