Căng thẳng khi mang thai dẫn đến tỷ lệ sinh con gái cao hơn

ANTD.VN - Các nhà khoa học Mỹ mới đây đã phát hiện ra rằng, sự căng thẳng khi đang mang thai dẫn đến tỷ lệ sinh con gái cao hơn, và mối liên hệ bất ngờ giữa những rắc rối trong chu kỳ kinh nguyệt với cái chết sớm.

Sàng lọc bệnh trầm cảm trở thành yếu tố không thể thiếu trong thực hành tiền sản

Sự cần thiết sàng lọc bệnh trầm cảm

Các phát hiện mới nhất của Đại học Columbia, Mỹ không khẳng định phụ nữ hay lo lắng sẽ ít có khả năng sinh con trai. Bởi con trai dễ bị tổn thương do hormone gây căng thẳng trong bụng mẹ, khiến phụ nữ có thể bị sảy thai.

Theo các nhà khoa học, tử cung là ngôi nhà đầu tiên của trẻ và cần được chăm sóc như đứa trẻ vậy. Các nhà nghiên cứu khác nhận thấy điều này sau những biến động xã hội, chẳng hạn như vụ khủng bố ngày 11-9 ở New York khiến số lượng ca sinh nở giảm mạnh. Sự căng thẳng này ở phụ nữ mang tính chất lâu dài. Thai nhi nam ít có khả năng “sống sót trong điều kiện dưới mức tối ưu” vì nhiều lý do sinh học. Ví dụ, thai nhi nam chậm trưởng thành nên dễ bị tổn thương hơn. Còn thai nhi nữ khỏe mạnh nên dễ tồn tại. Đây là những phát hiện được công bố trên tạp chí của Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ.

Sàng lọc bệnh trầm cảm trở thành yếu tố không thể thiếu trong thực hành tiền sản. Sự tăng cường hỗ trợ từ xã hội có thể can thiệp lâm sàng một cách hiệu quả. Nghiên cứu cũng chỉ ra các phụ nữ gặp vấn đề về thể chất dễ bị sinh non hơn. Tuy nhiên, những bà mẹ bị căng thẳng về tâm lý có khả năng gặp nhiều biến chứng khi sinh hơn so với người khỏe mạnh hoặc bị căng thẳng về thể chất.

Chu kỳ kinh nguyệt không đều: Nguy cơ chết sớm tăng 34%

Mới đây, nhóm nghiên cứu từ Đại học Harvard cảnh báo rằng chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc quá dài có thể làm tăng nguy cơ chết sớm lên tới 34%. Kết quả này đến từ cuộc nghiên cứu kéo dài 18 năm trên 93.000 tình nguyện viên. Người tham gia được yêu cầu ghi lại chi tiết chu kỳ kinh nguyệt vào các thời điểm 14-17, 18-22, 28-48 tuổi. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ khác như BMI, chủng tộc, hoạt động thể chất, lối sống… cũng được xem xét.

Sau thời gian theo dõi trung bình 18 năm, có 1.679 người đã chết. Đáng lo nhất là nhóm gặp chu kỳ kinh nguyệt không đều vào tuổi 18-22, họ có nguy cơ chết sớm do mọi nguyên nhân cao hơn đến 34% so với nhóm có chu kỳ bình thường. Ở tuổi 14-17, nguy cơ là 21%. Nguy cơ cũng tăng nếu rắc rối xảy ra trong giai đoạn 28-48 tuổi, nhưng nghiên cứu chưa đưa ra con số cụ thể. Với chu kỳ quá dài so với mức 28 ngày, nguy cơ chết sớm tăng 13% nếu nó dài 32-39 ngày và tăng 28% nếu dài 40 ngày trở lên.

Các nhà khoa học chưa giải thích được cơ chế chính xác khiến chu kỳ kinh nguyệt liên quan mật thiết đến cái chết sớm như vậy. Nhưng họ tin rằng hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể có vai trò nhất định, bởi hội chứng này vừa gây ra kinh nguyệt không đều, vừa làm tăng nguy cơ bệnh tim và tiểu đường type 2.