Chỉ rõ tồn tại, có giải pháp PCCC hữu hiệu tại làng nghề chế biến gỗ

ANTD.VN - Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy trong thời gian qua tại làng nghề chế biến, sản xuất gỗ, mây tre đan ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội đã chỉ ra nguyên nhân, tồn tại, và các giải pháp hữu hiệu trong công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy gây ra.

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh, Phó trưởng CAH Thạch Thất cho biết: “Qua một số vụ cháy nhà xưởng gỗ trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC, CAH Thạch Thất đã rút kinh nghiệm sâu sắc và lấy đó làm bài học để phân tích nguyên nhân rồi chuyển hóa thành nhiệm vụ phòng ngừa cụ thể".

Tiềm ẩn nguy cơ cháy

Theo Phó trưởng CAH Thạch Thất, đối với làng nghề chế biến gỗ, mây tre đan cần phải bảo dưỡng, máy móc thiết bị điện, sử dụng lửa trần phải để mắt tới khoảng cách hàng hóa và phải tuyệt đối tuân thủ khoảng cách chống cháy lan.

Vụ hoả hoạn tại xưởng gỗ ngày 17-5 tại huyện Thạch Thất

Vụ cháy xảy ra vào 20h tối 29-7 tại xưởng chế biến gỗ ở ngõ Vườn Cây, thôn Ao Sen, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất là ví dụ. Điều tra sơ bộ cho thấy, điểm xuất phát cháy từ khu vực máy móc, các dấu hiệu hiện trường thể hiện nhiều đồ đạc, mùn gỗ thành tro than thì có thể suy đoán được nhiều khả năng do chập điện gây cháy, sau đó lan vào mùn gỗ, phôi bào, đồ dùng bắt lửa gây cháy lan, cháy lớn toàn bộ nhà xưởng.

Qua vụ việc trên cho thấy, nếu chủ hộ luôn quan tâm dọn dẹp rác mùn, tuân thủ đúng khoảng cách vật liệu dễ cháy và cắt cầu dao điện khi kết thúc mỗi ngày làm việc thì không thể xảy cháy...

Phân tích từ vụ cháy xảy ra tại nhà xưởng chế biến gỗ ở huyện Thạch Thất vào trưa 17-5, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phát hiện sự chủ quan của chủ cơ sở. Đây là nơi chế biến gỗ có nhiều chất cháy, lại kết hợp nơi ở nhưng thiết bị PCCC, báo cháy không có. Khi hỏa hoạn ập đến được người dân phát hiện ngay nhưng xử lý thiếu kinh nghiệm, lại không có thiết bị chữa cháy tại chỗ cộng với sự thiếu bình tĩnh, đã vô tình làm cho cơ hội cháy lan, cháy lớn phát triển mạnh. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC đến nơi thì lửa đã bốc cao và biện pháp duy nhất là ngăn lửa chống cháy lan.

Huyện Thạch Thất có 22 xã và 1 thị trấn, với 398 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Tuy nhiên, nguy cơ cháy cao nhất tiềm ẩn tại 7 làng nghề truyền thống thuộc các xã Hương Ngải, Hữu Bằng, Chàng Sơn, Canh Nậu, Dị Nậu, Phùng Xá, Bình Phú. Một số làng nghề mộc có nguy cơ cháy nổ cao như Hữu Bằng, Bình Phú, Phùng Xá, Chàng Sơn với trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh cần đưa vào quản lý về PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC tuyên truyền PCCC cho cơ sở chế biến, sản xuất gỗ tại làng nghề ở huyện Thạch Thất

Theo cán bộ PCCC làm công tác quản lý địa bàn, ý thức của chủ cơ sở phần lớn là sự chủ quan. Khi kiểm tra, lực lượng PCCC đã chỉ ra hệ thống điện trong nhà xưởng xuống cấp, mối nối hở, dây không đi trong gen…, nhưng chủ cơ sở thản nhiên nói: “cháy làm sao được”.

