Chàng trai "liều" nuôi cừu ở vùng quê khắc nghiệt

ANTD.VN - Từng đi xuất khẩu lao động ở Nga và làm việc trong trang trại chăn nuôi cừu, Tứ ấp ủ dự định đưa con vật này về nuôi ở quê mình. Nghĩ là làm, sau khi về nước, anh bắt tay vào thực hiện ngay. Trải qua những giai đoạn khó khăn, có lúc mất trắng vì đàn cừu chết, đến nay anh đã có trang trại nuôi cừu ổn định. 

Trải qua nhiều khó khăn, anh Tứ đã gây dựng thành công trang trại nuôi cừu cho riêng mình

“Liều” đưa cừu về xứ Nghệ

Nhắc đến anh Nguyễn Văn Tứ (SN 1980, trú xóm 11, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), người trong vùng nhắc ngay đến trang trại cừu có một không hai ở địa phương. Sinh ra trong một gia đình đông con, kinh tế khó khăn nên khi đang học cấp hai thì anh Tứ nghỉ học, bươn chải đủ nghề để kiếm sống.

Ban đầu, anh theo bạn vào Nam kiếm việc làm. Mười bảy tuổi, anh đi khắp nơi từ Đắk Lắk rồi đến Vũng Tàu, làm đủ nghề khác nhau. Thế nhưng, cuối cùng, anh vẫn trở về nhà với đôi bàn tay trắng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Tứ nhờ bố mẹ vay tiền để mình làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Nga.

Năm 2002, Tứ sang Nga và làm việc trong một trang trại chăn nuôi cừu. “Nhìn đàn cừu phát triển tốt, tôi chợt nghĩ ở quê mình chưa có mô hình nào chăn nuôi con vật này. Lúc đó, tôi nảy ra ý nghĩ khi hết thời hạn trở về sẽ mở trang trại chăn nuôi cừu ở quê mình”, anh Tứ cho biết. Xác định được hướng đi cho tương lai, từ đó, Tứ cẩn thận quan sát, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm chăm sóc đàn cừu.

Ngày trở về, với số vốn khá khiêm tốn tích cóp được, anh bắt tay ngay thực hiện dự định. Biết cừu là loài vật chịu được thời tiết khắc nghiệt, tuy nhiên, lúc này, trong tỉnh chưa có mô hình nào nên anh cũng khá hoang mang. Anh lại khăn gói lên đường vào Sài Gòn rồi tìm đến những trang trại nuôi cừu xin làm thêm để học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm mua con giống. 

Anh Tứ chia sẻ: “Mặc dù cừu là động vật dễ nuôi vì chủ yếu ăn lá, cỏ… nhưng cũng chính điều này khiến chúng rất dễ mắc các chứng bệnh như tiêu chảy, hô hấp. Hơn nữa, cừu là động vật chịu được thời tiết khắc nghiệt ở Nga nhưng thời tiết ở Nghệ An lại khác, không biết nó có thích nghi được hay không”.

 Việc vận chuyển con giống từ Sài Gòn về Nghệ An hơn 1000km cũng là một vấn đề nan giải, nếu chúng không kịp thích nghi với thời tiết, thức ăn, môi trường thì rất dễ chết trên đường. Tuy nhiên, sau thời gian suy nghĩ, trăn trở anh Tứ vẫn quyết “liều” một chuyến. Giữa năm 2014, anh Tứ đã mạo hiểm bỏ ra hơn 200 triệu đồng để mua 100 con cừu về làm giống.

Hướng làm giàu nhiều tiềm năng

Đúng như dự đoán ban đầu của anh, số cừu chết trên đường di chuyển và bị bệnh đã quá nửa. Lần xuất vốn đầu tiên, đàn cừu trong trang trại chỉ còn sống sót vài chục con. Mặc dù đã dự đoán được tình hình, nhưng anh Tứ vẫn không ngờ cừu lại chết nhiều như vậy.

“Thực sự đó là quãng thời gian khó khăn nhất của tôi khi số tiền bỏ ra bị thiệt hại quá lớn. Rất nhiều người cười tôi, bảo rằng suy nghĩ của tôi là viển vông, thậm chí nhiều người còn khuyên tôi nên bán số cừu còn lại, may ra gỡ được ít vốn, nếu không sẽ mất trắng. Nhưng may mắn vào lúc đó có mẹ và vợ tôi  động viên, khích lệ nên tôi mới quyết tâm sẽ tiếp tục làm đến cùng”, anh Tứ nhớ lại. 

Để thực hiện ý định của mình, anh Tứ đã mua lại và thuê đất tại xóm 13, xã Sơn Thành để xây dựng một trang trại chăn nuôi cừu. Chuồng trại được thiết kế cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Sàn chuồng được lát bằng gỗ, các nan cách nhau từ 1-1,3cm để chất thải của cừu lọt xuống đất, nhờ vậy, đàn cừu luôn khô ráo, tránh được dịch bệnh.

Thời gian đầu, khi chưa quen với tập tính của đàn cừu, mỗi lần đàn cừu ốm, anh Tứ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Sau một thời gian tìm hiểu, đến nay anh Tứ đã có thể hiểu và khống chế được toàn bộ những bệnh cơ bản của cừu. 

Nhiệt độ lý tưởng để nuôi cừu là trên 20 độ C. Vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp thì phải chú ý che chắn chuồng trại và giữ ấm. Còn về thức ăn của cừu khá đa dạng nên rất thuận lợi cho việc chăn thả ngoài đồng, nhất là giai đoạn sau mùa gặt. Do vậy, anh Tứ thường để đàn cừu nối đuôi nhau ăn cỏ trên các bờ ruộng.

Điều này đã thu hút sự chú ý, tò mò của nhiều người đi đường. Sau thời gian chăn nuôi, anh Tứ đã xuất chuồng số lượng cừu khá lớn. Vào thời điểm hiện tại, trong chuồng còn khoảng 100 con cừu, chủ yếu bước vào giai đoạn sinh sản. Ông chủ trang trại cho hay, hiện nay giá bán cừu hơi khoảng 145.000đồng/kg.

Còn nếu bán thịt đã róc xương giá từ 400.000-450.000đồng/kg. Ngoài ra, anh Tứ còn bán cừu giống, cũng như tư vấn cách nuôi cho những người quan tâm. Việc nuôi cừu đã mang lại cho anh Tứ nguồn thu nhập ổn định, theo tính toán sơ bộ thì năm vừa qua anh đã thu về gần 100 triệu đồng tiền bán thịt cừu. 

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tứ còn giải quyết việc làm cho trên 10 lao động, mức lương người ít nhất 3 triệu đồng, người nhiều lên tới 7,5 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Hải Hậu, cán bộ môi trường xã Sơn Thành, huyện Yên Thành cho biết, trang trại của anh Tứ mở cách đây gần 2 năm và đã có các giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh của huyện.

Từ khi mở trang trại đến nay, cơ quan chức năng cũng nhiều lần kiểm tra và nhận thấy các yếu tố vệ sinh môi trường được đảm bảo. Người dân xung quanh cũng không kêu ca hay phản đối việc anh Tứ nuôi cừu. Thành công bước đầu của anh Tứ đang được địa phương nghiên cứu để tìm ra hướng đi mới cho người nông dân xứ Nghệ.