“Giải cứu” dự án Khu Đô thị mới Thịnh Liệt “treo” hơn 10 năm:

Chờ "chốt" các phương án hỗ trợ tái định cư

ANTD.VN - Ông Nguyễn Minh Căn – Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, vấn đề trước mắt đối với dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt không phải là công tác GPMB, mà liên quan đến các phương án hỗ trợ tái định cư.

Từng được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc, đô thị khang trang của quận Hoàng Mai, song đến nay, sau rất nhiều năm, nhiều vị trí trong khuôn viên dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt rất hoang tàn, xuống cấp.

“Ổn” thủ tục, hồ sơ

Dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP. Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ ngày 23-9-2004. Tuy nhiên theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị, đến năm 2012, dự án cần được rà soát, nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu đầu tư, yêu cầu của địa phương và chủ trương của UBND Thành phố.

Đường nội bộ trong khuôn viên dự án xuống cấp, đầy rác thải

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, để tạo lập quỹ nhà tái định cư, bố trí tái định cư tại chỗ và bổ sung thêm quỹ nhà tái định cư cho Thành phố, UBND TP đã cho phép chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển Hạ tầng (LICOGI) được điều chỉnh cục bộ 2 lô đất ký hiệu CT5 và CT7 tại Quyết định phê duyệt quy hoạch cục bộ số 1068/QĐ-UBND ngày 06/03/2012 và yêu cầu Chủ đầu tư cần lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết lhu đô thị mới Thịnh Liệt tỷ lệ 1/500.

Ngày 9-9-2015, UBND TP có Quyết định về việc phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Thịnh Liệt, tỷ lệ 1/500 tại các phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, thuộc quận Hoàng Mai.

Dự án hiện đã được UBND TP  ban hành Quyết định chủ trương đầu tư và Quyết định về việc giao nhiệm vụ Chủ đầu tư cho LICOGI; và được Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép đầu tư…

Theo Quyết định số 4970/QĐ-UB ngày 10/08/2004 của UBND TP, có 351.618 m2 đất các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ và Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai được thu hồi, tạm giao cho LICOGI để tổ chức điều tra lập phương án GPMB, chuẩn bị triển khai dự án.

Vướng cơ chế hỗ trợ tái định cư

Ông Nguyễn Minh Căn – Phó Giám đốc Trung tâm quỹ đất quận Hoàng Mai cho biết, tổng diện tích thu hồi đất của dự án là 351.618 m2, tương ứng với 902 hộ. Trong đó phường Thịnh Liệt là 307.614 m2, tương ứng 592 hộ; phường Tương Mai là 31.539 m2, tương ứng 267 hộ; phường Hoàng Văn Thụ là 12.465 m2, tương ứng 47 hộ. Diện tích cần thực hiện GPMB sau khi trừ diện tích chỉnh trang là 331.535 m2.

Cảnh hoang tàn của một phần dự án, sát với những tòa nhà cao tầng

Thực hiện các Quyết định thu hồi đất của UBND TP, UBND quận Hoàng Mai đã thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổ công tác GPMB các phường triển khai công tác GPMB dự án theo quy trình quy định. Đến thời điểm này, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đã chi trả là gần 333 tỷ đồng., trong tổng số tiền theo phương án được phê duyệt là hơn 370 tỷ đồng.

Đại diện Trung tâm quỹ đất quận Hoàng Mai cũng như chủ đầu tư đều khẳng định phần lớn diện tích dự án đã sẵn sàng cho công tác triển khai thi công. Nhưng bất kỳ khi chứng kiến thực tế những gì đang tồn tại trong khuôn viên dự án, đều không khỏi ngao ngán. Vẫn còn những tuyến đường nội bộ đầy ổ gà, ổ trâu; vẫn còn những khu vực cỏ um tùm và rác thải. Và mấy chục nóc nhà tạm bợ, không ai nghĩ đó là cuộc sống giữa Thủ đô!

Theo tìm hiểu, được biết dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt nằm trên 3 phường, thì mỗi nơi có đặc thù khác nhau. Phường Thịnh Liệt trước đây là xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì; còn 2 phường Hoàng Văn Thụ và Tương Mai thuộc quận Hai Bà Trưng. Nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân nằm trong chỉ giới GPMB dự án rất phức tạp.

Phần diện tích chưa GPMB trên địa bàn 3 phường, các hộ đã tự ý mua bán, chuyển nhượng, cho tặng thành nhiều chủ sử dụng đất mà không có xác nhận của chính quyền địa phương, và tự chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang xây dựng nhà ở trước thời điểm quyết định thu hồi đất.

Ông Nguyễn Minh Căn chia sẻ, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư đang thống nhất với các hộ dân trong khuôn viên dự án về phương án, mức chi phí hỗ trợ tái định cư; đồng thời đã liên hệ với chủ đầu tư của các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố để mua các căn hộ chung cư làm quỹ nhà tái định cư phục vụ GPMB. Song thực tế, nếu giữa các hộ dân và chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước không tìm được tiếng nói chung về phương án hỗ trợ tái định cư; xem ra mục tiêu đối với dự án là hoàn thành GPMB vào quý IV năm 2018, khó đạt được.