Chênh lệch tỷ số giới tính 120 trẻ trai/100 trẻ gái ở nhiều huyện Hà Nội

ANTD.VN - Hiện có 45/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh gia tăng. Ngay tại Hà Nội, vẫn còn nhiều huyện mất cân bằng giới tính ở mức báo động.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo đánh giá một năm triển khai “Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2025”. Điểm đáng chú ý là dù nguồn kinh phí được bố trí đã tăng lên song mục tiêu kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh thì vẫn rất nan giải. 

Chênh lệch tỷ số giới tính 120 trẻ trai/100 trẻ gái ở nhiều huyện Hà Nội ảnh 1Cán bộ dân số tư vấn cho phụ nữ mang thai không lựa chọn giới tính khi sinh 

Nhiều địa phương báo động đỏ

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế), năm 2016, chỉ có 18 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh giảm, 45 tỉnh, thành phố còn lại có tình trạng mất cân bằng giới tính tăng cao hơn so với năm 2015.

Đặc biệt, vẫn còn tới hơn 1/3 số địa phương có tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức báo động (từ 115/100 trở lên, tức cứ 100 trẻ gái thì lại có tới 115 trẻ trai được sinh ra) và con số này cũng có xu hướng tăng. Nếu như năm 2014, cả nước có 15 địa phương có tỷ số giới tính khi sinh là 115 trẻ nam/100 trẻ nữ, năm 2015 giảm xuống còn 13 thì đến năm 2016 lại tăng vọt lên 22.

 Tại Hà Nội, hiện tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức rất cao, ngấp nghé ngưỡng báo động (đang ở mức 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có số sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng cao.

Tính tới hết quý I-2017, tổng số sinh của toàn thành phố là 22.502 trẻ, tăng 175 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh của nhiều huyện lên tới trên 120 trẻ trai/100 trẻ gái như tại Hà Đông, Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh...

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, năm 2017, thành phố tập trung vào mục tiêu ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thay thế, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp. Dù vậy, đạt mục tiêu giảm tỷ số giới tính khi sinh vẫn là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Khó mấy cũng phải làm

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã chậm lại, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Vấn đề cốt lõi vẫn là những tư tưởng, quan niệm thích sinh con trai đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân từ hàng nghìn năm nay.

Nhiều người vẫn tìm mọi cách sinh cho bằng được con trai để “nối dõi tông đường”. “Giảm tỷ số giới tính khi sinh là một việc rất khó khăn, không thể ngày một ngày hai mà nó đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của tất cả chúng ta. Đây là một việc rất khó nhưng không thể không làm” - ông Nguyễn Văn Tân nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến thừa nhận, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam đang diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Ngoài nguyên nhân do tư tưởng muốn có con trai, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ ra, khi các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong y học ngày càng phát triển thì việc lựa chọn, áp đặt giới tính thai nhi ngày càng cao. Điều này gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính nhưng lại chưa có chế tài nào răn đe hoặc rất khó xử lý.

Được biết, sau 1 năm triển khai đề án kiểm soát giới tính khi sinh, Bộ Y tế đã phối hợp với các địa phương tổ chức 3.667 đợt kiểm tra, giám sát đối với 487 cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai… song số cơ sở bị xử lý sai phạm thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ký cam kết không sinh con thứ ba

Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã có sáng kiến rà soát từng nhà, từng đối tượng trong diện sinh đẻ để vận động ký cam kết không sinh con thứ ba; vận động và quản lý tốt các cặp vợ chồng có nguy cơ cao như cặp vợ chồng có con một bề...