Cảnh báo: Có thể bị nổi mẩn khắp người khi tắm biển Đà Nẵng

ANTD.VN - Gia đình anh Hữu (Hà Nội) xuống tắm biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, lập tức thấy ngứa ngáy, cảm giác nhôn nhốt quanh người. Được một lát mọi người không thích nữa, bỏ về khách sạn. Lúc này thì cả 4 người đều đã bị nổi những mẩn đỏ khắp nơi.

Gia đình anh Hữu vừa quay lại Hà Nội, sau kỳ nghỉ hè tại Đà Nẵng. Dù rất vui vì có khoảng thời gian thư giãn cùng nhau ở thành phố biển tươi đẹp- mến khách, song kỳ nghỉ của gia đình anh không hẳn đã trọn vẹn, bởi sự cố bị nổi mẩn sau khi đi tắm ở bãi biển Mỹ Khê.

Cảnh báo: Có thể bị nổi mẩn khắp người khi tắm biển Đà Nẵng ảnh 1

Bãi biển Đà Nẵng trải dài, có độ thoải rất phù hợp để tắm, song du khách cần để ý mùa (thời điểm) sứa dạt bờ để phòng tránh

Anh Hữu kể: Sau vài ngày lưu trú tại Hội An, tắm biển An Bàng và Cửa Đại bình thường, không xảy ra vấn đề gì, chúng tôi quay lên Đà Nẵng thăm thú. Chiều 28-6, cả nhà xuống tắm ở bãi biển Mỹ Khê.

Vừa xuống thì con gái tôi đã kêu ngứa, mặc dù cháu mặc áo bơi kín người. Sau đó cháu thò tay vào trong áo gãi. Tôi cũng thấy nhôn nhốt quanh người, nhưng nghĩ rằng do da trẻ con nhạy cảm nên động viên cháu tắm tiếp. Được khoảng 20 phút thì cả nhà 4 người đều thấy khó chịu, nên bỏ về khách sạn. Lúc này thì đã bị nổi mẩn khắp nơi, nhất là 2 đứa trẻ. Hai vợ chồng tôi cũng bị nhưng ít hơn.

Qua một đêm, ngày hôm sau các vết mẩn đỏ còn nổi lên dày đặc hơn, phần cũng do trẻ con ngứa, gãi nên loang ra. Chúng tôi đã mua thuốc tại Đà Nẵng, vừa bôi- vừa uống. Đến nay về Hà Nội, tính ra đã cả tuần, mà những vết mẩn mới chỉ se se lại.

Con gái anh Hữu bị mẩn đỏ khắp người sau khi tắm biển 

"Hôm ở Đà Nẵng, tôi có nói chuyện với người dân ở đấy, thì họ nói mùa này gió nam và sau các trận mưa giông thì bãi biển thường có nhiều sứa lửa dạt vào, gây ngứa, đặc biệt là vào buổi chiều. Dân địa phương đi tắm buổi sáng, an toàn hơn. Nhiều khách du lịch ở cùng khách sạn với tôi cũng kêu ngứa sau khi tắm biển. Cũng có người lại bảo do các cửa cống xả nước thải sinh hoạt trộn với nước mưa, gây ảnh hưởng nước biển"- chị Huyền, vợ anh Hữu, kể thêm.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng cần tìm hiểu nguyên nhân, có biện pháp phòng chống việc này, đảm bảo cho người dân, du khách trong mùa du lịch cao điểm.

Xử lý khi bị sứa đốt: Lập tức quay trở lên bờ. Chỗ bị sứa đốt thường sưng đỏ, có cảm giác nóng xung quanh, trường hợp nhẹ không đáng ngại nhưng nếu nặng sẽ có những triệu chứng nhức đầu, co thắt cơ bắp. Do đó cần sớm rửa vết thương bằng nước biển để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt, chú ý rằng không được rửa bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì sẽ làm tổn thương nặng hơn. Loại bỏ các xúc tu hay phần cơ thể của vật cắn. Đến các trung tâm y tế để được chăm sóc. Trường hợp bị nhẹ có thể mua các loại thuốc uống- thuốc bôi ngoài da chống ngứa để điều trị.