Cần khẩn trương xác minh, làm rõ nhân thân, thông tin "người đàn ông mặc quần áo đen, cầm cổ gà đi ăn xin"

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh, clip người đànông mặc bộ đồ màu đen, mặt bôi đen sì, tay cầm xúc xích, đầu gà đi xin tiền. Lợi dụng điều này, có đối tượng còn cố tình dàn dựng cảnh tương tự rồi đứng trước cổng trường học để…câu like, câu view gây bức xúc, xôn xao dư luận.

Được biết, hình ảnh người đàn ông mặc bộ đồ màu đen, mặt bôi đen sì, tay cầm xúc xích, đầu gà đi xin tiền đã xuất hiện tại nhiều dịa phương, trong có một số địa bàn vùng ven Hà Nội.

Liên quan đến hiện tượng - hành vi này, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu những đối tượng ăn mặc kỳ dị như vậy chỉ đi ăn xin, không có hành vi đe dọa người khác, không gây rối an ninh trật tự, thì sẽ không có căn cứ để xử lý.

Tuy vậy, để tránh gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, người dân khi phát hiện những đối tượng này không nên chỉ chụp ảnh đưa lên mạng xã hội kèm theo những lời cảnh báo, thông tin "thổi phồng" sự thật, mà cần nhanh chóng trình báo, thông tin với chính quyền địa phương, cơ quan Công an nơi gần nhất.

Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng khi nhận được thông tin cần khẩn trương vào cuộc, kiểm tra giấy tờ tùy thân của đối tượng. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường tâm lý thì cần liên hệ với gia đình hoặc bệnh viên để đưa đi giám định, chứ không nên thờ ơ đứng ngoài cuộc.

Hình ảnh đối tượng ăn xin lan truyền trên mạng xã hội

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, những thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí là tin bịa đặt, sai sự thật... khi được lan truyền và phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây tâm lý hoang mang, hoài nghi cho người dân mà còn có thể gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho các tổ chức, cá nhân liên quan, gây khó khăn trong việc thi hành công vụ của các cơ quan chức năng. Do đó, mỗi cá nhân cần thận trọng trước khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Về hành vi của một số đối tượng cố tình dàn dựng cảnh mặc đồ đen cầm cổ gà đứng ở cổng trường rồi chụp ảnh, quay clip tung lên mạng để câu like, câu view, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho rằng, tùy theo tính chất mức độ của hành vi và hậu quả, đối tượng này có thể bị xử lý hành chính, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác… sẽ bị phạt tiền từ 10- 20 triệu đồng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân thực hiện hành vi tung tin bịa đặt, thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự. Điều 288 BLHS 2015 về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nêu rõ, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật nhằm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng - 7 năm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, thời gian qua đã có không ít đối tượng tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội bị xử lý nghiêm. Do vậy, khi thấy có bất cứ thông tin nào lan truyền trên mạng, đặc biệt là những thông tin gây sốc, khiến nhiều người sợ hãi, mỗi cá nhân cần kiểm tra kỹ nguồn của chúng, xác minh tính xác thực của thông tin, không nên vội vàng chia sẻ, thậm chí “thêm mắm thêm muối” vào những nguồn tin này  kẻo vô tình tiếp tay cho các đối tượng có ý đồ xấu, thậm chí tự đẩy mình vào vòng lao lý.