Chứng chỉ tiếng Anh “khung châu Âu”… có thực chuẩn?

Chặn cơ sở giáo dục "tự phong", siết chặt nạn mua chứng chỉ giả

ANTD.VN - Trước nhu cầu rất lớn về Chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu, trong khi chỉ có 10 trường trên toàn quốc được Bộ GD-ĐT cho phép cấp chứng chỉ, nhiều cơ sở giáo dục đã "tự phong” cho mình cái mác liên kết để thu tiền, tổ chức thi lấy chứng chỉ. Tuy vậy, ngay từ đầu năm 2018, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) - Bộ Công an phối hợp với CATP Hà Nội đã điều tra làm rõ nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động này. 

Chặn cơ sở giáo dục "tự phong", siết chặt nạn mua chứng chỉ giả ảnh 1Công văn giả mạo Công ty Đông Dương tự phong mác liên kết với trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

Kiếm bộn tiền từ tổ chức thi, cấp chứng chỉ giả

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo ANTĐ, được biết đầu năm 2018, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra và các đơn vị chức năng khác của CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng gồm Nguyễn Văn Thuật (46 tuổi, trú tại số 66, phố Lương Định Của, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Đông Dương và Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, trú tại phố Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), làm nghề tự do, đã có hành vi tổ chức thi trái phép để cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả dưới mác là Công ty Đông Dương. Trước đó, Nguyễn Thị Hạnh đã tổ chức một hoạt động tương tự tại tỉnh Bình Thuận và bị các lực lượng chức năng của Bộ Công an phát hiện. Vụ việc đang trong quá trình được lực lượng công an xử lý thì Hạnh tiếp tục phạm tội. 

"Muốn giải quyết triệt để nạn mua chứng chỉ giả thì tự mỗi người phải nêu cao ý thức học tập, trong đó xác định rõ việc học ngoại ngữ là để giao tiếp, sử dụng, chứ không phải để “hoàn tất hồ sơ” xin việc".

Đại tá Đinh Hữu Tân, Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, CATP Hà Nội

Vào thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng đã tổ chức cho hơn 140 thí sinh dự thi tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Sau đó, trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đề nghị cơ quan công an phối hợp làm rõ về việc nhà trường nhận được công văn của một số đơn vị tuyển dụng, đề nghị xác minh một số trường hợp sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực châu Âu song các chứng chỉ này đều là chứng chỉ giả... 

Quá trình theo dõi, lực lượng chức năng phát hiện đối tượng chuẩn bị tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho một khóa mới. Địa điểm là một ngôi trường thuộc sự quản lý của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đây cũng là thủ đoạn tinh vi của Hạnh và đồng bọn nhằm qua mắt những người có nhu cầu thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ.

Bước đầu cơ quan công an làm rõ vai trò và hành vi phạm tội của các đối tượng trong đường dây này… Theo đó, vào cuối năm 2017, Thuật thống nhất với Hạnh tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ giả theo khung năng lực châu Âu để thu tiền của thí sinh dự thi. Nhằm lấy uy tín, Hạnh và Thuật còn chế ra văn bản giả do trường Đại học Ngoại ngữ ban hành, trong đó nêu rõ nhất trí phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng như tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu, nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên, công nhân viên chức và người lao động có nhu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. 

Sau khi bắt giữ các đối tượng, Cơ quan ANĐT và Cục An ninh Chính trị nội bộ - Bộ Công an đã tiến hành xác minh tại trường Đại học Ngoại ngữ, xác định không có việc liên kết với Công ty Đông Dương tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Bước đầu, Hạnh đã thừa nhận cùng với Thuận tổ chức thi, cấp chứng chỉ giả cho các thí sinh dự thi. Hạnh được Thuật chia 350 triệu đồng trong “phi vụ” này.

Tạm dừng vì hiện tượng “nhân bản” chứng chỉ 

Giữa tháng 8-2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng đã có văn bản gửi Cục Quản lý Chất lượng, Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ 2020 và 10 đơn vị được giao tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ, yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ. Lý do của văn bản này là do trước đó, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã có kiến nghị ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà. Theo đó, trong thời gian 4 ngày (từ 13 đến 16-4), trường này đã cấp chứng chỉ cho 827 người, trung bình mỗi ngày cấp cho hơn 200 thí sinh dự thi. 

Theo báo cáo của Thanh tra giáo dục, tại điểm thi đã có sai phạm là mỗi thí sinh vào phần thi nói chỉ trong thời gian 4 phút, không đủ theo yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ làm một phép tính đơn giản, tổng thời gian riêng phần thi nói, nhà trường phải dành tới 14 tiếng cho việc này, điều đó đồng nghĩa với việc thí sinh đầu tiên thi vào 7h sáng thì thí sinh cuối cùng sẽ ra về vào lúc... 21h. 

Ngoài ra, việc thu lệ phí cũng có nhiều sai phạm. Theo hồ sơ lưu tại trường Bắc Hà, có 33 “Giấy nộp tiền mặt”, mỗi giấy có một người đại diện nhóm học viên ký nộp tiền. “Giấy nộp tiền mặt” chỉ ghi tổng số tiền nộp, không ghi đầy đủ thông tin về người nộp tiền. Một số trường hợp thí sinh dự thi bậc A2 đã nộp số tiền là 3,4 triệu đồng/người, qua trung gian cao hơn số tiền đã ký xác nhận trong hồ sơ lưu của trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà và hợp đồng giữa Đại học Vinh và trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà. 

Không chỉ liên kết với Đại học Vinh, trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà còn liên kết với Đại học Sư phạm TP.HCM để cấp chứng chỉ ngoại ngữ và cũng có những sai phạm tương tự. Kết luận của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy, trong những sai phạm nêu trên đều có trách nhiệm của trường Cao đẳng công nghệ Bắc Hà, Đại học Vinh và Đại học Sư phạm TP.HCM.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng đã phần nào giảm bớt hiện tượng các cơ sở giáo dục, chào mời người có nhu cầu mua chứng chỉ tiếng Anh theo khung tham chiếu chuẩn châu Âu. Nhưng trước  thực tế thí sinh thi cao học, nghiên cứu sinh có chứng chỉ tiếng Anh theo khung chuẩn châu Âu sẽ được miễn đầu vào thi ngoại ngữ tại một số trường, một bộ phận người dân vẫn tìm mọi cách để có được chứng chỉ này. 

(Còn nữa)