Cần người cầm lái, chỉ đường

ANTD.VN - Nếu lệnh cấm nhập khẩu đối với thịt lợn Việt Nam được bãi bỏ, đó sẽ là tin vui đối với ngành chăn nuôi lợn Việt Nam. 

Hàng trăm trang trại chăn nuôi cùng gần 3 triệu hộ chăn nuôi lợn trên cả nước có thể tạm thời bớt nỗi lo trước mắt, tuy nhiên, về lâu dài vẫn bề bộn nhiều vướng mắc, trở ngại mà bản thân họ loay hoay, xoay xở chưa tìm ra lối thoát.

Mặc dù cuộc “giải cứu” diễn ra sôi động vừa qua đã đẩy giá lợn hơi tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm thấp nhất, song chỉ mới thoát đáy khó khăn. Việc “giải cứu” thực chất mới chỉ giải quyết phần ngọn bởi cái gốc của ngành chăn nuôi lợn không bền chắc, tức là thiếu tổng thể quy hoạch, không xác định được quy mô đàn lợn cả nước để hướng tới thị trường xuất khẩu, từ đó tổ chức sản xuất theo chuỗi chăn nuôi lớn. Chính vì mối liên kết chuỗi vừa lỏng lẻo, vừa rời rạc cho nên không thể chia sẻ được trách nhiệm cũng như lợi nhuận giữa doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người chăn nuôi.

Trong vòng luẩn quẩn, sản xuất nông nghiệp không thoát khỏi “vũng lầy” thừa cung, luôn lặp lại điệp khúc “giải cứu”, có chuyên gia đề xuất nên cấp quota cho vùng chăn nuôi lợn tập trung. Theo đó sẽ đưa ra điều kiện chăn nuôi để cấp quota, trên cơ sở đó giúp thống kê được đầu lợn, cân đối được cung - cầu. Quan trọng hơn sẽ kiểm soát được dịch bệnh, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Giải cứu” nông sản Việt, trong đó có ngành chăn nuôi lợn là cấp bách, nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì kết quả cũng chỉ trước mắt, trong tầm ngắn hạn. “Giải cứu” không quá khó, khó nhất là giải thoát.  Người nông dân “đỏ mắt” trông đợi bao năm nay  những giải pháp để mở ra hướng tiêu thụ cho nông dân, mà  mấu chốt là tăng cường mối liên kết giữa 13 triệu hộ nông dân với hàng vạn doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu.

Người chăn nuôi, trồng trọt không có thông tin thị trường, “mù mờ” giá cả, thị hiếu người tiêu dùng. Hậu quả và hệ lụy thì nông dân luôn è vai gánh chịu. Vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước là kiến tạo, nghiên cứu, phát triển thị trường, tức là người cầm lái chỉ hướng, đưa đường, còn người sản xuất buộc phải chấp nhận cơ chế thị trường không thể bám chặt nếp nghĩ, hành động kiểu một mình một chợ mãi được.