Cảnh giác bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân

ANTĐ - Bước vào mùa đông xuân được coi là thời điểm có nguy cơ gia tăng một số bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, thủy đậu, cúm… nhất là đối với trẻ em. Năm nay hầu hết số ca bệnh đều giảm so với cùng thời điểm năm ngoái, chưa có dấu hiệu dịch bệnh nhưng đã lác đác xuất hiện những ca bệnh truyền nhiễm, vì vậy rất cần đề phòng khả năng bệnh lây lan. 

Cảnh giác bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông Xuân ảnh 1

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến ngày 15-2, bệnh viện đã ghi nhận 10 ca thủy đậu, 9 ho gà, 4 quai bị, 1 ca sởi, 12 ca sốt xuất huyết, 70 trường hợp mắc hội chứng cúm… So với cùng thời điểm năm ngoái, đa phần số ca bệnh giảm, chẳng hạn như thủy đậu cùng kỳ năm ngoái ghi nhận 22 ca bệnh. Riêng sởi năm nay tỷ lệ mắc giảm rõ rệt, tháng 1-2015 đã có tới 21 ca bệnh trong khi thời điểm này bệnh viện mới ghi nhận 1 ca. TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Đến thời điểm này các bệnh truyền nhiễm vẫn rải rác, chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Nguyên nhân là do sau dịch sởi bùng phát năm 2014, các bậc phụ huynh đã có ý thức đưa con đi tiêm phòng đầy đủ”.

Tương tự, tại nhiều bệnh viện khác như Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng rải rác có những bệnh nhân thủy đậu, zona thần kinh (căn bệnh thứ phát ở nhóm bệnh nhân từng mắc thủy đậu) đến khám. Đặc biệt tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, bên cạnh bệnh nhân thủy đậu gia tăng so với thời điểm trước Tết thì cũng ghi nhận nhiều ca bệnh quai bị. Riêng trong tháng 1-2016 đã có khoảng 30 bệnh nhân quai bị vào viện khám, tăng đột biến so với cùng kỳ các năm, trong đó rất nhiều bệnh nhân là người lớn. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp và xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân nên nguy cơ bệnh lan rộng trong cộng đồng là rất lớn.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, dù các bệnh truyền nhiễm chưa có dấu hiệu gia tăng đột biến, nhưng đây là thời điểm rất dễ lây lan, vì vậy người dân cần đặc biệt nâng cao ý thức phòng tránh. Đối với trẻ em, cách tốt nhất là tiêm phòng vaccine và tiêm nhắc lại đúng lịch. Khi trẻ có các dấu hiệu như sốt, đau họng, phát ban hay các dấu hiệu lạ khác cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và hướng dẫn cách điều trị kịp thời. Cũng không nên sốt sắng đưa trẻ đến các cơ sở y tế tuyến trên, tránh gây quá tải và gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện y tế tuyến cơ sở đã hoàn toàn có khả năng khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm.

Về vấn đề tiêm phòng vaccine, hiện vaccine kết hợp ngừa sởi - quai bị - rubbella được tiêm cho trẻ đủ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên trong tình hình bệnh có nguy cơ lây lan, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh không nên chờ đến khi trẻ đủ 12 tháng tuổi mới tiêm mũi kết hợp mà cần tiêm sởi đơn khi trẻ đủ 9 tháng tuổi. Tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đạt được 85%. Khi tiêm mũi 2 lúc trẻ đủ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ tăng lên 95-99%.

Tiêm mũi 2 không chỉ củng cố miễn dịch của người được tiêm mà còn giúp nâng tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Thực tế mùa dịch những năm trước cho thấy, rất nhiều trẻ bị mắc sởi trước khi đợi tiêm mũi vaccine “3 trong 1”. Trong số 39 ca mắc sởi tại Hà Nội năm ngoái, trẻ nhỏ nhất là 3 tháng tuổi, 74% ca bệnh không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ. Tương tự, phụ huynh cũng cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine thủy đậu, cúm… Phòng tránh muỗi đốt để tránh mắc bệnh sốt xuất huyết. Ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường sống để tránh các bệnh lây nhiễm. Đồng thời phải ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng.