Chế độ dinh dưỡng cho người viêm gan cấp

ANTD.VN - Viêm gan là một bệnh phổ biến đối với người Việt, nhiều nhất là viêm gan B, viêm gan A... 

Bệnh viêm gan cấp tính phát sinh đột xuất, có thời gian lâm bệnh ngắn - phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường  phục hồi sau khoảng 1 - 2 tháng. Tuy vậy, nếu  không được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thì có thể bệnh kéo dài hàng nhiều tháng hoặc phát triển tiến tới suy gan.

Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị đặc hiệu đối với phần lớn các bệnh nhân do viêm gan virus. Người bệnh chủ yếu cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng; nên cai rượu; tránh để bệnh lây lan sang người khác và uống thuốc để tăng cường chức năng gan.

Khi bị viêm gan cấp thì hàng loạt rối loạn về chuyển hóa sẽ xảy ra do tế bào gan bị hoại tử. Trong giai đoạn điều trị viêm gan cấp, chế độ ăn uống và nghỉ ngơi đóng vai trò rất quan trọng:

- Trừ những người phải nuôi bằng ống, bệnh nhân khi bắt đầu ăn được, nên ăn theo chế độ ăn lỏng, rồi ăn đặc dần, cho đến khi trở lại bình thường.

- Các loại thức ăn dành cho người bệnh trong giai đoạn này là những loại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Đối với chất đạm, nên chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, cá nạc, sữa không béo, đậu hũ… với số lượng khoảng 50 - 70g mỗi ngày.

- Nếu bị sút cân nhiều kèm theo những triệu chứng suy dinh dưỡng khác (như phù chân, lở mép, sưng nướu...) cần tăng lượng calo có khi tới 3.000 và lượng protein dưới dạng thức ăn động vật lên tới 100g hoặc hơn nữa. 

- Nếu có vàng da tắc mật thì không nên ăn dầu mỡ vì bệnh nhân không hấp thu được. Lúc này, chỉ sử dụng khoảng 15g chất béo mỗi ngày, tuyệt đối không ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng lợn, lòng đỏ trứng...

- Nếu có biểu hiện suy gan thì càng phải giảm lượng đạm xuống dưới 40g mỗi ngày, kiêng đạm động vật, bắt buộc phải lựa chọn các chất đạm thực vật vì đạm động vật  khiến gan làm việc nhiều, có những chất không còn được gan đào thải mà sẽ tích tụ trong máu dễ dẫn đến hôn mê gan. 

- Bệnh nhân nên ăn nhẹ và nhiều hơn  vào buổi sáng vì một số nghiên cứu cho thấy buổi sáng khả năng hấp thu của gan tốt hơn so với chiều, vì vậy buổi chiều nên ăn ít hơn để tránh bị đầy bụng.

- Bệnh nhân viêm gan cấp cần phải ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp chất khoáng và các vitamin cần thiết giúp cho gan hoạt động tốt hơn.

- Bên cạnh đó trong giai đoạn viêm cấp cần có chế độ nghỉ ngơi thường xuyên, không làm việc quá sức, tránh căng thẳng tâm lý. Yên Vũ