Chính phủ và Bộ GD-ĐT không có chủ trương thay đổi chữ tiếng Việt

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT chính thức lên tiếng trước nhiều bàn luận xung quanh việc cấp bản quyền chữ Việt Nam không dấu mới đây. Theo đó, Bộ cho biết không có chủ trương thay đổi chữ tiếng Việt trong trường học.

Thông báo vừa được phát đi từ Bộ GD-ĐT cho biết, gần đây, trên một số báo điện tử và mạng xã hội có đưa tin và bàn luận về “Chữ Việt Nam song song 4.0” của tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm. Theo đó, Bộ khẳng định, hiện nay, Chính phủ, Bộ GD-ĐT không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt.

Ngày 25/3, công trình “Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm sáng tạo đã chính thức được Cục Bản quyền tác giả của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cấp giấy chứng nhận bản quyền.

Nhóm nghiên cứu cho biết đang lấy thêm ý kiến từ các độc giả để hoàn thiện “Chữ Việt Nam song song 4.0”. Nhóm tác giả cũng bày tỏ không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ.

“Ngay từ tên gọi “Chữ Việt Nam song song 4.0”, điều nhóm tác giả mong muốn đây sẽ là thứ ngôn ngữ độc lập, có thể dùng song song với chữ Quốc ngữ và ứng dụng để gõ trên internet. 

Nhóm tác giả cho biết, nếu được ứng dụng song song với chữ Quốc ngữ, “Chữ Việt Nam song song 4.0” sẽ giúp khắc phục những hiểu lầm tệ hại khi giới trẻ nhắn tin không dấu trên internet.

Cách viết chữ tiếng Việt không dấu của nhóm tác giả Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm

“Chữ Việt Nam song song 4.0” chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh, một số phụ âm và nguyên âm cùng một số vần ghép đã được quy ước lại để tạo ra một chữ viết nhanh. 

Về ký hiệu dấu, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ Quốc ngữ; trong đó “j thay dấu sắc”, “l thay dấu huyền”, “z thay dấu hỏi”, “s thay dấu ngã”, “r thay dấu nặng”.