Cảnh báo những sai lầm tai hại thường gặp trong mùa cao điểm sốt xuất huyết

ANTD.VN - Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). Theo các chuyên gia, thời điểm này, dịch SXH đã “vào mùa”, song do số mắc chưa tăng vọt nên nhiều người còn chủ quan, hoặc nhận thức sai lầm trong phòng, điều trị bệnh…

Bệnh nhân mắc SXH đang gia tăng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc

Chỉ số nguy cơ gây dịch đang tăng

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, ở tuần gần đây nhất (từ 10-6 đến 16-6), số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố đã tăng đến hàng chục ca so với tuần liền trước đó.

Tổng số ca mắc mà toàn thành phố ghi nhận từ đầu năm đến nay là 548 trường hợp, tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tính trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đã ghi nhận hơn 67.000 ca mắc SXH, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018, trong đó có 3 trường hợp tử vong.

Với những diễn biến trên, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Đáng chú ý, kết quả giám sát vật trung gian truyền bệnh SXH tại một số khu vực trọng điểm trên địa bàn Hà Nội những năm qua như: Phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); phường Trung Tự và phường Phương Liên (quận Đống Đa); phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai); xã Tân Triều (huyện Thanh Trì)… cho thấy, đã có sự gia tăng về chỉ số nguy cơ gây dịch bệnh thời gian gần đây.

Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn rất chủ quan với bệnh dịch này, thậm chí nhiều hộ dân còn chống đối, không hợp tác với cơ quan chuyên môn tiến hành phun thuốc, hóa chất diệt muỗi phòng SXH.

Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã vận động, yêu cầu các hộ gia đình hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống dịch, cương quyết xử lý những trường hợp chống đối.

Những hiểu nhầm “chết người”

Ngoài một bộ phận người dân chủ quan với dịch SXH thì rất nhiều người dân khác vẫn có những nhận thức không đúng về bệnh này, dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Đặc biệt, một số người mắc SXH nhưng tự ý điều trị ở nhà, điều trị theo phương pháp phản khoa học, dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.

Phun hóa chất diệt muỗi SXH chỉ có tác dụng trong một thời điểm nhất định

Từ thực tiễn khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, ThS. BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ ra một số hiểu nhầm tai hại thường gặp ở nhiều người dân trong phòng chống, điều trị SXH như sau:

Thứ nhất, rất nhiều người nghĩ rằng với SXH thì bị một lần rồi sẽ không mắc lại nữa. Thực tế, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus này thì vẫn có thể bị mắc lại chủng virus khác và thậm chí lần mắc sau còn nặng hơn lần trước.

Thứ hai, nhiều người bệnh mắc SXH, qua điều trị đã giảm sốt hoặc hết sốt thì lập tức dừng điều trị vì nghĩ giảm sốt là hết bệnh.

Thực tế, thường trong 3 ngày đầu tiên, người bệnh SXH sẽ sốt cao, từ ngày thứ tư trở đi thì giảm sốt, tuy nhiên đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh vì giai đoạn này người bệnh có thể có những biến chứng nặng. 

Thứ ba, nhiều người bệnh khi bị SXH tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống, phổ biến nhất là uống 2 loại thuốc Aspirin và ibuprofen.

Thực tế, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh SXH trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

Lý do vi bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu, trong khi đó thuốc aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Hơn nữa, Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Thứ tư, vẫn có những người hiểu nhầm rằng tiếp xúc với người bị SXH sẽ lây bệnh. Thực tế, SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. 

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều người dân cho rằng chỉ cần phun thuốc muỗi một lần là yên tâm không lo mắc bệnh.

Thực tế, sau khi phun thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Khoảng một vài ngày sau, những đàn muỗi ở khu vực xung quanh nếu chưa bị tiêu diệt vẫn có thể bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người....