Chấp hành án treo vẫn có quyền tố cáo hành vi tham nhũng

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi đang phải chấp hành án treo, chưa hết thời hạn thử thách. Gần đây, tôi phát hiện hành vi của một số cán bộ địa phương có biểu hiện tham nhũng, chia chác đất công. Xin hỏi với tình trạng nhân thân như vậy, tôi có quyền tố cáo hành vi tham nhũng hay không? Tôi có thể tố cáo bằng các hình thức nào và tố cáo với cơ quan nào? Nguyễn Thanh Tùng (TP.HCM)

Chấp hành án treo vẫn có quyền tố cáo hành vi tham nhũng ảnh 1

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Quyền tố cáo: Theo quy định của pháp luật thì khi bạn chấp hành án treo và chưa hết thời gian thử thách sẽ không bị hạn chế quyền tố cáo. Tuy nhiên, với nội dung bạn nêu thì cần phải xem xét và đánh giá cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ địa phương đó. Họ thực hiện sai chính sách pháp luật về đất đai nhằm mục đích cá nhân hay có bằng chứng xác đáng về hành vi tham nhũng.

Trong khi ấy, theo quy định tại Điều 2, Luật Tố cáo năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019): “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Khoản 2 điều luật này cũng xác định, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Cơ quan, tổ chức. Tiếp đến, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào về việc chấp hành quy định của pháp luật, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

Chấp hành án treo vẫn có quyền tố cáo hành vi tham nhũng ảnh 2Ảnh minh họa

Hình thức tố cáo: Khi bạn nhận thấy cán bộ địa phương có sai phạm thì bạn có thể thực hiện việc tố cáo của mình bằng đơn thư hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định tại Điều 12, Luật Tố cáo.

Cụ thể là tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

Thẩm quyền giải quyết tố cáo: Điều 13, Luật Tố cáo quy định: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền: Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do UBND cấp huyện quản lý trực tiếp…

Như vậy, nếu bạn phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ địa phương có sai phạm trong khi thực hiện công vụ thì căn cứ vào công việc, chức danh của người vi phạm để lựa chọn cơ quan, cá nhân tiếp nhận giải quyết nội dung tố cáo của bạn. Trường hợp bạn có đầy đủ chứng cứ rõ ràng về hành vi tham nhũng của cán bộ địa phương thì bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp huyện hoặc cấp tỉnh nơi cán bộ có sai phạm.