Câu chuyện hôm nay: Bàn về chữ "hiếu"

ANTD.VN - Thời đại ngày nay mà nói về chủ đề này thì thật là cổ hủ và có phần lẩm cẩm nữa. Cái ngày xưa, khi con người còn chìm đắm trong những tập tục, những quan niệm phong kiến thì người ta mới “nặng lòng” với chữ "hiếu".

Cái ngày xưa ấy, giữa người với người lấy chữ nhân chữ nghĩa làm gốc để đối xử với nhau, dù cuộc sống vật chất mọi bề thiếu thốn. “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!”, kể cũng đẹp đấy nhỉ?

Dù khi đã về già, thỉnh thoảng tôi vẫn ngâm nga mấy câu hát trong bài “Mẹ yêu con” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý:

Mẹ thương con có hay chăng?

Thương từ khi thai nghén trong lòng

Mấy nắng sớm chiều mưa ròng

Chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng…

Thôi, những ai đã làm cha làm mẹ chắc không khỏi có những lúc mong mỏi, đợi chờ, khi mừng vui hạnh phúc, song cũng có những khi nhớ nhung khắc khoải, thậm chí mang một nỗi thất vọng về những đứa con bất hiếu. Đã làm cha làm mẹ thì điều đó là không tránh khỏi. Âu cũng là lẽ tự nhiên, nên mới có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Những câu như “Phụ mẫu tự tại bất khả viễn du, du tất hữu phương” của Khổng tử (cha mẹ còn sống không nên đi xa, nếu có đi thì cần cho biết nơi biết chốn) đã không còn thích hợp với thời đại “toàn cầu hóa” nữa. Cha mẹ ở phương Đông, con cháu ở phương Tây, nhỡ cha mẹ có mệnh hệ nào, về được đến nhà thì may ra chỉ còn nhìn mặt lần cuối, chứ đâu có trối trăng được câu nào. Mọi chuyện đã có bệnh viện lo, có hàng xóm giúp.

Ngày nay đã khác xưa rồi. Cha mẹ sinh (sinh) con, nuôi con là nghĩa vụ. Ông bà đẻ tôi ra thì phải nuôi tôi, nếu gặp phải cha mẹ nghèo, có khi con còn ta thán, rằng sao cái số tôi nó khổ thế, không vào cửa nhà giàu lại đầu thai ngay vào cái nhà nghèo rớt mồng tơi.

May nước ta còn thuộc về phương Đông, cái văn hóa phương Đông phần nào vẫn còn là sợi dây ràng buộc các thành viên trong một gia đình với nhau, nhưng mối ràng buộc ấy cũng lỏng lẻo lắm rồi.

Ngày nay, khi mà con người coi trọng vật chất, mọi quan hệ có thể mua bán được, mọi quan hệ đôi khi chỉ còn là nghĩa vụ. Tôi chưa gặp nhưng cũng nghe nói, ở phương Tây nếu cha mẹ không kiềm chế được, lỡ tay đánh con một cái thì người con nhấc điện thoại lên gọi cảnh sát đến bắt cha hoặc mẹ mình. Đau quá nhỉ? Tôi không biết có khi nào người con thấy cảnh cảnh sát đưa cha hoặc mẹ mình đi mà đau mà xót? Còn người cha người mẹ, tôi đoán lúc đó đau lắm, “chín tháng so chín năm gian khó tính khôn lường!”. Âu cũng là một cách sống!

May mắn thay những gia đình có người con hiếu thảo! Việt Nam ta có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”, chỉ khi nào cha mẹ đã về già mới thấy tình mẫu tử, tình phụ tử nó quan trọng đến thế, lúc này có ăn được bao nhiêu mà coi trọng miếng ăn, có đi được đến đâu mà bảo đi cho khuây khỏa. Khi trái gió trở trời chỉ mong có người bên mình, vừa có lúc cần cậy nhờ, đồng thời có chỗ để mở lòng tâm sự.

Mạnh Tử ngày xưa viết: “Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã…” (Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên hủy hoại, là hiếu trước tiên vậy…), ấy thế mà có nhiều kẻ đã dùng các chất gây nghiện để hủy hoại thân mình.

Khi cha mẹ sinh chúng ra, chúng là những đứa trẻ có làn da hồng hào, người mẹ rút ra từ thân thể những gì tinh túy nhất để nuôi con khôn lớn. Khi đó ai gặp cũng khen: “Trộm vía, thằng bé kháu khỉnh quá, sau này cha mẹ được nhờ”; nhưng rồi biển dâu biến đổi, lớn lên chẳng chịu học hành, chẳng chịu tu thân, cuối cùng bước vào con đường nghiện ngập, gây tội ác để phải bước chân vô tù. Ai là người xót xa nhất, đau đớn nhất? Đó chính là cha là mẹ.

Để kết thúc bài viết này, tôi vẫn muốn tất cả chúng ta hãy cùng hát lên bài “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý: 

Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi

Thoáng thấy đó hình như bóng dáng bao người

Đang vươn lên đấu tranh ngày càng lớn ngày càng tiến

Bước càng nhanh, mừng con biết đi rồi

Đi trên con đường mới

Mẹ ngắm con cười…

Ngày 28/3/2019