Cầu nối giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

ANTD.VN - Nhằm giúp những người sau khi cai nghiện có một môi trường sinh hoạt lành mạnh, giảm tỷ lệ tái nghiện, nhiều năm nay Hà Nội đã xây dựng các Câu lạc bộ B93 hoạt động hiệu quả, trong đó đặc biệt phải kể đến Câu lạc bộ B93 phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy với vai trò là cầu nối giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.

Có dịp theo chân những người làm công tác tình nguyện trong câu lạc bộ đi vận động tuyên truyền vào những ngày mưa tháng 3 này, chúng tôi mới hiểu hơn về những vất vả, khó khăn của họ - những người vì cái tâm mà “vác tù và hàng tổng” để cuộc sống bình yên hơn.

Cầu nối giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng ảnh 1Thoát nghiện, nhiều người tích cực làm kinh tế, giúp đỡ gia đình

Câu lạc bộ đặc biệt

Câu lạc bộ B93 Mai Dịch được thành lập từ năm 2005 khi chính quyền có chủ trương hỗ trợ những người sau cai nghiện có môi trường tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời. Khi ấy, những người cựu chiến binh, công chức về hưu đã xung phong tham gia câu lạc bộ, trở thành những người tình nguyện viên nắm lấy bàn tay những người lầm lỡ “kéo” họ trở về với cuộc sống.

Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên tại các tổ dân phố. Mỗi tháng họp mặt 2 lần vào các ngày mùng 1 và 15. Các thành viên trong Câu lạc bộ B93 là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người hưu trí, đại diện các ban ngành, đoàn thể và người sau cai nghiện ma túy. Hiện câu lạc bộ có 9 tình nguyện viên và 32 đối tượng sau cai đang tham gia hoạt động. 

Trong những năm qua, Câu lạc bộ B93 Mai Dịch thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền tại tổ dân phố, phòng chống tệ nạn ma túy trên hệ thống phát thanh của phường; đồng thời, đến tận nhà các gia đình có con em mắc nghiện để vận động, thăm hỏi, giúp đỡ. Năm 2016, câu lạc bộ đã tổ chức tuần hành bằng ô tô và xe máy để tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS.

Ngoài ra, câu lạc bộ còn thường xuyên làm mới và dán các pano, áp phích  phòng chống ma túy tại các cổng trường học, nhà văn hóa, nơi có đông người qua lại… Thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu pháp luật; vận động hội viên tham gia các buổi lao động công ích, vệ sinh môi trường, bóc xóa giấy quảng cáo; tổ chức cho các hội viên tham gia chơi thể thao như bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn để rèn luyện thân thể, tạo không khí vui vẻ, tích cực, xóa đi sự tự ti mặc cảm của những người đã có quãng thời gian nghiện ma túy.

Câu lạc bộ đã vận động được 24/29 tổ dân phố ký cam kết xây dựng địa bàn lành mạnh, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, 90 đối tượng ký cam kết không tái phạm về ma túy, kiềm chế không để phát sinh người nghiện mới. Theo đó, số người nghiện giảm rõ rệt từ 130 xuống còn 60 đối tượng. 

 Hơn 10 năm qua, câu lạc bộ đã vận động được nhiều gia đình có con em mắc nghiện tự giác đưa người thân của mình tham gia câu lạc bộ hướng nghiệp dạy nghề để các em có có công ăn việc làm, tự tin làm lại cuộc đời. Câu lạc bộ vừa là trung tâm hỗ trợ việc làm, vừa là nơi các thành viên được giao lưu, gắn kết tình cảm tương thân tương ái. Ví dụ điển hình đó là câu lạc bộ đã giúp đỡ tạo điều kiện bảo lãnh cho 2 hội viên vay vốn ngân hàng làm kinh tế.

Nói về Câu lạc bộ B93, Trung tá Nguyễn Thế Vinh, Phó Trưởng Công an phường Mai Dịch cho biết: “Câu lạc bộ là cánh tay đắc lực của Công an phường trong việc quản lý các đối tượng nghiện và sau cai nghiện. Các tình nguyện viên và hội viên trong câu lạc bộ thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng công an trong việc đấu tranh phá án, bắt giữ đối tượng góp phần đảm bảo ANTT địa bàn. Đồng thời tạo ra sân chơi lành mạnh, giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả nhất, giúp họ phát triển kinh tế, gia đình hạnh phúc”.

Xuất phát từ tâm

Bao năm qua, người dân ở phường Mai Dịch đã trở nên quen thuộc với hình ảnh những tình nguyện viên dẫu đã ngoài 60 nhưng hàng ngày vẫn đạp xe đến từng nhà các hội viên thăm hỏi, động viên họ từ bỏ ma túy. Làm công việc của những người “thổi tù và hàng tổng”, các tình nguyện viên như ông Lê Minh Xừ, Đội trưởng Câu lạc bộ B93 và nhiều người khác đã phải cố gắng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để làm việc giúp đời. Hơn ai hết, họ hiểu được công việc bản thân đang làm đầy rẫy khó khăn, thậm chí cả nguy hiểm đến tính mạng nhưng xuất phát từ cái tâm muốn giúp người, giúp đời, họ vẫn không quản ngại ngày đêm tham gia việc làng, việc xã.

