Chậm trễ ban hành thông tư quy định sữa học đường sẽ gây lãng phí lớn

ANTD.VN - Năm học mới sắp tới, nhiều tỉnh, thành phố đang chuẩn bị đấu thầu sữa học đường nhưng không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa như thế nào. Địa phương nào muốn triển khai đấu thầu cung cấp sữa cho các cháu thì phải phát văn bản hỏi khắp nơi như: Viện Dinh dưỡng, Cục An toàn thực phẩm... Đặc biệt, nhiều phụ huynh rất quan tâm đến tiêu chuẩn bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường.

Chậm trễ ban hành thông tư quy định sữa học đường sẽ gây lãng phí lớn ảnh 1

Ban hành quy chuẩn cho sữa học đường trước khi năm học mới bắt đầu đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh

Bổ sung 21 vi chất là rất cần thiết

Thiếu vi chất đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ em từ khi trong bụng mẹ đến lứa tuổi học đường. Đó là những dưỡng chất nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong giai đoạn "vàng".

Theo Báo cáo của Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, song tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm vẫn còn ở mức cao (24,3%) và tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao khiêm tốn của thanh niên Việt Nam hiện nay.

ThS. Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa vi chất dinh dưỡng (Viện dinh dưỡng quốc gia) cho biết: Điều tra toàn quốc về tình hình tiêu thụ lương thực, thực phẩm năm 2010 của viện cho thấy bữa ăn của người dân Việt Nam không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể.

Khẩu phần ăn của người dân ở nông thôn mới đáp ứng được 23% nhu cầu vitamin A; 79% nhu cầu sắt và 56% nhu cầu kẽm. Tại thành phố, khẩu phần ăn của người dân mới đáp ứng được 35% nhu cầu vitamin A; 76% nhu cầu sắt và 57% nhu cầu kẽm.

Ngay cả với trẻ em từ 2 - 5 tuổi là đối tượng thường được ưu tiên thức ăn trong bữa ăn gia đình thì mức đáp ứng nhu cầu các vi chất dinh dưỡng cũng không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Khẩu phần ăn của trẻ từ 2 - 5 tuổi đã đáp ứng được 95% nhu cầu năng lượng nhưng mới đáp ứng được 57% nhu cầu sắt và 65% nhu cầu vitamin A. Như vậy, sự có mặt của năng lượng trong khẩu phần không đồng nghĩa với việc có đủ các vi chất dinh dưỡng.

Nguyên nhân chính của thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người Việt Nam hiện vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các thức ăn động vật là nguồn cung cấp vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao.

Khẩu phần ăn không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (như: vitamin A, sắt, kẽm, iod) trầm trọng tới mức trở thành một vấn đề của sức khỏe cộng đồng, nhất là ở nhóm các đối tượng có nguy cơ cao…

Ths.Bs Trần Khánh Vân cũng khẳng định: “Việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng đã được áp dụng trên thế giới từ rất lâu. Việc bổ sung các vi chất vào sữa học đường đang áp dụng ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác với hàm đã được khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới đối với trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi. Dựa trên công thức này chúng tôi đã xây dựng các công thức để tăng cường vi chất dinh dưỡng kết hợp với sản phẩm để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.

Ưu việt của Chương trình Sữa học đường là có độ bao phủ cao, giá thành được hỗ trợ rất nhiều lại có sự chung tay, hỗ trợ, giám sát của nhiều lực lượng…".

Viện dinh dưỡng đã có nhiều nghiên cứu căn cứ vào khâủ phần ăn của người Việt Nam, trước khi đưa khuyến nghị bổ sung 18+3 vi chất dinh dưỡng. Bà Trần Khánh Vân cũng cho biết việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng đã được thực hiện từ lâu trên thế giới. 

Tại cuộc họp góp ý dự thảo Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng đã hỏi từng doanh nghiệp sữa về việc bổ sung nhiều loại vi chất vào sữa, tất cả doanh nghiệp đều trả lời thực hiện được, đồng thời các ý kiến đồng thuận cao về các loại sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường và nguyên liệu đầu vào của sữa.

Chị Vũ Vương Kiều Hoa, Hiệu trường trường Mầm non Hoa hồng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi và các phụ huynh rất mong muốn sớm có Quy chuẩn chung cho sữa học đường, đặc biệt là các quy chuẩn về tỷ lệ các vi chất bổ sung trong sữa học đường để đảm bảo an toàn cho trẻ, đồng thời cũng đảm bảo mục tiêu quốc gia về chương trình sữa học đường đó là đảm bảo tầm vóc của trẻ”.

Chậm trễ ban hành sẽ gây lãng phí lớn

Mặc dù nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp nhưng cho đến thời điểm này, dư luận vẫn đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế vẫn chưa ban hành Quy chuẩn chung cho sữa học đường. Điều này quả thực rất khó hiểu với một chương trình có ý nghĩa xã hội lớn như vậy?

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nhận định: “Chương trình sữa học đường là một chủ trương đúng để góp phần nâng cao thể chất cho trẻ em. Việc thực hiện đấu thầu là hình thức cạnh tranh để tìm ra nhà cung cấp sản phẩm sữa hiệu quả nhất cho các trường học.

Do đó nếu không đưa ra tiêu chí cụ thể thì làm sao có sự cạnh tranh để tổ chức đấu thầu? Việc chậm trễ ban hành quy định này có bí ẩn gì phía sau? Điều này cũng khiến cho việc tổ chức đấu thầu không được công khai, minh bạch khiến các đơn vị tham gia cũng như người dân có quyền đặt dấu hỏi nghi ngờ”.

“Đây không phải là một chương trình quá bí mật hay là xây dựng một đề án quá khó mà kéo dài hơn 3 năm. Càng chậm trễ càng gây tốn kém cho cả doanh nghiệp và xã hội, gây mất niềm tin của người dân. Trong bối cảnh chính phủ đang tạo thuận lợi kinh doanh thì thủ tục, thời gian cho một vấn đề quan trọng của đất nước thế này là quá chậm chạp, gây phiền hà. Cần quy trách nhiệm rõ ràng của các đơn vị liên quan khi đã được phân công cụ thể”, TS Ngô Trí Long nói.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết, sau khi lấy ý kiến góp ý của nhiều doanh nghiệp sữa, Vụ đang làm việc khẩn trương và xin lịch làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ mời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên môi trường để cùng thống nhất về nội dung trong Thông tư này.

Với tư cách là cơ quan đầu mối xây dựng Thông tư, ông Vinh cho biết, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, sẽ đề xuất với Chính phủ, sau khi kết thúc Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 theo Quyết định 1340/QĐ-TTg sẽ chuyển Chương trình này cho các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thường quy.

Kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, đến ngày 10/7/2019, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã gửi Công văn số 3963/BYT-BMTE v/v góp ý Dự thảo Thông tư (hỏa tốc) gửi cho các các đơn vị đề nghị các đơn vị cho ý kiến đóng góp Dự thảo Thông tư nêu trên trước ngày 12/7/2019.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Y tế giao theo Điều 2, Quyết định 5450/QĐ-BYT, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đề xuất bổ sung 21 loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng cụ thể theo Văn bản số 363/VCDD-VDD ngày 03/7/2019 về việc đề xuất các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng trong các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đã được thống nhất theo tinh thần cuộc họp do Thứ trưởng Trương Quốc Cường chủ trì vào ngày 18/6/2019.

Vậy tại sao đến lúc này Bộ Y tế vẫn chưa ban hành theo tinh thần đã thống nhất trong cuộc họp ngày 18/6/2019? Đây là câu hỏi dư luận đang chờ đợi Bộ Y tế trả lời...