Cẩn trọng với 5 bệnh đường hô hấp trẻ dễ mắc nhất lúc giao mùa

ANTD.VN - Cơ thể trẻ em còn yếu ớt, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, là đối tượng rất dễ mắc các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh hô hấp có nguy cơ bùng phát trong điều kiện thời tiết giao mùa. Do vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức cẩn thận để bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.

Một số bệnh liên quan đến hô hấp trẻ hay mắc phải khi trời trở lạnh bao gồm: viêm phổi, viêm xoang, viêm thanh quản, hen, viêm mũi họng…

Viêm phổi

Khi thời tiết thay đổi, bé dễ bị ho, chảy nước mũi, sốt, nếu kéo dài dễ dẫn đến viêm phổi

Khi thời tiết thay đổi, bé dễ bị ho, chảy nước mũi, sốt. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bé nhiễm lạnh, vi trùng lan xuống vùng hô hấp dưới vào phế quản và phổi. Biểu hiện thường gặp: sốt, ớn lạnh, ho, thở khò khè..

Viêm xoang cấp

Viêm xoang cấp là tình trạng viêm nhiễm một hoặc nhiều xoang, bao gồm xoang hàm, xoang sàng và xoang trán. Nguyên nhân có thể do trẻ nhiễm virus đường hô hấp trên, dị ứng hoặc nhiễm nấm.

Mẹ cần để ý kỹ các dấu hiệu của bé để kịp thời xử lý

Nếu mẹ thấy bé có những dấu hiệu như ngạt mũi, xổ mũi, hắt hơi nhiều, nước mũi ban đầu trong, chuyển sang trắng đục, màu xanh hoặc vàng ngà, đau ở hốc mắt... nên đưa bé đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời. 

Viêm thanh quản, viêm thanh khí phế quản cấp

Viêm thanh quản là tình trạng dây thanh âm bị sưng dẫn đến khản hoặc mất giọng. Bệnh có thể xuất hiện đột ngột ngay sau khi ăn thực phẩm lạnh, tắm nước lạnh, luồng khí lạnh của điều hòa phả vào vùng đầu, mặt, cổ.

Viêm thanh khí phế quản cấp là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp. Bệnh có thể gây tắc nghẽn hô hấp, khiến trẻ ho nhiều. Khi mắc bệnh, thanh quản và khí quản sẽ bị kích ứng và sưng lên. Tình trạng bệnh kéo dài có thể gây ra viêm phổi.

Hen phế quản

Hen phế quản là tình trạng viêm khiến các cơ xung quanh đường hô hấp thắt chặt lại giới hạn lượng không khí vào và ra khỏi phổi. Bệnh có triệu chứng: ho, viêm họng, sổ mũi... Trẻ bị mặc hen phế quản có thể tái phát bệnh nhanh chóng nếu cha mẹ không kịp thời xử lý những triệu chứng trên.

Viêm mũi, họng

Viêm mũi, họng là một bệnh thường gặp ở trẻ khi thời tiết giao mùa

Trẻ bị bệnh có những dấu hiệu như sốt, quấy khóc, kém ăn, nghẹt mũi, ho, thậm chí nôn mửa, tiêu chảy. Ngoài ra, trẻ sẽ bị đau họng, nuốt khó khăn, biếng ăn, đau đầu, tay chân nhức mỏi.

Cần làm gì khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh đường hô hấp?

Khi trẻ có dấu hiệu sốt, cần sử dụng nhiệt kế để xác định nhiệt độ chính xác

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp có các biểu hiện như ho, hắt hơi, sổ mũi nhưng không sốt hoặc sốt nhẹ, cần theo dõi trẻ chặt chẽ ở gia đình và chưa nên dùng kháng sinh và thuốc hạ nhiệt. Muốn biết trẻ có bị sốt hay không cần dùng nhiệt kế để đo thân nhiệt cho trẻ. Có thể cho nhiệt kế vào khóe miệng hoặc cho vào hậu môn hoặc cặp nách.

