Cảnh báo nguy cơ "chết đuối trên cạn"

ANTD.VN - Sự việc một cậu bé chết đuối sau 1 tuần đi bơi một lần nữa dấy lên cảnh báo về hiện tượng “chết đuối trên cạn” - một hiện tượng tuy hiếm nhưng có thể xảy ra với bất kỳ ai.

Theo y khoa, “chết đuối trên cạn” là một bệnh lý tương đối hiếm, chỉ chiếm 1-2% các ca chết đuối nhưng lại có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đáng nói, “chết đuối trên cạn” thường bị bỏ qua, cộng với việc thiếu kỹ năng sơ cứu kịp thời khiến nạn nhân dễ tử vong. 

Cảnh báo nguy cơ "chết đuối trên cạn" ảnh 1Cần cho trẻ học bơi và các lớp học về an toàn dưới nước

Lên bờ rồi vẫn… chết đuối

Theo báo chí thế giới đưa tin, một cậu bé 4 tuổi tại Mỹ sau khi cùng gia đình đi bơi đã cảm thấy đau bụng khi lên bờ. Hơn một tuần sau, cậu bé bắt đầu nôn mửa và bị tiêu chảy nhẹ, sau đó đau đầu và đau vai. Những cơn đau tăng dần và cậu bé nhanh chóng tử vong trong sự bàng hoàng của cha mẹ và người thân. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết cậu bé bị “chết đuối trên cạn”, phổi của cậu bé đầy nước. 

Trước đó, hồi năm ngoái, một cậu bé khác 10 tuổi sinh sống tại Mỹ, sau khi đi bơi về thấy mệt mỏi, đã nói với mẹ song mẹ cậu cũng không để ý. Sau giấc ngủ, người mẹ đã hoảng hốt khi vào đánh thức con thì thấy bọt trắng đầy mặt và con đang rất khó thở. Bà liền đưa con đi bệnh viện nhưng cậu bé đã tử vong.

Hay ngay tại Việt Nam, mùa hè năm ngoái, trong vụ đuối nước khiến 9 học sinh tử vong trên sông Trà Khúc ở Quảng Nam, khi được vớt lên bờ có một em vẫn còn thở nhẹ. Tuy nhiên do không ai biết cách sơ cứu đã dẫn đến em tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Đây là những trường hợp “chết đuối trên cạn”, mà y văn thế giới chia làm 2 loại: “chết đuối khô” (dry drowning) và “chết đuối thứ cấp” (second drowning).

Trong đó, theo TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương thì “dry drowning” là tình trạng khi nạn nhân hít vào đường thở dù chỉ một lượng nhỏ nước sẽ kích thích gây co thắt khí phế quản. Lượng nước này không đủ nhiều để chạm tới phổi nhưng khiến cho dây thanh quản bị co thắt và thít chặt lại, dẫn đến không khí tới phổi bị chặn lại. Từ đó. bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu về hô hấp và có thể xảy ra muộn trong vòng vài giờ sau khi đã được cứu sống và lên bờ.

Trong khi đó, “second drowning” là những biến chứng muộn hơn sau khi bị đuối nước. Nguyên nhân do nước đi vào phổi gây tổn thương phổi, cụ thể là gây phù phổi do tổn thương các chất Sulfactan ở phế nang. Tình trạng này có thể xảy ra muộn sau khi bơi lội vài giờ hoặc vài ngày.

Không chủ quan khi trẻ có biểu hiện mệt mỏi sau bơi

Đáng sợ là hiện tượng “chết đuối trên cạn” thường bị người lớn bỏ qua các dấu hiệu, đa số mọi người chỉ quan tâm khi trẻ ở dưới nước, còn khi đã lên bờ an toàn không ai nghĩ đến việc trẻ vẫn có thể bị chết đuối. Trong khi việc “chết đuối trên cạn” có thể xảy ra hàng giờ, thậm chí hàng tuần như trường hợp nêu trên, và có thể xảy ra ngay trong giấc ngủ của trẻ.

Về những dấu hiệu nhận biết “chết đuối trên cạn”, TS.BS Tạ Anh Tuấn lưu ý các cha mẹ cần chú ý nếu sau khi bơi thấy trẻ có một trong những biểu hiện như: Mệt mỏi quá sức sau khi bơi, ăn kém; ho, khó thở, đau ngực; trẻ đột ngột thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi (cáu gắt, hung hăng…) mà không rõ nguyên nhân.

Gặp những biểu hiện này, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Ngay cả khi đã cấp cứu nạn nhân tỉnh lại nhưng có thể các cơ quan khác vẫn bị tổn thương, mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian bị thiếu ôxy và cả kỹ năng cấp cứu. Bên cạnh đó có thể có biến chứng tổn thương phổi như viêm phổi, ARDS... hoặc biến chứng tổn thương do thủ thuật cấp cứu ngừng tim không đúng cách.

Ngoài ra, nếu hiện tượng đuối nước xảy ra ở các ao hồ với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, bệnh nhân còn thêm nguy cơ bị nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng phổi, tổn thương phổi… Bởi phản xạ đầu tiên của người đuối nước luôn là hít vào nên các chất bẩn cũng đi theo vào cơ thể.

Phòng tránh chết đuối nói chung và “chết đuối trên cạn” nói riêng, lưu ý:

- Luôn theo dõi khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm...

- Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ. 

- Không để con bơi hoặc một mình gần khu vực có nước.

- Cho trẻ học bơi và các lớp học về an toàn dưới nước.

- Phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần trang bị những kỹ năng về hồi sức tim phổi, sơ cứu khi gặp người đuối nước.

- Lưu ý những biểu hiện khác lạ của con sau khi bơi.