Chế độ ăn uống cải thiện hội chứng ruột kích thích

ANTD.VN - Hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể gây khó chịu, bực bội và đau đớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, triệu chứng này có thể cải thiện bằng cách tránh một số loại thực phẩm. 

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là bệnh rối loạn chức năng của ruột bởi vì không gây viêm loét tại ruột. IBS còn có nhiều tên gọi khác nhau như: bệnh đại tràng chức năng, viêm đại tràng co thắt vì bệnh biểu hiện các triệu chứng từng đợt khi nặng, lúc nhẹ. Dù lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng IBS ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh.

Khi mắc phải IBS người bệnh thường có triệu chứng hệ tiêu hóa, ngoài ra còn có biểu hiện tại các cơ quan khác. Đau bụng là triệu chứng thường gặp, vị trí thường thấy nhất là ở vùng hạ vị hoặc hố chậu trái, cũng có thể đau ở bên phải hoặc thượng vị, đau có thể chạy dọc theo khung đại tràng khiến người bệnh rất khó xác định vị trí chính xác. Trướng bụng cũng là triệu chứng thường gặp, sau ngủ dậy thì không bị hoặc chỉ bị nhẹ, sau đó tăng dần. Người bệnh có thể biểu hiện tiêu chảy hoặc táo bón hoặc tiêu chảy xen lẫn với từng đợt táo bón. Phân có thể có nhầy nhưng không có máu.

Bệnh nhân có thể đau quặn bụng bắt buộc phải đi ngoài ngay. Ngoài ra có thể có các biểu hiện: nóng ở vùng thượng vị, ăn nhanh no, buồn nôn, cảm giác có vướng ở vùng họng. Để duy trì sự ổn định của bệnh, nên có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, tránh sử dụng những thức ăn dễ kích thích như: bia rượu, cà phê, gia vị cay chua, chất béo, thức ăn dễ tạo men. Ngoài ra, cần lưu ý tránh một số loại thực phẩm sau:

Táo 

Một quả táo mỗi ngày có thể khiến bạn khỏe mạnh nhưng không tốt với người IBS. Táo có chứa nhiều fructose. Những người bị IBS nên tránh các loại thực phẩm có fructose cao. Ngoài táo, một số loại hoa quả khác nên tránh là dưa hấu, anh đào, xoài và mật ong. Một số loại trái cây có ít fructose an toàn với những người mắc chứng bệnh này như quả việt quất, nho, cam, và kiwi. 

Atisô 

Fructan - một chất tương tự như fructose được tìm thấy trong nhiều loại rau và ngũ cốc. Thực phẩm giàu fructan nên tránh là atisô, tỏi, tỏi tây, hành lá, hành tây, đậu Hà Lan, các loại hạt và các loại đậu. Có rất nhiều các loại rau chứa fructan thấp như cà tím, bí xanh, khoai lang, rau bina, cà chua, dưa chuột.

Mì ống 

Ngoài chứa lượng lớn    carbohydrates, mì ống cũng rất giàu fructan. Ngoài ra, các loại ngũ cốc khác cũng cần tránh gồm lúa mì và lúa mạch đen, bánh mì, bánh quy giòn, bánh quy.

Phô mai 

Một chất gây kích thích dạ dày thường được biết đến là lactose. Do đó, thực phẩm lactose cao cũng nên tránh với những người mắc chứng bệnh này như pho mát, sữa, sữa chua. 

Các loại đậu

Các loại đậu rất tốt cho tim như đậu đỏ, đậu nành, đậu đen, đậu Hà Lan nhưng chúng lại rất giàu fructan. Hàm lượng chất dinh dưỡng và rất giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên với người bị IBS thì đậu không phải là thực phẩm lý tưởng. Đậu gây đầy hơi, khó tiêu khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Các loại rau xanh giàu chất xơ như bông cải xanh, cải bắp và cần tây không dễ tiêu hóa và có thể sinh khí gây chướng hơi, đầy bụng.

Sữa

Nếu không dung nạp lactose, nên thay thế sữa chua cho sữa. Hoặc sử dụng một sản phẩm enzyme giúp phân hủy lactose. Tiêu thụ một lượng nhỏ các sản phẩm sữa hoặc kết hợp chúng với các loại thực phẩm khác để bổ sung protein, canxi và vitamin B cho cơ thể.

Chocolate

Đường và caffeine là hai thành phần chủ chốt trong chocolate, có thể gây tiêu chảy thường xuyên ở người bị hội chứng ruột kích thích. 

Ngoài việc cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lý người bị IBS nên tránh căng thẳng, stress vì yếu tố tâm lý cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Cần thường xuyên luyện tập thể dục, thư giãn và đi bộ để duy trì cuộc sống ổn định và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích.