Cần sân chơi bổ ích, hấp dẫn để giới trẻ nói không với tệ nạn xã hội

ANTD.VN - Sau những vụ việc đau lòng khiến nhiều thanh, thiếu niên đang trong lứa tuổi sung sức, tươi đẹp nhất phải thiệt mạng chỉ vì dính đến tệ nạn xã hội, nhiều bậc cha mẹ đã giật mình nhận ra sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến con trẻ của chính mình. Đây không chỉ là bài học đắt giá đối với những người trong cuộc mà còn là vấn đề xã hội gây nhức nhối.

Cần sân chơi bổ ích, hấp dẫn để giới trẻ nói không với tệ nạn xã hội ảnh 1Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô là sân chơi lành mạnh và bổ ích cho giới trẻ

Khi những bạn trẻ bị cuốn theo “cơn gió độc”

Tệ nạn xã hội biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh. Nó có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân, gia đình và xã hội. 

Khi dính vào tệ nạn xã hội, người tham gia không những bị tổn thương nghiêm trọng đối với sức khỏe mà còn tha hóa về nhân cách, rối loạn về hành vi, rơi vào lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật và phạm tội. Bên cạnh đó, các gia đình có người thân tham gia các tệ nạn xã hội sẽ có thể bị khủng hoảng về tinh thần, thiếu thốn về tiền bạc. Điều này cũng gây bất bình trong dư luận, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ hãi cho những người dân lương thiện.

Là người có 2 con trai nghiện ma túy, bà V.T.H, 70 tuổi ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, con trai cả của bà trong khi đang học năm thứ hai một trường cao đẳng bị nhóm bạn xấu rủ rê hút hít nên nghiện lúc nào không hay. Do bỏ học thường xuyên, thanh niên này đã bị nhà trường đuổi học. Để có tiền sử dụng ma túy, anh ta thường xuyên lấy trộm tiền của bố mẹ, mang những đồ đạc có giá trị như máy tính xách tay, xe máy cầm cố ở hiệu cầm đồ. Nghiêm trọng hơn, anh ta còn lôi kéo cậu em trai mình vào con đường nghiện ngập.

Cần sân chơi bổ ích, hấp dẫn để giới trẻ nói không với tệ nạn xã hội ảnh 2Các hoạt động văn hóa văn nghệ giúp giới trẻ phát triển thể lực và trí lực

“Từ khi chúng dính vào ma túy, kinh tế gia đình tôi suy kiệt dần. Ngay cả chiếc xe đạp của tôi đi lấy hàng chúng cũng đem bán nốt. Để có tiền trang trải sinh hoạt, vợ chồng tôi phải bán đồ ăn sáng ở đầu ngõ. Nhìn cảnh nhà trống hoác không còn tài sản gì đáng giá, 2 đứa con gầy như xác ve, chỉ hút hít rồi lăn ra ngủ, nhiều lúc tôi chỉ muốn chết” - bà H đau xót nói.

Để tránh xa các tệ nạn xã hội, trước hết bản thân mỗi bạn trẻ cần xây dựng cho mình một bản lĩnh vững vàng, tập trung vào việc học tập rèn luyện, phát triển cả thể lực và trí lực, có tri thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội để vượt qua mọi cám dỗ, tránh xa cái xấu. 

Không chỉ sử dụng ma túy, nhiều bạn trẻ còn coi việc đánh lô, đề, uống rượu, say xỉn, đánh nhau là chuyện thường ngày. Thực tế đã xảy ra không ít vụ trọng án, con giết cha mẹ chỉ vì không xin được tiền mua ma túy, đánh bạc… Bên cạnh đó, tệ nạn mại dâm trong giới trẻ cũng đã ở mức báo động. Tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng. Không ít bạn trẻ còn biến công viên, ghế đá, quán cà phê, rạp chiếu phim thành “chốn phòng the” của riêng mình, bất chấp sự khó chịu, phản đối của những người xung quanh.

Có thể nói, tệ nạn xã hội chẳng khác nào những cơn gió độc, có sức hủy hoại rất lớn đối với giới trẻ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tâm sinh lý phát triển chưa ổn định, thiếu kỹ năng sống hoặc có trường hợp cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn trong chính ngôi nhà, lớp học của mình.

Cần những sân chơi thực sự bổ ích, hấp dẫn

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tăng cường phổ biến về tác hại của ma túy và các tệ nạn xã hội, song dường như những cảnh báo này chưa tạo ấn tượng đủ mạnh trong giới trẻ. Điều đó dẫn đến việc không ít thanh niên hiện nay vẫn còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma túy, coi đó đơn thuần chỉ là các chất kích thích, có thể dùng chúng như một trò chơi vô hại.

Do vậy, năm 2018, trong rất nhiều nội dung phòng, chống ma túy cần phải triển khai, Chính phủ đã chọn chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”. Điều này cho thấy nguy cơ của thảm họa ma túy tổng hợp, các chất hướng thần và hiểm họa ma túy đã trở thành vấn đề nhức nhối tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Cần sân chơi bổ ích, hấp dẫn để giới trẻ nói không với tệ nạn xã hội ảnh 3Các cổ động viên đầy nhiệt huyết đến từ các đội bóng

“Sở dĩ không ít bạn trẻ sa vào tệ nạn là vì thiếu kỹ năng sống, các em không có khả năng phòng tránh và thoát thân nếu không may dính phải tệ nạn, nhất là mại dâm và ma túy. Bên cạnh đó, do hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở trường học còn hạn chế. Chưa nói đến việc một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, thiếu lý tưởng, bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động” - Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên nhận định.

Thời gian qua, sự liên kết trong giáo dục thanh, thiếu niên giữa gia đình - nhà trường và xã hội còn thiếu chặt chẽ. Không ít em bị ảnh hưởng xấu từ việc tiếp thu không chọn lọc nhiều luồng thông tin độc hại, thiếu lành mạnh trên mạng internet. “Ngay cả việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, không phải bạn trẻ nào cũng nhận thức được đó là hành vi lệch chuẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn biện minh là “việc riêng” của họ” - Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú nêu ví dụ.

Để tránh xa các tệ nạn xã hội, trước hết bản thân mỗi bạn trẻ cần xây dựng cho mình một bản lĩnh vững vàng, tập trung vào việc học tập rèn luyện, phát triển cả thể lực và trí lực, có tri thức đầy đủ về vấn đề tệ nạn xã hội để vượt qua mọi cám dỗ, tránh xa cái xấu. 

Bên cạnh đó, các gia đình, nhà trường cũng cần có sự quan tâm, quản lý thường xuyên hơn đến con em mình, luôn gần gũi, yêu thương, quan tâm, sẻ chia. Cha mẹ cần lựa chọn cách giáo dục con em đúng đắn, phù hợp tâm lý qua từng giai đoạn phát triển, đồng thời xây dựng mối quan hệ gia đình gắn bó, yêu thương, kính trên nhường dưới. Các nhà trường cần tăng cường giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh.

Cũng theo Tiến sĩ Hoàng Cẩm Tú, tuổi trẻ là sinh khí của dân tộc, là tương lai của đất nước. Vì vậy, ngoài việc quan tâm chăm lo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp để giới trẻ không bị lún sâu vào những suy nghĩ, hành vi sai trái, lệch lạc và sống có trách nhiệm.

Trước mắt nên nhanh chóng tổ chức những sân chơi thật sự hấp dẫn cho các bạn trẻ như tổ chức thi hùng biện, đua xe, thể thao, văn hóa, văn nghệ... để kéo giới trẻ về với những hoạt động bổ ích, phát triển thể lực, trí lực, có biện pháp khích lệ, động viên các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tăng cơ hội việc làm để mỗi cá nhân có cơ hội tự nuôi sống bản thân, cống hiến cho gia đình, xã hội.

Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến: Xây dựng nhiều mô hình sáng tạo phù hợp với thanh niên

“Những năm qua Thành đoàn Hà Nội rất chú trọng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên. Nhiều phong trào như: Tuổi trẻ Thủ đô tham gia xây dựng nông thôn mới; Tình nguyện tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 được đông đảo đoàn viên, thanh niên hưởng ứng.

Trong khối lực lượng vũ trang, các phong trào: “Thanh niên Quân đội tiến quân vào khoa học công nghệ”, “Tuổi trẻ Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”… diễn ra sôi nổi và đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, nhiều mô hình sáng tạo đã được ứng dụng hiệu quả, gắn với nhóm nội dung giải pháp “Hà Nội văn minh”, phong trào “Tôi yêu Hà Nội” nhằm xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thực hiện Cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới...

Dù vậy, khi xã hội phát triển nhanh, các giá trị biến đổi, do nhận thức chưa đầy đủ nên một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Để xây dựng lối sống lành mạnh cho giới trẻ, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh niên, thời gian tới các cơ sở Đoàn sẽ đổi mới phương thức hoạt động để không chỉ phát huy vai trò, ý thức, trách nhiệm của thanh niên trong gia đình và xã hội, mà còn xây dựng một thế hệ thanh niên bản lĩnh vững vàng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước”.

Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú (Giám đốc Trung tâm tham vấn sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên):  Đẩy mạnh giáo dục kỹ năng sống và khởi nghiệp sáng tạo

 “Sở dĩ không ít bạn trẻ sa vào tệ nạn là vì thiếu kỹ năng sống, các em không có khả năng phòng tránh và thoát thân nếu không may dính phải tệ nạn, nhất là mại dâm và ma túy. Bên cạnh đó, do hoạt động giáo dục kỹ năng sống ở trường học còn hạn chế. Chưa nói đến việc một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, thiếu lý tưởng, bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động. Đơn cử, ngay cả việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, không phải bạn trẻ nào cũng nhận thức được đó là hành vi lệch chuẩn và ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn biện minh là “việc riêng” của họ.

Trước mắt nên nhanh chóng tổ chức những sân chơi thật sự hấp dẫn cho các bạn trẻ như tổ chức thi hùng biện, thể thao, văn hóa, văn nghệ... để kéo giới trẻ về với những hoạt động bổ ích, phát triển thể lực, trí lực, có biện pháp khích lệ, động viên các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tăng cơ hội việc làm để mỗi cá nhân có cơ hội tự nuôi sống bản thân, cống hiến cho gia đình, xã hội”.