Nếu cặp nhiệt độ ở nách thì nên cộng thêm 1/2 độ. Nếu thấy trẻ ho nhiều, mệt mỏi, sốt trên 38oC và đặc biệt là có khó thở thì cần nhanh chóng cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám bệnh và xử trí kịp thời, đề phòng trẻ bị viêm phổi cấp tính.

Trong khi chưa kịp đưa trẻ đi khám bệnh, nếu trẻ sốt trên 38oC, không nên mặc nhiều áo quần cho trẻ mà cần mặc quần áo rộng, thoáng để dễ thoát nhiệt. Cần lau mát cho trẻ bằng cách dùng khăn nhúng vào chậu nước sạch có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 độ, lau ở trán, nách, bẹn (vài, ba giờ lau một lần) hoặc đắp khăn ướt lên trán, nách, bẹn.

Không nên dùng nước đá hoặc nước lạnh để làm hạ nhiệt cho trẻ, vì nước lạnh quá sẽ làm cản trở sự thoát nhiệt của trẻ, trẻ sẽ sốt cao hơn, nguy hiểm hơn. Nếu lau mát mà trẻ vẫn sốt trên 38oC thì có thể cho trẻ uống hoặc đút hậu môn thuốc Paracetamol, với liều lượng như sau: <3 tháng/tuổi: 40mg, >3 - 11 tháng/tuổi dùng 80mg; trẻ 24 tháng/ tuổi dùng 120mg và trẻ trên 2 tuổi dùng10mg/kg thể trọng.

Nên cho trẻ ăn lỏng, ấm và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Nếu trẻ còn bú mẹ thì cứ cho trẻ bú như bình thường hoặc tăng số lần và tăng thời gian bú mẹ lên càng tốt. Nếu trẻ sốt vừa hoặc sốt cao mà chưa kịp cho trẻ đi bệnh viện được thì cần cho trẻ uống dung dịch ôrêzôn (ORS) loại 5,63g/gói, pha một gói vào 200ml nước đã đun sôi, để nguội. Liều lượng uống như sau: với trẻ nhũ nhi, uống 50ml/lần x 2 - 3 lần/ngày. Trẻ từ 2 - 6 tuổi, uống 100ml/lần x 2 - 3 lần/ngày. Trẻ từ 6 - 12 tuổi, uống 150ml/lần x 2 - 3 lần/ngày.

Nếu không có ORS, có thể dùng nước cháo muối, bằng cách cho một nắm gạo (50g) với một nhúm muối (3,5g) và sáu bát nước, đun sôi cho đến khi hạt gạo nở bung ra (khoảng 15 phút), chắt ra một lít nước cháo cho trẻ uống dần dần.

Lưu ý là nước cháo đã pha chỉ dùng trong ngày, tốt nhất là trong vòng 6 giờ. Trẻ dưới 2 tuổi, cho uống từng thìa, trẻ lớn, uống từng ngụm bằng cốc hoặc bát. Dùng dung dịch ORS hay nước cháo, nếu trẻ bị nôn ra, cần dừng lại, sau 5 - 10 phút cho uống tiếp.

Phòng viêm đường hô hấp cho trẻ

Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm luôn được các chuyên gia khuyến cáo. Để phòng bệnh viêm đường hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, cần quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Ra đường (đi chơi, đi học) cần mặc thật ấm, đội mũ, khăn quàng cổ, khẩu trang, găng tay, bít tất.

Nên tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi.

Trẻ lúc ngủ thường có phản xạ đạp tung hết chăn, người lớn cần quan tâm đắp lại chăn cho trẻ, nếu không, trẻ sẽ bị viêm đường hô hấp do cảm lạnh.

Vệ sinh răng miệng là một thói quen tốt để bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp

Hàng ngày nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng, nhất là các trẻ lớn nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Loại nước súc họng này có bán tại các quầy dược phẩm, rẻ tiền, rất tiện lợi và hợp vệ sinh.

Cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng.