Chi tiết lịch thi THPT Quốc gia năm 2019 và những điều quan trọng thí sinh cần biết

ANTD.VN - Kì thi THPT Quốc gia rất quan trọng đối với các thí sinh, đánh dấu bước chuyển quan trọng và là kết quả sau 12 năm học hành. Kì thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 24 đến ngày 27-6, với sự tham gia của hơn 886.000 thí sinh cả nước. Dưới đây là những điều quan trọng thí sinh cần nhớ để có thể đạt được kết quả cao nhất trong kì thi.

Theo đó, kì thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 24 đến ngày 27-6.

           Chi tiết lịch thi THPT Quốc gia năm 2019 (Nguồn: Lao động)

Bài thi và hình thức thi

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: Khoa học Tự nhiên (các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT và tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong 2 bài thi tổ hợp.

          Các thí sinh cùng nhau ôn tập trước khi vào phòng thi kì thi THPT Quốc gia năm 2018 (Nguồn: Thanh niên)

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Thí sinh được chọn đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh đăng kí 2 bài tổ hợp buộc phải dự thi cả hai

Đối với thí sinh đã đăng kí cả 2 bài tổ hợp, thí sinh buộc phải dự thi cả hai. Nếu bỏ một trong hai bài tổ hợp đã đăng kí, thí sinh sẽ không được công nhận xét tốt nghiệp THPT.

Năm 2019,  điểm xét tốt nghiệp THPT là tổng điểm 4 bài thi + điểm khuyến khích nếu có (70%) và điểm trung bình cả năm lớp 12 (30%) + điểm ưu tiên (nếu có).

Bảo vệ sức khỏe trước ngày thi

Để đảm bảo kì thi được hoàn thành tốt đẹp, các thí sinh cần phải bảo vệ sức khỏe, tránh trường hợp kiệt sức do quá áp lực. Thí sinh cần ngủ sớm trước ngày thi, giảm áp lực ôn thi, chuẩn bị bữa ăn tại nhà nhằm đảm bảo vệ sinh. Cùng với đó, thí sinh cần bổ sung đủ các dưỡng chất qua thực phẩm, uống đủ nước trong những ngày thi, tránh bị mất nước cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình làm bài.

Cần lưu ý điều gì trước khi vào phòng thi?

Theo Thanh niên, năm nay có điểm khác là các em thi các bài thi kết hợp 3 môn, thi 1 môn xong ra phòng chờ, chờ hết giờ mới được ra khỏi khu vực thi. Khi ra phòng chờ, thí sinh cũng không được đụng đến điện thoại liên lạc.

         Thí sinh cần lưu ý những điều nên làm và không nên làm trong phòng thi

Trên Dân trí, Tiến sĩ Trần Thạc (Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi) đã đưa ra những điều thí sinh cần lưu ý trước khi vào phòng thi.

1.Dự thi đúng giờ quy định các môn đăng ký dự thi, chuẩn bị đầy đủ bút mực/bi bút chì, eke, thước kẻ và tẩy đầy đủ.

2. Thông tin ghi trên bài thi phải chính xác, tuyệt đối tránh: Ghi thiếu hoặc sai thông tin trong bài thi: Họ tên/SBD/đề thi hay Họ tên/ Tô sbd/tô mã đề.

3. Khi làm bài thi tổ hợp, học sinh lớp 12 phải làm đầy đủ các môn trong bài thi tổ hợp và đảm bảo trong bài thi không có môn nào có điểm thành phần < 1.00 điểm.

4. Tuyệt đối không đưa điện thoại di động vào phòng thi (kể cả khi đã tắt nguồn).

5. Sử dụng bút khi làm bài thi: Trong 01 bài thi chỉ duy nhất dùng bút có 01 mầu mực không phải mực đỏ. Đối với bài thi trắc nghiệm dùng bút chì tô các ô số báo danh, ô mã đề thi, ô trả lời trắc nghiệm và chỉ được tô bút chì đen.

6. Tô đáp án, mã đề và số báo danh rõ ràng, chính xác để tránh việc bị gán sai đáp án chấm hoặc gán điểm cho người khác.

7. Tẩy đáp án sai không sạch kết hợp tô đáp án mới mờ dẫn đến máy sẽ không nhận diện được đáp án chọn cuối cùng.

8. Chiến thuật làm bài chưa hợp lý: Thí sinh nên đọc lần lượt bài thi, câu nào dễ làm trước, khó làm sau và cuối cùng rà soát lại toàn bộ câu trả lời 1 lần.

9. Tâm lý trường thi cần bình tĩnh, tự tin đọc thật kỹ đề bài, tránh tâm lý lo lắng hồi hộp. Trong quá trình làm bài nếu gặp vướng mắc gì cần bình tĩnh để xử lý!