Cảnh báo những khóa học hè chưa được kiểm nghiệm

ANTD.VN - “Nguy cơ từ những khóa học kỹ năng chưa được kiểm nghiệm, đánh giá từ các cơ quan chuyên ngành đối với học sinh trong dịp hè khó có thể kiểm soát. Đôi khi phụ huynh sẽ rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” nếu không biết cách lựa chọn cho con những lớp học phù hợp” - PGS. Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục (Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh.

Cảnh báo những khóa học hè chưa được kiểm nghiệm ảnh 1

- PV: Học sinh cả nước bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè. Cũng là phụ huynh, chị có chung nỗi lo với các bậc phụ huynh nói chung khi không biết phải “giải quyết” kỳ nghỉ của các con như thế nào hay không?

- PGS Chu Cẩm Thơ: Hiện có muôn vàn những lý do khiến phụ huynh đau đầu tìm hướng “giải quyết” kỳ nghỉ  3 tháng hè của con mình. Ti vi, game, mạng xã hội… là một trong những mối đe dọa mà phụ huynh nào cũng đặc biệt muốn tránh khi bản thân không có thời gian trông nom con. Gửi con đến các khóa học hè là giải pháp đơn giản nhất, nhưng liệu có phải là tốt nhất? Có 2 con học phổ thông, tôi cũng từng suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều về việc này và rất thông cảm với các bậc phụ huynh. Thường là đa số phụ huynh có con đi học đều muốn tìm kiếm những lớp kỹ năng, lớp học văn hóa để yên tâm gửi con trong giai đoạn nghỉ hè.

- Vậy theo chị, các phụ huynh thường mắc lỗi gì khi chọn cho con cách nghỉ hè theo chủ quan của họ?

- Điều mà tôi lo lắng là thông thường phụ huynh sẽ lựa chọn các khóa học cho con bằng cách nghe theo bạn bè hay đọc thông tin, tìm hiểu qua mạng… Cứ khóa học nào được phản hồi tốt, thông tin được phổ rộng trên truyền thông thì họ sẽ chọn lựa ngay thay vì tìm hiểu trực tiếp. Phụ huynh còn khá dễ dãi khi thấy nhà trường hay nhóm phụ huynh đưa ra các khóa học hè và không cần tìm hiểu đã đăng ký ngay. Một hiện tượng khá phổ biến nữa là phụ huynh thường tìm đến khóa học theo nhu cầu  của bố mẹ chứ không phải dựa theo mong muốn của con cái. Họ suy nghĩ chủ quan rằng, các khóa học kỳ quân đội, các trung tâm kỹ năng, trại hè quốc tế hay các khóa tu thiền là rất tốt.

- Theo chị, cần cảnh báo gì cho phụ huynh trước vô vàn các khóa học hè cho trẻ đang được chào mời trong dịp này?

- Về nguyên tắc, tất cả chương trình giáo dục kỹ năng ngắn hạn hay dài hạn đều phải thực hiện theo một quy trình đầy đủ gồm thực nghiệm, đánh giá tác động. Hiện có rất nhiều chương trình đang hoạt động nhưng lại chưa kiểm nghiệm. Theo tôi, điều đầu tiên cần cảnh báo phụ huynh chính là vấn đề này. 

Trước khi quyết định chọn cho con một khóa học hè thì điều đầu tiên cần phải hỏi là chương trình này đã được kiểm nghiệm hay chưa? “Hãy cho tôi biết những con số, những đánh giá mà các đơn vị kiểm nghiệm đã thực hiện đối với chương trình này” - phụ huynh cần phải đặt vấn đề này ra với các đơn vị tổ chức mọi khóa học ngoài nhà trường. 

- Chị có nghĩ rằng, cứ nghỉ hè thì phải tìm khóa học thêm để tránh các hiện tượng sinh hoạt không lành mạnh cho học sinh hay không?

- Kỳ nghỉ đệm thường sẽ không tập trung vào bổ sung kiến thức mà thiên về bổ sung, rèn luyện thói quen, nề nếp, mở mang kết nối với bên ngoài. Có 2 hướng mà các bậc phụ huynh có thể áp dụng cho con gồm: tìm khóa học ngoài nhà trường như trải nghiệm, trại hè trao đổi học sinh, khóa học bơi, kỹ năng sống… và hướng thứ 2 là giáo dục tại gia đình. Về kinh nghiệm cá nhân, tôi quan tâm đến giáo dục gia đình. Vì vậy tôi luôn tự tổ chức các hoạt động giáo dục trong kỳ nghỉ của con, tập trung vào rèn luyện các kỹ năng sống như tự lập, kỷ luật.

