Cần xử lý nghiêm vụ tuyển dụng thừa hơn 500 giáo viên hợp đồng ở Đắk Lắk

ANTD.VN -Câu chuyện hơn 500 giáo viên được lãnh đạo huyện ký hợp đồng dư thừa qua các đời chủ tịch huyện xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) rộ lên những ngày qua như giọt nước tràn ly. Bởi sau nhiều năm cố đợi để được vào biên chế như lời hứa hẹn của lãnh đạo huyện thì họ lại nhận được “gáo nước lạnh” là sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Các giáo viên vẫn trông mong chính quyền tỉnh Đắk Lắk sớm có giải pháp hiệu quả.

Trong cơn phản ứng của những thầy cô giáo nhiều vấn đề đã dần lộ bản chất và giải pháp nào cho hàng trăm giáo viên sắp mất việc đang khiến cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đau đầu. Các giáo viên thiệt thòi thì đã rõ thế nhưng những người gây ra hậu quả của việc này thì hình như vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn khiến cho dư luận còn hoài nghi về sự thiếu kiên quyết của tỉnh Đắk Lắk. Vậy đâu là nguyên nhân của việc giáo viên dư thừa và trách nhiệm này thuộc về ai.

Nhận 605 người vượt chỉ tiêu ngoài biên chế

Năm 2016, sau khi nhiều giáo viên liên tục bị nhà trường cắt giảm lương không thể bám trụ với nghề giáo phải bỏ việc tìm đủ thứ nghề từ phụ hồ, thợ sắt… để mưu sinh thì nhiều sai phạm trong công tác tuyển dụng cũng bắt đầu hé lộ. Xung quanh sự việc này và các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng như Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc.

Thế nhưng ngày 9/3 mới là ngày vụ việc này được bùng nổ mạnh mẽ khi UBND huyện Krông Pắk gặp mặt thông báo 208 giáo viên sẽ bị cắt hợp đồng. Những nỗi niềm bức xúc đã được đẩy lên cao trào bởi lúc này các giáo viên hợp đồng hiểu rõ họ không còn cơ hội nếu như không nói lên sự thật những góc khuất phía sau Quyết định hợp đồng tuyển dụng của Chủ tịch huyện ký.

Theo thông báo kết luận giám sát số 1017-TB/TU ngày 15/ 11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Báo cáo thẩm tra số 35-BC-BKTXH ngày 30/12/2016 của Ban Kinh tế-Xã hội, Hội đồng nhân dân huyện Krông Pắk tính đến cuối năm 2016, số hợp đồng giáo viên, nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế tại các cơ sở giáo dục công lập (các bậc Mần non, Tiểu học, THCS) trên địa huyện Krông Pắk vượt so với quy định 605 người.

Cụ thể, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011 – 2016) trong thời kỳ làm chủ tịch huyện đã đặt bút ký Quyết định tuyển dụng thừa trên 400 giáo viên và để xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý. Dù làm sai, ký bừa nhưng ông Kỷ vẫn được điều chuyển lên tỉnh giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 8/2015 sau khi lên ghế Chủ tịch huyện, ông Y Suôn Byă (nhiệm kỳ 2016 – 2021) dù biết rất rõ việc dư thừa giáo viên của nhiệm kỳ trước, nhưng ông Y Suôn vẫn tiếp tục ký các Quyết định tuyển dụng mới 109 giáo viên, nhân viên phân bổ về các trường theo tham mưu của bà H’Yer Knul (vợ ông Y Suôn) quyền phụ trách phòng GD-ĐT huyện từ năm cuối năm 2015 đến 3/2017.

Mặc dù năm 2013, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã có những kết luận về việc ký hợp đồng thừa giáo viên trên địa bàn huyện Krông Pắk gây lãng phí ngân sách, thế nhưng lãnh đạo huyện này vẫn tiếp tục triển khai và cố tình làm sai không chịu khắc phục. Để cho các giáo viên hợp đồng thừa có cơ hội đứng lớp và nhận lương theo thỏa thuận trong hợp đồng được chủ tịch huyện ký duyệt, các trường phải thực hiện biện pháp giãn lớp.

Theo Kết luận Thanh tra số 60/KL-TTr ngày 31/7/2013, của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, đối với phòng Nội vụ, công tác tham mưu cho UBND huyện trong công tác sắp xếp, luân chuyển, bố trí giáo viên các trường học chưa tốt, để một số trường có môn thừa giáo viên không đủ tiết dạy nhưng vẫn phải trả đủ lương, trong khi đó có môn lại thiếu giáo viên và phải hợp đồng thêm ngoài biên chế để dạy và phải dùng tiền chi khác để trả lương gây lãng phí cho ngân sách.

Trong công tác tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng trong biên chế cho các trường còn thiếu biên chế thiếu kiểm tra dẫn đến 1 số trường ký hợp đồng thừa so với biên chế được giao. Nhiều trường không sắp xếp, bố trí giáo viên trong biên chế dạy đủ tiết theo quy định, ký hợp đồng trong biên chế, hợp đồng ngắn hạn một số giáo viên thừa theo nhu cầu thực tế và theo biên chế được giao, sử dụng kinh phí khác chi trả cho giáo viên hợp đồng thừa là không đúng quy định, gây lãng phí ngân sách. Trách nhiệm của việc thừa giáo viên thuộc về Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Nội vụ và Hiệu trưởng các trường.

Xử lý kiểu “ném đá ao bèo”

Trước nhứng sai phạm của lãnh đạo UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đã họp và có Thông báo kết luận số 609-TB/HU ngày 25/11/2016 giới thiệu kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân về những khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và một số hạn chế khuyết điểm chưa được khắc phục. Trong đó Ban Thường vụ Huyện ủy giới thiệu kiểm điểm 2 cá nhân, giao Đảng ủy cơ quan chính quyền giới thiệu kiểm điểm 2 tập thể.

Theo hiệu trưởng của một số trường học trên địa bàn huyện Krông Pắk chia sẻ, phần lớn số giáo viên hợp đồng thừa ngoài chỉ tiêu, biên chế, hợp đồng ngắn hạn này đều do Phòng GD-ĐT nhận hồ sơ rồi chuyển sang cho UBND huyện ra Quyết định và ép các trường phải nhận vào. Còn việc Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho UBND huyện giới thiệu kiểm điểm Ban Giám hiệu một số trường Mần non, Tiểu học, THCS liên quan đến công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng biên chế ngành giáo dục để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài chưa khắc phục, theo cán bộ quản lý giáo dục ở nhiều trường chưa thỏa đáng, không thể bắt “quýt làm cam chịu”.

Theo một lãnh đạo huyện Krông Pắk, cho biết, trách nhiệm chính trong việc ký hợp đồng tràn lan thuộc về ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2020). Do đó, UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã đề nghị kiểm điểm nhiều cá nhân, tổ chức. Việc tham mưu UBND huyện hợp đồng giáo viên, bổ nhiệm thừa cán bộ lãnh đạo trường học có trách nhiệm của Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ huyện Krông Pắk vì đây 2 đơn vị tham mưu cho UBND huyện.

Tuy nhiên việc xử lý kỷ luật đến nay của cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk chưa làm thỏa lòng mong đợi của dư luận mà chỉ giống như “ném đá ao bèo”. Cụ thể sau khi gây ra một loạt hậu quả, ông Kỷ được điều về làm Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy và chỉ bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk ra Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Nguyên nhân ông Kỷ bị kỷ luật là từ năm 2011- 2015, khi ông Kỷ đang giữ chức Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk đã để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm hiệu trưởng một số trường không đúng nguyên tắc, tuyển giáo viên sai quy định; lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản…

Với hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Krông Pắk dưới thời ông Kỷ làm chủ tịch, đến nay có vấn đề đã được Huyện ủy, HĐND huyện nhiệm kỳ mới chỉ đạo giải quyết. Nhưng cũng có những hậu quả chưa khắc phục được như hàng trăm giáo viên, hàng chục cán bộ quản lý chưa bố trí, sắp xếp được…

Ngoài các sai phạm trên, ông Nguyễn Sỹ Kỷ cũng không trung thực, gương mẫu trong việc kiểm điểm cán bộ, đảng viên... Nhưng cho rằng mức kỷ luật cảnh cáo là quá nặng, ông Kỷ đã làm đơn khiếu nại, hiện Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đang lập tổ công tác để giải quyết đến nay chưa có kết quả chính thức.

Đối với ông Y Suôn Byă về việc ký hợp đồng hàng trăm giáo viên sai quy định đã được chỉ rõ trong các kết luận thanh, kiểm tra nhưng đến nay, tỉnh Đắk Lắk chưa đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Y Suôn Byă.

Ông Phan Xuân Lĩnh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đang kiểm tra, làm rõ các sai phạm đối với ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Quan điểm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy là xử lý nghiêm sai phạm.

Liên quan tới sự việc này, trước đó ngày 12/1/2018, Thanh tra Chính phủ có thông báo Kết luận số 65, về việc thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo tại Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk và chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) nhiệm kì (2015-2020) vì tuyển dụng dư hơn 600 giáo viên.

Theo đó, thông báo yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắk, để xảy ra trong thời gian dài, không kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án xử lý. Kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk nhiệm kì 2015- 2020 do tiếp tục kí hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh.

Vẫn tìm giải pháp

Để giải quyết tình trạng thừa giáo viên hợp đồng của huyện do các đời chủ tịch ký nhận, ngày 9/3 UBND huyện Krông Pắk đã tổ chức gặp mặt và thông báo việc chấm dứt hợp đồng đối với 208 giáo viên theo công văn 323 của UBND huyện ban hành hôm 6/3. Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc UBND huyện ban hành công văn 323 là thực hiện theo đề án đã được Sở Nội vụ thẩm định.

Theo đó, trong số 578 giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện thì có 208 giáo viên không có trong vị trí xét tuyển nên buộc phải chấm dứt hợp đồng. Số lượng 370 giáo viên còn lại sẽ được thi tuyển để lấy 83 chỉ tiêu vào cuối tháng 3. Như vậy, ngoài 208 giáo viên không có vị trí xét tuyển, sau đợt thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2017, thì sẽ có thêm 287 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng do không có chỉ tiêu, tức có tổng cộng 495 giáo viên phải chấm dứt hợp đồng trong thời gian tới. Sau khi thông báo, hàng trăm giáo viên đã kéo lên UBND huyện phản ứng.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các ngành chức năng và Huyện ủy Krông Pắk đã phải họp kín cả ngày Chủ nhật (11/3) để tìm giải pháp. Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh đã ký công văn yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên.

Tuy nhiên phương án cụ thể như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên thì vẫn chưa cụ thể. Trước đó một số phương án đã được bàn đến như: Một là tổ chức thi tuyển trong nội bộ số này. Hai là thi tuyển rộng rãi (để lấy 84 người vào biên chế). Ba là giữ nguyên tất cả rồi lắp dần vào những biên chế nghỉ hưu.

Tuy nhiên trước tình hình hiện tại, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Krôg Pắk sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các hợp đồng, tính toán xét tuyển từ nay đến năm 2021 để thay thế vào vị trí những giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra, huyện vẫn tính toán nhiều phương án khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các giáo viên. Theo nhiều giáo viên thì dù sao động tĩnh của tỉnh cũng đã giúp cho người lao động đặt thêm niềm hi vọng vào chính quyền các cấp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đang phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, khắc phục sự việc nêu trên. Cụ thể, Sở đang phối hợp với các cấp chính quyền; các sở, ban, ngành để giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng của giáo viên hợp đồng và đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn số giáo viên hợp đồng nói trên đăng ký tham gia tuyển dụng viên chức ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có tổ chức tuyển dụng.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Lắk cho biết Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản cáo cáo về vụ việc ở địa phương và đề nghị Bộ GD-ĐT có đề xuất với Chính phủ thống nhất lại việc tuyển dụng giáo viên, có cơ chế giao cho Phòng GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố về việc tuyển dụng, luân chuyển giáo viên trong ngành, để tránh những bất cập về việc thừa-thiếu giáo viên như hiện nay.

Cũng theo ông Khoa, việc phân cấp quản lý, tuyển dụng nhân sự cho ngành giáo dục hiện nay đang có nhiều bất cập, nếu không giải quyết thì tình trạng này sẽ còn kéo dài. Cụ thể, ngày 24/12/2010, Chính phủ ban hành Nghị định 115 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó quy định rõ ở cấp huyện, Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm tham mưu việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển, giáng chức… viên chức giáo dục.

Tuy nhiên đến năm 2014, Chính phủ lại có Nghị định số 37 quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó quy định Phòng Nội vụ tham mưu, giúp UBND huyện việc cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập… Phòng Nội vụ chỉ nắm trường này thiếu bao nhiêu chỉ tiêu nhưng không nắm cụ thể thiếu ở những môn gì, dẫn đến việc thiếu giáo viên môn này, nhưng lại đưa giáo viên môn khác về.

Chuyện 500 giáo viên dư thừa ở Đắk Lắk đang khiến cho dư luận lo lắng, bởi nếu không được sắp xếp bố trí thì các giáo viên cũng đi vào ngõ cụt và phải nghỉ việc. Cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hơn nữa công tác thanh kiểm tra, có kết luận chính thức và xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan trong thời gian sớm nhất.