Chính sách nhân văn

ANTD.VN - Sau nửa tháng ra quân thiết lập lại trật tự đô thị, chấn chỉnh vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội, tình hình an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và bộ mặt đô thị của Thủ đô đã thông thoáng, sạch gọn hơn và được người dân đồng tình dẫu cho việc lập lại trật tự vỉa hè cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của một bộ phận người dân nghèo. 

Chính vì thế,  cùng với việc ra quân mạnh mẽ, chính quyền các quận nội thành cũng trăn trở tìm cách hỗ trợ tìm giải pháp cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ như bán hàng ăn, hàng nước… bị ảnh hưởng. 

Quận Hoàn Kiếm - quận trung tâm của Thủ đô, nơi có nhiều người dân, người bán hàng rong “bám” vỉa hè để sinh sống, lãnh đạo UBND quận đang lên kế hoạch sắp xếp công việc cho những hộ nghèo, khó khăn có chỗ kinh doanh ổn định, hợp lý mà không ảnh hưởng đến trật tự đô thị.

Nhận thức được việc tạo “cần câu cơm” cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn là một trong những giải pháp bền vững để ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đã coi đây là việc làm cần thiết. Cách xử lý này được đánh giá là có tình, có lý và thực tế UBND quận Hoàn Kiếm đã làm việc này từ vài năm trở lại đây.

Song song với đợt ra quân chấn chỉnh vi phạm trật tự đô thị lần này, quận Hoàn Kiếm đã rà soát nhanh số hộ nghèo sống “bám” vỉa hè. Kết quả thống kê cho thấy, trên toàn quận có hơn 190 hộ nghèo, trong đó 33 hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu kinh doanh ở vỉa hè. Việc thống kê này là bước đi cần thiết để lắng nghe tiếng nói từ phía người dân, nhìn nhận mọi việc một cách thấu đáo.

Theo đó, quận cho phép một số hộ nghèo kinh doanh nhỏ lẻ như hàng nước, bán hàng mang đi, không cho khách ngồi ăn uống tại chỗ được phép tạm kinh doanh trên diện tích không quá 2m2 ở vỉa hè. Những hộ còn lại nếu thuộc diện khó khăn sẽ được sắp xếp vào kinh doanh trong không gian đi bộ khu phố cổ.

Tương tự quận Hoàn Kiếm, lãnh đạo UBND quận Đống Đa cũng đã khảo sát số lượng các hộ kinh doanh phụ thuộc vào vỉa hè. Theo đó, những trường hợp ở trong ngõ có thể bố trí được chỗ kinh doanh hợp lý thì quận sẽ tiếp tục để người dân kinh doanh. Các hộ khác sẽ được xem xét hỗ trợ theo hai hình thức, hoặc là hỗ trợ kinh phí để chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc chuyển đổi sang vị trí khác.

Trong hoàn cảnh đất chật, người đông, kế sinh nhai của người nghèo giữa chốn đô thị không còn cách nào khác là chọn vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm đồng ra, đồng vào. Do đó, để người nghèo có chỗ mưu sinh chính là cách không chỉ giúp người dân ổn định cuộc sống mà còn giúp chính quyền không phải đối đầu với những cuộc “du kích” lấn chiếm vỉa hè.

Mọi chính sách nhân văn và được sự đồng thuận của người dân thì hiệu quả việc thực hiện chính sách sẽ tốt hơn. Đây chính là điều cần thiết để người dân thực sự tin tưởng và ủng hộ chính quyền trong công cuộc xây dựng bộ mặt đô thị ngày một khang trang, sạch, đẹp hơn.