Cần đầu tư tương xứng để đảm bảo an toàn phòng cháy các công trình văn hóa

ANTD.VN - Việt Nam có trên 9.000 lễ hội được tổ chức trên khắp các vùng miền của đất nước với thời gian, không gian, địa điểm và quy mô tổ chức khác nhau.

Hệ thống điện trong một ngôi đình  (Ảnh: Nguyễn Bình)

Nhu cầu tham gia lễ hội của nhân dân và du khách cũng ngày càng tăng dẫn đến quá tải. Ý thức tham gia lễ hội của một bộ phận người dân chưa cao, hiện tượng đốt vàng mã đang bị lạm dụng, biến tướng và là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy, nổ tại các di tích.

Theo số liệu thống kê của Bộ  VH-TT&DL, tính đến hết năm 2018, trong lĩnh vực văn hóa, cả nước có: 162 bảo tàng với hơn 3 triệu hiện vật, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.490 di tích quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 60 của Bộ VH-TT&DL gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ngày 6-3-2019 về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018, theo đó, Bộ VH-TT&DL đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân các vụ cháy là do: “Công tác kiểm tra PCCC còn có lúc bị buông lỏng, trong đó phải kể đến vai trò, trách nhiệm của chính quyền và người quản lý trực tiếp tại di tích. Một số nơi chỉ chú trọng khai thác di tích (ban ngày) mà không chú ý tới phương án bảo vệ di tích (ban đêm). Bộ máy trông coi một số di tích còn mỏng, có nơi giao cho các cụ cao tuổi hoặc trụ trì, thủ từ; việc bài trí trong di tích còn có phần lộn xộn, đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, thêm vào đó, việc thắp hương, chập điện cũng là nguyên nhân dẫn đến cháy di tích”.

Ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ VH-TT&DL vừa có phiên giải trình trước Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và đoàn giám sát về việc thực hiện PCCC. Vấn đề PCCC trong di tích khi đưa ra đã được thảo luận rất sôi nổi bởi di tích là một lĩnh vực đặc thù nên cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Ông Bình cũng chỉ ra những hạn chế như kinh phí đầu tư trong việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo còn hạn chế nên có di tích chưa được trang bị đầy đủ hệ thống PCCC. Một số dự án tu bổ di tích được Bộ thẩm định có nội dung trang bị hệ thống PCCC, tuy nhiên khi triển khai thì có địa phương lại đầu tư kinh phí không đầy đủ cho hệ thống này dẫn tới nếu có sự cố sẽ không đủ phương tiện để xử lý kịp thời.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, chính vì thế Bộ VH-TT&DL cũng đã có kiến nghị, đề xuất Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có quy định và hướng dẫn cụ thể về biên chế của các Bộ, ngành nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC vì công tác này đòi hỏi phải có bộ phận chuyên trách, có đầy đủ chức năng và chuyên môn giúp việc. Ngoài ra, cần đầu tư tương xứng về PCCC cho các dự án xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ là chủ đầu tư theo đúng quy định.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan (Bộ VH-TT&DL, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính…) phối hợp với các địa phương trên cả nước tăng cường công tác phòng chống, cháy nổ; đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống cháy nổ tại các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt tại các di tích, bảo tàng, thư viện… 

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, khi tiến hành lập dự án tu bổ di tích, cần ưu tiên đưa nội dung PCCC vào dự án nhằm thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về PCCC và Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đồng thời, bố trí đầy đủ kinh phí lắp đặt hệ thống PCCC, hệ thống cứu hỏa tự động tại các di tích, đặc biệt là những khu di tích có nhiều công trình kiến trúc gỗ như khu phố cổ Hội An…