Cần sớm di dời các trung tâm y tế ra khỏi nội thành

(ANTĐ) - Quá tải về giường bệnh, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, hệ thống xử lý rác thải y tế chưa đạt chuẩn dẫn tới ô nhiễm môi trường… Đó là những cụm từ thường được nhắc tới khi nói về các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để có thể giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp được UBND TP lựa chọn và triển khai là di dời các cơ sở này ra ngoại thành Hà Nội…

Cần sớm di dời các trung tâm y tế ra khỏi nội thành

(ANTĐ) - Quá tải về giường bệnh, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, hệ thống xử lý rác thải y tế chưa đạt chuẩn dẫn tới ô nhiễm môi trường… Đó là những cụm từ thường được nhắc tới khi nói về các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để có thể giải quyết tình trạng này, một trong những giải pháp được UBND TP lựa chọn và triển khai là di dời các cơ sở này ra ngoại thành Hà Nội…

Theo thống kê, hiện nay phần lớn hệ thống các bệnh viện tuyến Trung ương của khu vực phía Bắc tập trung ở Hà Nội, dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng (nhiều bệnh viện đã hoạt động trên 200% công suất). Điều này dẫn tới thực trạng không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, đồng thời gây ra những áp lực về hạ tầng đô thị. Một vấn đề bất cập khác, các bệnh viện và trung tâm y tế trên địa bàn thành phố hiện nay chủ yếu là các bệnh viện truyền nhiễm lại nằm trong các khu vực có mật độ dân cư quá dày đặc.

Các bệnh viện này, hàng ngày “sản xuất” ra lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý. Ngoài ra, các bệnh viện đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách ly theo quy định. Chỉ tính riêng trong phạm vi 4 quận nội thành hiện có tới 43 cơ sở y tế cần được xem xét di dời, trong đó có 13 bệnh viện cấp Trung ương, 4 bệnh viện bộ ngành, 13 viện nghiên cứu và 13 bệnh viện cấp thành phố. Những cơ sở y tế này do nằm trong khu dân cư đông đúc, một số khác diện tích lại quá nhỏ theo cấp phục vụ hoặc nằm trong khu hạn chế phát triển nên đã gây quá tải về hạ tầng.

Cuối giờ chiều, Bệnh viện K vẫn nườm nượp người đến khám chữa bệnh
Cuối giờ chiều, Bệnh viện K vẫn nườm nượp người đến khám chữa bệnh

Để giải quyết tình trạng này, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (đơn vị được thành phố giao lập quy hoạch, tiêu chí và đề xuất các cơ sở y tế di dời ra ngoài trung tâm thành phố) đã đưa ra 3 giải pháp cơ bản. Thứ nhất là giữ lại một vài cơ sở đặc thù nhưng phải tiến hành cải tạo, nâng cấp, thứ hai là di chuyển một phần mang tính chuyên sâu, thứ 3 là di chuyển toàn bộ ra ngoại thành.

Theo phương án mà Sở Quy hoạch Kiến trúc đưa ra, sẽ có 25 bệnh viện được chuyển ra ngoại thành nhằm giảm tải áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cũng như tạo điều kiện cho các bệnh viện được mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong đó 13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải di dời bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện  K, Bệnh viện Việt Đức. Sẽ chỉ có 5 bệnh viện được giữ lại nội thành để cải tạo.

Ông Nguyễn Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết, sẽ không xây mới bệnh viện trong khu đô thị trung tâm, các bệnh viện mới xây phải cách trung tâm thành phố trong khu vực bán kính khoảng 25 đến 30km2, phải đặt tại đầu mối giao thông thuận lợi cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận tới điều trị.

Sau khi được di chuyển, các khu đất, cơ sở bệnh viện cũ sẽ được ưu tiên cho các cơ sở y tế của thành phố, y tế cơ sở. Trong và ngoài khu vực vành đai 2 được ưu tiên cho các công trình xã hội như công viên, trường học, bãi đỗ xe… Dự kiến các trung tâm y tế sẽ được xây dựng thành 5 tổ hợp đa chức năng chất lượng cao tại Gia Lâm - Long Biên (khoảng 50ha), Hòa Lạc (200ha), Sóc Sơn (100ha), Phú Xuyên (200ha), Sơn Tây (50ha).

Đối với bệnh viện nằm trong khu hạn chế phát triển, gây quá tải về hạ tầng hoặc quy mô quá nhỏ, không có điều kiện mở rộng và cải tạo để đáp ứng chỉ tiêu và quy mô giường bệnh… sẽ được bố trí xây dựng cơ sở 2 ở ngoại thành. Còn về phía Bộ Y Tế, trả lời báo chí bà Nguyễn Thị Xuyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ Y tế đã có kế hoạch điều chuyển sang cơ sở 2 để giảm mật độ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, trước mắt các cơ sở y tế ở khu vực nội thành vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, khi nào xây dựng xong các cụm y tế mới tiến hành di dời.

Mới đây, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã đề nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc và Bộ Y tế thống nhất đưa ra phương án di dời chi tiết các cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội để trình Thủ tướng phê duyệt trước 15-11 tới. Với sự quyết tâm của chính quyền thành phố hy vọng đây sẽ là tín hiệu tốt cho sự phát triển của một thủ đô văn minh, hiện đại và bền vũng trong tương lai.