Khó khăn là thế, nhiều khi áp lực nhưng họ vẫn luôn tâm huyết giúp người sau cai nghiện có điều kiện trở về cuộc sống không còn kỳ thị, không còn mặc cảm. Các tình nguyện viên ấy là nguồn động lực lớn giúp người sau cai tránh đi vào vết xe đổ.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Minh Xừ chia sẻ: “Các tình nguyện viên phải thường xuyên đến tận nhà  người nghiện để tuyên truyền, vận động. Có nhiều gia đình vì xấu hổ tỏ ra khó chịu, thiếu thiện chí hợp tác. Có lần tôi và các tình nguyện viên đến thăm một gia đình có người nghiện. Họ đã bỏ lơ, không trông chó, khiến nó lao vào và cắn nhiều vết vào chân tôi. Tôi đã phải đi tiêm phòng dại và băng bó tại Bệnh viện 19-8. Tuy nhiên, việc này tôi phải giấu cả gia đình vì sợ mọi người lo lắng và không ủng hộ mình làm công việc này nữa”. 

“Lại có lần tôi đến can ngăn một gia đình người nghiện có khúc mắc kinh tế, người chồng cầm dao bầu định chém vợ. Tôi cùng công an phường đã can thiệp, khóa chặt đối tượng để giằng dao ra, liền bị anh ta cắn vào tay. Lúc ấy mọi người đã phải giúp tôi rửa xà phòng và đi xét nghiệm phòng tránh lây nhiễm HIV. Mấy lần như vậy nhưng tôi vẫn gan lắm, vẫn làm việc vì cái tâm thôi”, ông Xừ cười tươi khi “tiết lộ” những chuyện cũ mà bao năm ông đã giấu cả gia đình, người thân.

Việc các thành viên trong câu lạc bộ đến vận động các gia đình bị họ chửi mắng, không tiếp là một chuyện, nhưng khi gia đình có người nghiện xảy ra tranh chấp, đánh chửi nhau họ lại cầu cứu câu lạc bộ. Ông Hồ Công Long (75 tuổi) chia sẻ: “Ở tổ dân phố tôi có 2 vợ chồng có người nghiện cầm búa và kéo đánh nhau, đập phá đồ đạc. Tôi đã phải can thiệp ngăn cản thu búa và kéo. Có người nói tôi thừa hơi, cứ kệ cho chúng nó đánh nhau, nhưng tôi không thể làm như vậy được”.

Cầu nối giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng ảnh 2Băng rôn, áp phích phòng chống ma túy được CLB B93 treo ở cổng trường học

Giúp hội viên vượt qua mặc cảm 

Từ Câu lạc bộ B93 Mai Dịch, nhiều người trước đây mắc nghiện đã thoát nghiện, làm ăn kinh tế giỏi, giúp đỡ gia đình nuôi dạy các con. Anh Nguyễn Minh Tuấn (35 tuổi), trú tại ngõ 5 Phạm Văn Đồng, Mai Dịch là một trong những điển hình về hội viên làm ăn kinh tế giỏi. Anh đã sinh hoạt trong câu lạc bộ được hơn 3 năm, giữ không tái nghiện được hơn 7 năm.

“Lúc đầu khi chưa tham gia câu lạc bộ, tôi mặc cảm tự ti lắm, người ta vẫn nghĩ tôi là con nghiện nên tránh né kỳ thị nhiều. Lúc ấy tôi không có việc làm, nhìn các con chịu đói, không có tiền mua sữa, tôi xót xa lắm. Được các bác trong CLB giúp đỡ, tôi đã tham gia sinh hoạt đều đặn, các bác trong CLB đã luôn động viên, khuyến khích tinh thần và giúp tôi làm ăn kinh tế. Hiện giờ, tôi đã có một quán internet và một cửa hàng tạp hóa, gia đình cũng ổn định hơn”, anh Tuấn cho biết.

Cũng như anh Tuấn, anh Phạm Vũ Uẩn (26 tuổi) mắc nghiện từ khi mới 20 tuổi. Sau khi  đi cai nghiện trở về, anh được các hội viên CLB B93 quan tâm, thăm hỏi động viên tham gia sinh hoạt. “Đến CLB, tôi được biết thêm nhiều kiến thức pháp luật, được vui chơi, làm việc. Mọi người ở đây rất vui vẻ, thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ cho tôi và các anh chị từng nghiện. Vì vậy, tôi càng có quyết tâm thoát khỏi ma túy, bắt đầu lại cuộc đời. Tôi đi học nghề và mở cửa hiệu cắt tóc”.

Những người như anh Tuấn, Uẩn đứng dậy, bắt đầu lại cuộc sống mới từ CLB B93 không hiếm. Trải qua bao thăng trầm, giờ đây CLB B93 xứng đáng là điểm tựa vững chắc cho những người lầm lỡ sau cai nghiện trở về với cộng đồng, là nơi người có quá khứ lầm lỡ đón nhận tình yêu thương của cộng đồng, chắp cánh cho họ vững tin vào cuộc sống và tự tin nói không với ma túy.