Cảnh báo những khóa học hè chưa được kiểm nghiệm ảnh 2Các hoạt động trong kỳ nghỉ hè cần tập trung rèn luyện các kỹ năng sống như tự lập, kỷ luật

- Chị có thể chia sẻ cách tổ chức giáo dục con của bản thân vào các kỳ nghỉ hè?

- Như tôi đã nói, tôi lựa chọn hình thức tự tổ chức các hoạt động gia đình cho các con tôi trong mỗi dịp nghỉ hè hay nghỉ đông. Tùy theo từng giai đoạn của con mà tôi tìm ra những đề tài phù hợp để rèn theo lộ trình. Ví dụ như giai đoạn 6-10 tuổi, tôi tập trung vào 3 vấn đề: nề nếp sinh hoạt gia đình, kỹ năng nấu nướng, những kỹ năng tự phục vụ bản thân. Khi lên giai đoạn lớn hơn thì tập đi chợ, lên thực đơn bữa ăn gia đình. Ngoài ra không thể thiếu là thời gian dành cho các khóa học nghệ thuật.

Tuy rằng con vẫn duy trì trong năm học nhưng vào hè sẽ tập trung nhiều buổi hơn và làm quen với nhiều loại hình. Thêm một hoạt động giáo dục gia đình mà tôi đã thực hiện thành công với con tôi là những buổi đọc sách chung. Khi cả nhà cùng đọc và thảo luận về một cuốn sách thì các bậc phụ huynh sẽ nghe được rất nhiều suy nghĩ, chính kiến của con mình. Các con cũng biết cách phân tích, trình bày ý tưởng và quan trọng là biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác thay vì chỉ muốn người khác nghe mình và bỏ ngoài tai lời khuyên của người lớn.

- Trái ngược với ý kiến cần đảm bảo đủ 3 tháng nghỉ hè cho học sinh, hiện nhiều người cho rằng kỳ nghỉ kéo dài này đã không còn phù hợp, gây khó khăn cho phụ huynh và cũng chưa phải hoàn toàn tốt cho học sinh. Vậy đâu là điều cần làm cho các con?

- Hiện nay việc bố trí kỳ nghỉ cho học sinh ở các nước trên thế giới đang theo xu hướng chia làm nhiều kỳ nghỉ xen kẽ nhau trong một năm. Tại Việt Nam, một số trường tư thục cũng đang cơ cấu theo hướng co ngắn kỳ nghỉ hè và bố trí kỳ nghỉ đông vào dịp Tết dài hơn. Tôi cho rằng điều này phù hợp với những yêu cầu mới trong giáo dục.

Vai trò của kỳ nghỉ trong năm học của học sinh là nhằm tạo bước đệm cho một chu kỳ mới. Học sinh cần thiết có kỳ nghỉ này, nhưng nếu kéo quá dài như quy định nghỉ đủ 3 tháng hè thì cũng chưa hoàn toàn phù hợp. Nghỉ lâu quá, học sinh sẽ rơi rớt kiến thức, đồng thời các gia đình cũng sẽ khó khăn trong quản lý con, chi phí cho các khóa học hè cũng không hề nhỏ. Tôi nghĩ rằng ngành giáo dục cũng nên có những đánh giá nghiêm túc, khoa học về việc bố trí kỳ nghỉ sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh nói riêng, xu hướng xã hội nói chung.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!

Đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh, Hà Nội yêu cầu không ôn tập văn hóa trước 1-8

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã công bố kế hoạch nghỉ hè cho học sinh toàn thành phố. Theo đó, các trường học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố chỉ được tổ chức ôn tập văn hóa cho học sinh sau ngày 1-8-2019 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Cũng theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các đơn vị không được tổ chức dạy trước chương trình; không được tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2019-2020. Các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương; triển khai “Tháng hành động vì trẻ em năm 2019”, trong đó tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), nhằm phát hiện và hỗ trợ kịp thời các trường hợp trẻ em có nguy cơ mất an toàn.