Cẩn trọng với ngộ độc thực phẩm sau tiệc đầu xuân

ANTD.VN - Chỉ trong tuần này đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể nghiêm trọng: Đó là vụ gần 50 người ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trúng độc và 16 người ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cấp cứu vì ngộ độc đều sau bữa liên hoan đầu năm.

Điểm chung của hai vụ việc trên là ngay sau bữa ăn được gia chủ mời, các thực khách đều có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn và phải nhập viện cấp cứu. Nhóm 16 bệnh nhân ở Đắk Lắk (trong đó có 3 trẻ em) nhập viện với các triệu chứng nôn ói nhiều lần, da xanh tái, nhiều người hoảng loạn, la hét. Do được cấp cứu kịp thời nên rất may không có trường hợp nào tử vong. Hiện nguyên nhân ngộ độc vẫn phải chờ kết quả kiểm tra các mẫu thực phẩm. 

Không như bữa cỗ với 10 món phổ biến ở Sơn La, món ăn bị nghi là "thủ phạm" gây ngộ độc ở Đắk Lắk là món thịt lợn luộc trộn với cây chuối non đồng thời sử dụng rau rừng làm gỏi. Bởi vậy, các món ăn "lạ" luôn đứng đầu danh sách có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Những sự việc trên cho chúng ta thấy cần hết sức cẩn trọng trong lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm, cảnh giác với những thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc. Ngộ độc thức ăn nếu không có biện pháp xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong cho người bệnh. Do đó, khi nhận thấy những biểu hiện ngộ độc như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt … khiến cơ thể mệt mỏi, cần lưu ý xử trí cấp cứu người bệnh bằng một số phương pháp sau: 

Một là, nếu người bệnh có biểu hiện ngộ độc chưa đến 6 giờ sau khi ăn, cần gây nôn. Có thể dùng ngón tay móc họng để kích thích nôn, dùng nước ấm pha chút muối cho người ngộ độc uống để kích thích gây nôn cho ra hết càng sớm các tốt, tránh để độc tố ngấm vào cơ thể.

Lưu ý, đối với trẻ, khi móc họng cho trẻ cần khéo léo, tránh làm xây xát họng trẻ. Cho trẻ nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để trẻ nôn thức ăn ra. Tuyệt đối, không để trẻ nằm ngửa nôn vì có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong.

 Hai là, với những trường hợp ngộ độc thức ăn xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6 giờ, lúc này chất độc đã bị hấp thu vào cơ thể, cần sử dụng các biện pháp:

- Dùng chất trung hòa: Nếu người bị ngộ độc thức ăn có nguyên nhân từ những chất axit có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magiê ôxit 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng nước muối để tránh hình thành CO2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc thực phẩm do chất kiềm thì cho uống dung dịch axit nhẹ như: dấm, nước quả chua….

- Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày như: Dùng bột gạo, bột mì, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo… để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.

Lưu ý: Nếu nạn nhân bất tỉnh không thở, phải tiến hành thổi ngạt kết hợp với ép tim ngoài lồng ngực. Sau khi xử trí đúng cách tại nhà, hay nơi làm việc cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế để được bác sĩ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời.