Chăn dắt trẻ ăn xin: Chế tài nào xử lý dứt điểm?

ANTD.VN - Nạn "chăn dắt" trẻ ăn xin tại các khu đô thị, khu du lịch, đền, chùa, … là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Vấn nạn càng nóng hơn bao giờ hết khi vào những ngày gần đây, xuất hiện nhiều trẻ em lê lết ăn xin tại TP. Hồ Chí Minh dưới nhiều hình thức khác nhau. Vậy cần chế tài xử phạt nạn "chăn dắt" này như thế nào để có thể dứt điểm được tình trạng?

“Cái bang” giữa cuộc sống hiện đại

Những hình ảnh ông lão, bà lão, người khuyết tật hay trẻ nhỏ lê lết ăn xin tại các thành phố, khu đô thị sầm uất luôn khiến người ta phải suy ngẫm. Họ ăn xin có phải do nghèo khổ thật, hay đằng sau đó là một thế lực ngầm "chăn dắt", dùng đủ mánh khóe để bóc lột sức những người này.

Một đứa trẻ ăn xin vạ vật trên hè đường tại TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh)

Thông tin trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm phóng viên theo dõi và phát hiện nhóm đối tượng gồm 3 người, một người phụ nữ hơn 50 tuổi và hai đứa trẻ (một trai, một gái) ngồi vạ vật ăn xin trên đoạn đường Bạch Đằng, phường 3, quận Gò Vấp. Với những phương thức thay đổi linh hoạt, nhóm này lợi dụng việc người tham gia giao thông dừng đèn giao thông để tiếp cận và xin tiền.

Tối ngày 22-8, nhóm đối tượng xuất hiện thêm một bé gái, và cách xin tiền cũng có sự điều chỉnh. Đó là người phụ nữ ngồi cạnh 3 đứa trẻ có thêm các rổ đựng tăm bông, ngồi canh hút thuốc canh chừng.

Ngày 23-8, một nhóm khác dùng các cháu bé nhỏ tuổi để đi ăn xin, chèo kéo tại khu vực chợ Bến Thành cũng bị phát hiện. Đây được biết đến là khu vực đông đúc, nhiều người qua lại, vì thế nhóm này đã lợi dụng điều đó để cho trẻ ăn xin. Khi có được sự chú ý của khách qua lại, những đứa trẻ này bắt đầu hoạt động, chèo kéo và xin tiền cho bằng được.

Mánh khóe tinh vi của những kẻ "chăn dắt" ăn xin còn ở việc lợi dụng các bé gái xin tiền trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mới đây, chiều 24-8 tại giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Cơ Thạch (phường Thủ Thiêm), xuất hiện bé gái khoảng 12 tuổi cõng một bé nhỏ hơn, khoảng 2 tuổi cầm nón xin tiền người lái xe máy khi dừng đèn đỏ. Điều đặc biệt, trời nắng gắt nhưng khi tín hiệu đèn giao thông có sự chuyển biến sang màu đỏ là các bé lao ra đường để xin tiền người đi đường.

Cũng gần khu vực này, đoạn đường Nguyễn Cơ Thạch, nhóm ăn xin gồm 2 em nhỏ. Một em xin tiền của những người điều khiển xe máy, em còn lại gõ cửa kính các xe ô tô để xin.

Cách nào dẹp nạn "chăn dắt" ăn xin?

Chế tài xử lý nạn "chăn dắt" ăn xin còn nhẹ

Sự nở rộ của nạn ăn xin, không chỉ với nhóm đối tượng ăn xin là người khuyết tật mà còn là các em nhỏ đang là vấn đề bức xúc, đặt ra cho các cơ quan chức năng về việc phải có chế tài, khung xử phạt hợp lý.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Nghị định 144/2013/NĐ – CP: Người nào ép buộc người cao tuổi lao động hoặc làm những việc trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng. Tại khoản 3, Điều 27 của Nghị định nêu rõ: Người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng.

Cần xử phạt hành chính nặng, thậm chí là xử lý hình sự với đối tượng "chăn dắt" trẻ ăn xin (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại)

Chia sẻ của luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) trên báo Lao động: Nếu xác định được đối tượng "chăn dắt" bạo hành với người lệ thuộc; hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin, làm công việc nặng nhọc, độc hại … thì có thể xem xét mức xử lý hình sự tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội hành hạ người khác.

Về phía Sở LĐ – TB&XH TP HCM, đơn vị vừa ban hành văn bản, gửi các khu vực về việc khuyến khích người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn trên đường phố. Các hình thức giúp đỡ có thể thông qua các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức từ thiện của thành phố.

Tấm lòng nhân ái của những người mong muốn giúp đỡ sẽ được đặt đúng chỗ khi những người ăn xin kia có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Nhưng, ngược lại, đây cũng sẽ là cơ hội cho những kẻ "chăn dắt" ăn xin tiếp tục lộng hành. Các chế tài xử phạt nạn "chăn dắt" ăn xin còn nhẹ, chính vì thế mỗi người cần tự thực hiện, suy nghĩ đúng đắn để vừa giúp được những phận đời bất hạnh, vừa hạn chế vấn nạn này.