Do thói quen sinh hoạt và suy nghĩ đơn giản, nên có những chủ xưởng đốt mùn cưa, phôi bào ngay gần xưởng gỗ rồi mặc cho lửa tự tắt. Trường hợp này rất có thể làm cháy cả nhà xưởng lúc nào không hay, bởi khi rác, mùn cưa rơi vãi khắp nơi sẽ cháy lan vào nhà xưởng.

Chú trọng giải pháp chống cháy lan

Theo báo cáo đánh giá việc chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức "tự cứu mình" của lực lượng Cảnh sát PCCC với đa dạng hình thức, đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, làm chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác PCCC và CNCH.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn huyện Thạch Thất vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, chủ yếu xảy ra tại các cơ sở trong làng nghề và cụm điểm công nghiệp. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện Thạch Thất đã xảy ra hơn 70 vụ cháy lớn nhỏ, gây thiệt hại về tài sản hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chập điện, chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số vụ cháy đã xảy ra.

Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh cho biết thêm: “Từ tình hình thực tế trên, lực lượng Cảnh sát PCCC, CAH Thạch Thất đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể. Ngoài việc lập danh sách các cơ sở, cán bộ địa bàn bám sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, rà soát, đồng thời chủ động tổ chức tập huấn cho chủ cơ sở, công nhân để nhận thấy mức độ nguy hiểm của hỏa hoạn. Đối với hàng hóa nên có kho bãi và trang bị đầy đủ thiết bị PCCC, không nên vừa ở, vừa sản xuất sẽ rất dễ xảy cháy”.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thạch Thất làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ cháy nhà ở kết hợp xưởng gỗ

Cho đến nay, hàng chục lớp tập huấn cho hàng trăm cơ sở sản xuất làng nghề đã được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thạch Thất triển khai đến tận người dân. “Xác định vai trò quan trọng của chủ cơ sở, chủ nhà xưởng là lực lượng nòng cốt và phát huy tốt nhất nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, nên chúng tôi đã thường xuyên trang bị kỹ năng, kiến thức để có thể ứng phó kịp thời khi xảy cháy tại nơi sản xuất của mình. Cùng với đó là mô hình “bể nước chữa cháy” tại làng nghề đã phát huy tác dụng chữa cháy hiệu quả ngay từ khi phát hiện” - Thiếu tá Đỗ Văn Mạnh cho biết.

Cũng theo chỉ huy CAH Thạch Thất, nhằm kiềm chế, hạn chế tối đa các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, cùng với công tác tuyên truyền lực lượng chức năng cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn PCCC. Thực hiện kế hoạch 209/KH-UBND (ngày 18/9/2017) của UBND Thành phố Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thạch Thất đã tổ chức kiểm tra được 2.500 hộ. Qua đó phát hiện 12.500 lỗi vi phạm, xử phạt 59 trường hợp với số tiền 232.000.000 đồng.

Vụ cháy xưởng gỗ tối 29-7 đã thiêu rụi nhiều tài sản, hàng hóa

Nhận ra những khó khăn về công tác PCCC tại làng nghề ở địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, CAH Thạch Thất đã chỉ rõ cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ công tác PCCC không theo kịp với xu thế phát triển của làng nghề. Tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhất là các xã có làng nghề và các cơ sở sản xuất hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư, được hình thành và hoạt động tự phát từ nhiều năm trước đây không được quy hoạch xây dựng, không có thiết kế và thẩm duyệt về PCCC trước khi đưa vào hoạt động, hệ thống điện không được thiết kế lắp đặt đảm bảo an toàn về PCCC… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy cao.

Nhằm hạn chế cháy, nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thạch Thất đã tăng cường công tác tuyên truyền PCCC với đa dạng về hình thức như “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để khuyến cáo bà con trang bị bình chữa cháy, hướng dẫn cách sử dụng bình chữa cháy, chỉ ra mối tiềm ẩn ở thiết bị điện, mối nối điện tại máy móc trong nhà xưởng...

Tuy nhiên, để giảm thiểu tối đa các vụ cháy xảy ra tại khu vực làng nghề, ý thức PCCC của mỗi người dân phải được nâng lên và quan trọng hơn cả là công tác phát hiện, xử lý những vi phạm về PCCC phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc.