Cháy nhà cao tầng và những kỹ năng thoát hiểm phải biết

ANTD.VN - Kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn tại các khu chung cư hay cháy tòa nhà cao tầng là vô cùng cần thiết, quyết định đến tính mạng của chính mình.

Hậu quả nặng nề từ các vụ cháy

Mới đây, một vụ cháy dữ dội ở Thanh Hóa đã khiến 2 nạn nhân tử vong và 13 người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể vào tối 16-1-2020 vụ cháy lớn đã xảy ra trong tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa cao 14 tầng tại số 38A đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hóa khiến nhiều người mắc kẹt trên các tầng cao.

Tại hiện trường, các nhân chứng cho biết, vào cuối giờ làm việc chiều 16-1-2020, ngọn lửa bắt đầu bốc lên ở tầng 3 của tòa nhà, sau đó lan rộng. Nhiều người bị mắc kẹt trên các tầng cao của tòa nhà sử dụng đèn điện thoại để phát tín hiệu cầu cứu.

Tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa bốc cháy dữ dội tối 16-1-2020

Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Thanh Hóa dập tắt được đám cháy và khẩn trương giải cứu những người bị mắc kẹt. Đến khoảng 22h30, vụ cháy được khống chế, dập tắt.

Trước đây, cũng đã có nhiều vụ cháy nghiêm trọng tại nhà cao tầng và chung cư, đơn cử như vụ cháy chung cư cao cấp Carina Plaza (TP.HCM) đã khiến 13 người tử vong, hàng chục trường hợp phải nhập viện cấp cứu.

Trước tình trạng cháy nổ hiện nay, câu hỏi đặt ra là người dân sống ở các căn hộ cao tầng cần phải trang bị những gì phòng trường hợp cháy xảy ra, khi cháy cần phải làm gì và không được làm gì... để nâng cao tỷ lệ sống sót.

Bình tĩnh quan sát, phát hiện nguồn cháy, điểm cháy

Để đảm bảo tính mạng, kỹ năng đầu tiên cần nắm vững là quan sát xung quanh. Sau khi quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt, đồng thời tri hô để mọi người ứng cứu. Khi có cháy, tâm lý hoảng loạn sẽ khiến bạn khó bình tĩnh, chính vì vậy điều này càng rút ngắn khả năng sống sót.

Vì vậy, đòi hỏi phải bình tĩnh để tìm cách thoát khỏi hoặc tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh…tìm giải pháp dập lửa, thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước...

Bên cạnh đó, hãy quan sát xem vị trí của ngọn lửa và khói, điều này giúp bạn có cách để thoát hiểm đúng đắn. Nếu nguồn khói từ trên cao, thì hãy nhanh chóng chạy ra cửa thoát hiểm và xuống tầng dưới. Nếu nguồn khói từ tầng dưới, hãy di chuyển lên tầng cao nhất có thể.

Lưu ý quan trọng, trong tòa nhà có đám cháy thì không được di chuyển bằng thang máy.

Nạn nhân vụ cháy tòa nhà Dầu khí Thanh Hóa nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Cẩn thận khi mở cửa

Tránh bị hít thở phải khói khi ra ngoài kiểm tra, thì việc nắm được kỹ năng xem bên ngoài cửa phòng có đám cháy hay không sẽ giúp bạn giữ an toàn hơn.

Hãy sử dụng các dụng cụ hay nhìn qua khe cửa xem khói có vào nhà hay không, nếu phát hiện có khói thì không được mở cửa.

Trường hợp không nhìn thấy khói, hãy ra cánh cửa phòng và đặt mu bàn tay vào cánh cửa, nếu cánh cửa ấm nghĩa là lửa đã rất gần. Hoặc đưa mu bàn tay nhẹ nhàng chạm vào quả đấm cửa, nếu thấy ấm hoặc nóng thì không được mở cửa, còn trường hợp không thấy nóng thì bạn có thể mở cửa rất chậm và cẩn thận.