Không nên xây bệnh viện mới trong nội thành

Vấn đề di dời bệnh viện ra ngoại thành là không mới. Hiện nay bệnh viện ở Hà Nội phải phục vụ cho số lượng lớn bệnh nhân đến từ các tỉnh thành lân cận. Mặc dù vậy, quy mô của những bệnh viện trong nội thành lại không lớn, dẫn đến tình trạng không phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách chất lượng nhất.

Bên cạnh đó, việc bệnh nhân và người nhà đổ dồn vào những bệnh viện nằm trong nội thành sẽ khiến vấn đề giao thông trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Các bệnh viện trong nội thành di dời ra những thành phố vệ tinh sẽ có được cơ sở vật chất tốt hơn, không gian phù hợp với môi trường y tế, như thế có thể giúp bệnh nhân điều trị một cách tốt nhất. Vì hiện nay, các bệnh viện luôn nằm ngay cạnh những khu dân cư.

Nhắc đến đây, có thể thấy vấn đề về môi trường sẽ không được đảm bảo. Rác thải y tế mặc dù đã qua những công đoạn xử lý nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Chúng ta nên có kế hoạch tập trung di dời các bệnh viện sang khu vực Sóc Sơn, Phú Xuyên, Gia Lâm, Hòa Lạc, Sơn Tây… Như thế sẽ có 5 trung tâm y tế mới. Chúng ta cũng sẽ không cho xây thêm những bệnh viện mới trong nội thành. Di dời ngay những cơ sở khám chữa bệnh chưa đủ tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường ra vị trí khác.

GS.TSKH, KTS Nguyễn Thế Bá

(Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch
và Thiết kế đô thị)

Tạo điều kiện tốt cho các bệnh viện di dời

Theo số liệu, hiện nay trên địa bàn thành phố có hơn 30 cơ sở y tế Trung ương, 16 bệnh viện đa khoa, 16 viện nghiên cứu có giường bệnh, ngoài ra còn có gần 20 cơ sở y tế của các bộ ngành. Các bệnh viện này đều hình thành từ lâu, quy mô không đủ lớn để phục vụ số lượng bệnh nhân đến từ các vùng lân cận. Những dự án đưa bệnh viện ra ngoại thành đã có từ rất lâu, nhưng do cơ chế chính sách chưa thích hợp, nên dự án chưa thể triển khai nhanh. Hà Nội hiện nay đã rộng hơn, có quỹ đất tốt cho việc quy hoạch phát triển.

Các mô hình công trình y tế mới cần gắn với mô hình phát triển chung của Thủ đô. Di dời các bệnh viện ra ngoại thành là cần thiết. Đến với môi trường mới, không gian rộng rãi, các bệnh viện sẽ có thể phục vụ cho nhiều bệnh nhân mà vẫn đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh.

Khi xây dựng những mô hình y tế, bệnh viện mới, các hệ thống xử lý rác thải y tế, trang thiết bị… cũng sẽ được đầu tư, làm mới đúng với quy mô của bệnh viện. Những cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường trong nội thành cần phải di dời ra vị trí khác. Ngoài ra những cơ sở y tế mô hình mới cũng nên xây những khu nhà ở cho bác sĩ, y tá tham gia khám chữa bệnh, tạo điều kiện tốt nhất cho họ để họ có thể yên tâm làm việc.

GS. Vũ Hoan

(Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội)

Cần hơn 400 hecta đất cho việc di dời bệnh viện

Chúng ta phải khẳng định Hà Nội cần có một kế hoạch phát triển lâu dài. Vấn đề di dời các bệnh viện trong nội đô đã có từ rất lâu. Vì hiện nay Hà Nội đã có rất nhiều bệnh viện, có sở y tế… Từ những năm 1998-1999, thành phố cũng đã có những kế hoạch tìm địa điểm mới cho những bệnh viện tồn tại trong địa bàn Thủ đô. Đã có những kế hoạch chỉnh trang bệnh viện Bạch Mai, di dời bệnh viện Lao phổi…

Vì những bệnh viện nằm trong nội đô đã được hình thành từ lâu, quy mô nhỏ hẹp, sẽ trở nên quá tải với khả năng khám chữa bệnh. Các bệnh viện nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ tác động không tốt lên môi trường sống. Không những thế, giao thông cũng sẽ không được thông suốt khi người dân khám chữa bệnh đổ dồn về bệnh viện. Hiện nay vẫn chưa tìm được cơ chế chính sách thích hợp cho những bệnh viện di dời. Hà Nội mở rộng sẽ có nhiều quỹ đất hơn.

Xu thế xây dựng công trình mạng lưới y tế sẽ luôn gắn với quy mô, mô hình của Hà Nội. Hà Nội cần phải chọn vị trí mới, tính toán trong vòng 10 năm tới cần hơn 400 hecta đất nhằm phục vụ xây dựng, di dời bệnh viện. Cần tìm địa điểm xây dựng cơ sở 2 cho các bệnh viện, phục vụ cho việc khám chữa bệnh. Cơ sở hiện có vẫn sẽ hoạt động nhưng chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu.

Ông Đào Ngọc Nghiêm

Nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội,
Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Hà Nội

Việt Hoàng