Chấp nhận quy luật thị trường

ANTD.VN - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang là đề tài thời thượng, “nóng hổi” trên các diễn đàn. 

Việc nó sẽ tác động như thế nào đến ngành giáo dục - đào tạo nước ta, chưa được thể hiện trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Liệu nước ta có bắt kịp “con tàu” đang lừng lững tiến tới, hay lại hụt bước khi có tới hàng vạn cử nhân thất nghiệp xếp hàng dài mỗi năm?

Không ít người băn khoăn đặt câu hỏi: ngành giáo dục sẽ đào tạo con người như thế nào cho cách mạng công nghiệp 4.0? Dù công nghệ thay đổi bao nhiêu, thì giáo dục bao giờ cũng xuất phát và kết thúc ở con người. Nhìn vào dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được ban hành lấy ý kiến, những người tâm huyết với giáo dục nhận ra một “lỗ hổng” lớn.

Trong khi cả thế giới nói về giáo dục đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 cần phải đảm bảo 4 tiêu chí cốt lõi: giao tiếp, hợp tác, sáng tạo, tư duy phê phán, thì bản dự thảo này lại bỏ tiêu chí cuối cùng. Có thể khẳng định đây là 4 tiêu chí sống còn để cho “ra lò” những con người có đủ khả năng hội nhập thế giới. Đây cũng chính là 4 điểm yếu cố hữu trong hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam khiến sự nghiệp “trồng người” tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hơn thế, nó còn là nguyên nhân đẩy hàng vạn sinh viên ra trường “gia nhập” đội quân thất nghiệp. Mặc dù, dự thảo Chương trình đã đưa thêm nhiều môn học mới, song học sinh sẽ không bao giờ có đủ thời gian và sức lực học hết các môn đó. Dĩ nhiên, phải thêm một thời gian nữa thì những tác động của cuộc cách mạng này mới giội vào giáo dục để tạo ra thay đổi tận gốc rễ. 

Tuy nhiên, ngay từ bây giờ ngành giáo dục phải chuẩn bị hành trang cho học sinh. Ngắn hạn là những kỹ năng sống và ứng xử; dài hạn là sống như thế nào khi thực tế đầy thách thức. Một thực tế không thể không nhắc tới là nếu đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được chấp thuận, cơ hội việc làm của người trẻ sẽ còn thấp hơn rất nhiều. Có những ý kiến cho rằng, chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu vô hình trung góp phần làm gia tăng đội quân thất nghiệp.

Dẫu vậy, một số chuyên gia lao động đã dẫn ra bằng chứng cho thấy, ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng trong thực trạng “già hóa dân số” như Việt Nam trong tương lai, song họ vẫn áp dụng chính sách tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích người lao động ở một số ngành nghề tiếp tục làm việc, cống hiến cho xã hội, mang lại quyền lợi cho bản thân, mà không tạo ra mâu thuẫn, xung đột trên thị trường lao động. Tức là trong điều kiện đó, lao động trẻ phải tự nâng cao chất lượng của mình, tự tạo ra cơ hội chứ không để bị phụ thuộc vào “tấm chăn hẹp” của thị trường lao động.

Rõ ràng, quy luật cạnh tranh, đào thải của thị trường nhân lực là hiển nhiên. Chưa cần nói đến tăng tuổi nghỉ hưu, nếu người trẻ không chuẩn bị, trang bị thì tất yếu bị đào thải, nhất là khi nguồn lực chất lượng cao từ các nước ASEAN sẽ tràn vào nước ta trong cuộc hội nhập sâu rộng cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.