Tránh bị nhiễm độc khói

Nếu xung quanh bạn là khói hay khi di chuyển qua vùng có khói độc thì hãy tìm bất cứ khăn hay vải và thấm nước để che kín miệng và mũi. Cách này sẽ giúp lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói nếu có. Rất nhiều trường hợp tử vong là do hít phải khí độc có trong khói đám cháy, chứ không phải bị lửa thiêu chết.

Trong trường hợp muốn thoát ra khỏi đám lửa thì nên dùng chăn, mền nhúng đẫm nước rồi trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào quần áo đang mặc.

Luôn giữ mũi ở vị trí thấp nhất có thể

Hạn chế ít nhất việc hít phải khói sẽ giúp bạn tỉnh táo và tránh ngất xỉu trước khi được cứu ra ngoài. Trong thực tế, khói và khó độc có tính thương vong cao hơn là lửa.

Vậy làm sao để hạn chế được hít khói độc?

Theo tự nhiên, khói bay lên cao vì vậy khi kỹ năng giữ cơ thể sát với nền nhà sẽ giúp bạn hít ít khói hơn. Bạn có thể cúi sát xuống sàn nhà, và bò bằng bàn tay và đầu gối dưới đám khói.

Thoát hiểm qua cửa dẫn ra ngoài nên là lựa chọn đầu tiên. Ngoài ra, nếu quan sát thấy cửa sổ có khả năng thoát hiểm thì cũng có thể sử dụng, hay đây cũng là vị trí thuận lợi để hô hào sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Xử lý khi bị bén lửa vào quần áo

Đây là kỹ năng rất quan trọng, nếu áp dụng đúng bạn sẽ giảm tối đa thương tích từ ngọn lửa.

Khi bị bén lửa vào quần áo đừng chạy vòng quanh vì hành động này chỉ giúp ngọn lửa cháy lớn hơn.

Vậy bạn nên làm gì? Hãy nằm xuống đất, sẽ giúp lửa không lan rộng và giảm tác động lên mặt và đầu. Để dập lửa, hãy bao trùm ngọn lửa bằng áo khoác hoặc chăn, sẽ giúp ngăn chặn oxi cung cấp cho lửa. Ngoài ra, hãy nằm xuống và lăn qua lăn lại để dập lửa nhanh hơn.

Nhanh chóng gọi cứu hỏa

Khi phát hiện có cháy, ngay lập tức ấn chuông báo động của tòa nhà; hô hào thông báo bằng vật dụng bắt mắt cho mọi người biết có cháy; gọi 114 thông báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

Khi gọi cho lực lượng chức năng hãy bình tĩnh để cung cấp thông tin chính xác về tình trạng thực tế của mình. Các thông tin như: Địa chỉ chính xác; số phòng số tầng của bạn.

Trường hợp thoát ra được khỏi vùng nguy hiểm của đám cháy, hãy cung cấp chính xác số người mặc kẹt còn lại, vị trí người mắc kẹt… bạn càng cung cấp được nhiều thông tin cho lực lượng chức năng, càng giúp nâng cao hiệu quả khắc phục hậu quả vụ cháy.

Hãy nắm chắc những kỹ năng thoát hiểm khi cháy chung cư, tòa nhà cao tầng để xử lý khi gặp nạn

Những việc tuyệt đối không làm

Không nên cố gắng mang theo tài sản khi thoát hiểm bởi lúc này tính mạng là quan trọng nhất.

Tuyệt đối không được chui dưới gầm giường hay tủ quần áo để tránh lửa dù có sợ hãi, vì khi đó, sẽ rất khó khăn để Cảnh sát PCCC hay lực lượng cứu hộ tìm ra bạn. Hãy nhớ rằng họ tìm thấy bạn càng sớm, bạn sẽ ra ngoài được càng nhanh.

Không quay lại khi đã thoát ra ngoài: việc quay lại sẽ làm bạn càng gặp nguy hiểm, làm quá trình cứu hộ của Cảnh sát PCCC chậm lại.