Chiếm đoạt tiền giả có phạm tội không?

ANTD.VN - Khoảng 4 giờ sáng, Đinh Quang T (SN 1993) đột nhập vào một gia đình để trộm cắp tài sản. Sau khi đột nhập được vào nhà, T mở tủ đồ, các tủ quần áo và phát hiện có một bọc tiền giấu trong tủ quần áo trên tầng 2, T liền lấy tiền và ra khỏi nhà. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Khi đang đi trên đường, T bị tổ tuần tra của công an phường phát hiện, bắt giữ. Bọc tiền mà T chiếm đoạt được, sau khi xác minh thì phát hiện toàn bộ số tiền gồm 100 tờ mệnh giá 200.000 đồng đều là tiền giả.

Vấn đề đặt ra là với hành vi của mình, Đinh Quang T đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả

“Theo tôi, do số tiền mà Đinh Quang T trộm cắp được là tiền giả nên nó không có giá trị và T không phạm tội trộm cắp tài sản. Theo nội dung vụ việc, tôi cho rằng khi đột nhập vào một gia đình để trộm cắp tài sản và lấy được bọc tiền trong tủ quần áo, lúc đó T không hề biết đó là tiền giả. Tuy nhiên nếu sau này phát hiện ra số tiền mà mình lấy được là tiền giả thì chắc chắn Đinh Quang T sẽ tìm mọi cách để lc mà mình trộm cắp được để “gỡ vốn”. Do đó, tôi cho rằng T phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả theo quy định tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Hoàng Thị Thu (Quy Nhơn - Bình Định)

Tội trộm cắp tài sản

“Theo tôi, mặc dù số tiền mà Đinh Quang T trộm cắp được là tiền giả nhưng T vẫn phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự 2015. Về mặt chủ quan, T có ý định trộm cắp tài sản nên đã đột nhập vào nhà người khác để thực hiện ý đồ của mình, còn về mặt khách quan T đã thực hiện hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể trong trường hợp này T đã đột nhâp, lấy được bọc tiền và bỏ trốn khỏi hiện trường. Hành vi của T hoàn toàn thỏa mãn các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản. Do T không hề biết số tiền mình chiếm đoạt được là tiền giả nên trong ý thức chủ quan của T đó là tiền thật. Việc số tiền chiếm đoạt được là tiền giả hoàn toàn nằm ngoài ý thức chủ quan của T nên theo tôi T vẫn phạm tội trộm cắp tài sản”.

Đinh Quốc Trung (Đồng Hới - Quảng Bình)

Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

“Trong trường hợp này mặc dù không được sự đồng ý của chủ nhà nhưng Đinh Quang T đã có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. Mặc dù mục đích của T là trộm tài sản, tuy nhiên tài sản mà T chiếm đoạt được lại là tiền giả. Theo tôi tiền giả không phải là tài sản nên Đinh Quang T đã không đạt được mục đích là trộm tài sản. Vì vậy phải xử lý T về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Nguyễn Hoàng Anh (Sơn Tây - Hà Nội) 

Bình luận của luật sư

Đối với quan điểm cho rằng Đinh Quang T phạm tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015, theo chúng tôi, mặc dù T có hành vi vận chuyển bọc tiền có tổng số 100 tờ mệnh giá 200 đồng được xác định là tiền giả, nhưng xét ở mặt chủ quan của tội phạm thì về yếu tố lỗi của tội “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả”, chủ thể phải biết đó là tiền giả. Trong trường hợp này, Đinh Quang T không biết đó là tiền giả.

Khi xác định một người có phạm tội này hay không bắt buộc phải chứng minh được họ khi thực hiện hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với lỗi cố ý, tức là họ phải nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. T hoàn toàn không biết nó là tiền giả, trong nhận thức của T cho rằng đây là tiền thật. Do đó, theo chúng tôi không đủ căn cứ để kết tội Đinh Quang T phạm tội theo quy định tại Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với quan điểm cho rằng Đinh Quang T phạm tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể thấy, khách thể của tội xâm phạm chỗ ở của người khác là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Quyền này được ghi nhận tại Điều 22, Hiến pháp 2013. Đối tượng tác động của tội phạm này là chỗ ở của người khác. Xét về mặt khách quan thì Đinh Quang T có hành vi xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác quy định tại điểm d khoản 1, Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mặc dù T có hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác nhưng không gây ra hậu quả làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sinh hoạt bình thường của họ và các thành viên trong gia đình họ hoặc gây ra những thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần cho người bị hại. Về mặt chủ quan, tội xâm phạm chỗ ở của người khác được thực hiện với lỗi cố ý trong khi đó, mục đích của T là chiếm đoạt tài sản. Do đó, có thể khẳng định đối với tình huống trên thì hành vi của Đinh Quang T không cấu thành tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ vào nội dung vụ việc, trước hết chúng ta phải khẳng định rằng hành vi của Đinh Quang T đã vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật, khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Trong trường hợp sai lầm về khách thể (sai lầm về khách thể là sự hiểu lầm của chủ thể về tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi của họ xâm hại tới), người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội có khách thể mà họ có ý định thực hiện hoặc tội có khách thể bị xâm hại thực tế nếu họ có lỗi vô ý. Trong trường hợp cụ thể của vụ việc này, về mặt ý thức chủ quan của T thì T cho rằng bọc tiền giấu trong tủ quần áo là thật và cố ý chiếm đoạt. Như vậy hành vi của T vẫn thỏa mãn các dấu hiệu phạm tội.

Xét về hành vi của Đinh Quang T thì việc T đột nhập vào một gia đình với mục đích để trộm cắp tài sản. T đã mở tủ đồ, lấy bọc tiền và ra khỏi nhà đó. Như vậy, vấn đề ở đây là T đã đột nhập vào nhà người khác để chiếm đoạt tài sản. Ở đây thỏa mãn dấu hiệu lén lút của hành vi để chuyển dịch tài sản một cách bất hợp pháp chứ không phải là xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác. Dấu hiệu xâm nhập này thỏa mãn ở dấu hiệu hành vi khách quan ở tội “Trộm cắp tài sản”. Bởi với tội trộm cắp tài sản thì hành vi là lén lút nhằm mục đích chuyển dịch bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hơn nữa, trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm. Mặc dù, bọc tiền mà Đinh Quang T chiếm đoạt là tiền giả nhưng theo ý thức chủ quan của T là chiếm đoạt số tiền thật. Do vậy, có cơ sở cho rằng trường hợp này T phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, theo chúng tôi liên quan tới số tiền 20.000.000 đồng tiền giả mà Đinh Quang T đã trộm cắp, cơ quan chức năng cần phải làm rõ trong một vụ án khác. 

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)