Cảm cúm lúc giao mùa: Phòng và trị thế nào cho hiệu quả?

ANTD.VN - Thời điểm giao mùa là lúc mà cơ thể dễ gặp phải các bệnh đường hô hấp nhất, trong đó có cảm cúm. Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong những ngày thời tiết ểnh ương như thế này.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Hồ Chí Minh, những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa là: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn.

Những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất là trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… vì sức đề kháng của những người này yếu hơn bình thường.

Trong cả 2 giai đoạn chuyển mùa, từ đông sang hè, từ thu sang đông, các bệnh dị ứng theo mùa có thể làm tăng nguy cơ đau ốm cho người bệnh. Theo TS. Bradley Chipps, chủ tịch ĐH Dị ứng – Hen và Miễn dịch Mỹ, người có bệnh viêm mũi dị ứng theo mùa sẽ dễ bị lây bệnh hơn do vi rút tập trung trong mũi họ. Ngoài ra, do hệ miễn dịch tập trung vào chứng dị ứng nên ít có nguồn lực để bảo vệ cơ thể khỏi các kẻ ngoại xâm khác.

Thậm chí, nếu bạn không bị dị ứng, những sự thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ và gió có thể gây kích ứng đường thở và mũi - làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch vốn có nhiệm vụ chống lại cảm lạnh và nhiễm trùng.

Tỷ lệ cảm cúm thường tăng lên khi nhiệt độ môi trường thay đổi

Một nghiên cứu từ ĐH Yale (Mỹ) cho thấy nhiệt độ môi trường chênh lệch khoảng 7 độ là đủ để gây rối cho hệ thống phòng thủ vi rút của cơ thể. Điều này giải thích tại sao tỉ lệ cảm cúm lại tăng lên vào cuối thu đầu đông, khi nhiệt độ đột ngột giảm.

Phân biệt cảm lạnh với cảm cúm

Cảm lạnh và cảm cúm đều là những bệnh thuộc về đường hô hấp khi thời tiết giao mùa, chúng có những biểu hiện tương đối giống nhau như hắt hơi, ho, đau họng, sốt… nên nhiều người thường nhầm lẫn và tưởng 2 bệnh là một. Tuy nhiên, bệnh cúm lại nguy hiểm hơn rất nhiều so với cảm lạnh. Vì thế, chúng ta cần biết phân biệt cảm và cúm để có hướng xử trí, điều trị phù hợp.

Một số chủng cúm nguy hiểm như cúm A/H1N1, H5N1 có khả năng gây tử vong cao

BS Trịnh Ngọc Bình, BV Chợ Rẫy cho biết: “Mặc dù có triệu chứng giống nhau, nhưng bệnh cảm và bệnh cúm được gây ra bởi những virus khác nhau. Có hơn 200 loại virus gây ra bệnh cảm lạnh mỗi khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, phổ biến nhất là Rhinovirus, Coronavirus và virus Parainfulenza (RSV). Nhưng chỉ có 3 loại virus gây ra bệnh cúm thường được gọi là virus cúm A, B hoặc C. Trong đó, các loại virus cúm A, B thường gây bệnh cho người và lây lan rất nhanh, còn vài chủng cúm nguy hiểm như cúm A/H1N1, H5N1 có khả năng gây tử vong cao”.

Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều, diễn biến rất nhanh, dồn dập và thay đổi liên tục. Cúm thường kéo dài khoảng 1-2 tuần, đôi khi còn gây mệt mỏi kéo dài tới 2-3 tuần.

Biểu hiện bệnh là ho, đau họng, đột ngột sốt cao 39- 40o C kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, choáng váng, buồn nôn, ho khạc đàm mủ. Người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, nặng ngực. Các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có thể gây nôn ói, tiêu chảy nhiều lần và đau đầu dữ dội.

Hiện nay, cúm vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ giảm triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng viêm phế quản, viêm phổi hoặc suy hô hấp đe dọa tính mạng. Người bệnh cúm nên được cách ly, hạn chế giao tiếp để không lây lan bệnh cho người khác.

Chính vì vậy, dù là cảm hay cúm, nếu thấy bệnh diễn tiến quá nhanh và nặng qua các biểu hiện như: đau ngực trầm trọng, đau đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục, màu sắc da tím tái, ở trẻ có thể không bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày có kèm phát ban thì cần tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của thầy thuốc.

Ngoài dùng thuốc, người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước muối, không nên vận động quá mức để giúp việc tự hồi phục nhanh hơn.

Cách phòng và điều trị cảm cúm

Để phòng tránh cảm lạnh và cảm cúm, chúng ta cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất, tập thể dục thường xuyên…

Ăn uống khoa học, đủ chất giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng là một cách hiệu quả để phòng cúm (Hình minh họa)

Ăn uống đủ chất: Bạn hãy tăng cường các loại rau, củ, quả, cùng một số loại thực phẩm như lúa, lúa mì, quả óc chó… có chứa khoáng chất Selenium,vitamin C…

Giữ ấm cơ thể: Hãy mặc quần áo dài, đội mũ, đi giày và đeo khẩu trang khi ra đường. Nên chọn những quần áo làm từ vải len mỏng hoặc cotton vì chúng vừa có khả năng thấm hút mồ hôi, vừa có khả năng giữ ấm cho cơ thể. Luôn chú ý giữ ấm cho đôi chân, điều này rất quan trọng.

Uống nhiều nước: Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi bị cúm bạn nên uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, cháo, súp...), đặc biệt là nước ấm. Việc này sẽ giúp khơi thông chiếc mũi đang bị tắc nghẽn khó chịu.

Rửa tay thường xuyên: Khi bạn bị ốm, chức năng của hệ miễn dịch bị suy yếu nghiêm trọng vì thế việc này giúp ngăn ngừa các virut mới xâm nhập vào cơ thể. Hãy luôn ghi nhớ rửa tay thật sạch trước và sau khi cầm nắm thức ăn, kể cả lúc không bị bệnh.

Súc miệng nước muối: Súc miệng bằng nước muối vài lần mỗi ngày có thể giúp điều trị viêm họng cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng phát sinh. Sử dụng nước ấm và có thể thêm một chút tinh chất từ củ nghệ để thêm tác dụng chống viêm.

Bổ sung vitamin C: Hãy bổ sung vitamin C cho cơ thể càng nhiều càng tốt những khi hệ miễn dịch bị suy yếu. Mặc dù các loại quả có múi như cam, chanh chứa nhiều vitamin loại này nhưng khi bị ốm bạn có thể sẽ không muốn ăn thức gì. Vì thế viên uống bổ sung luôn là sự lựa chọn tốt nhất.

Làm thoáng khí nơi ở: Việc đóng kín cửa nhà hay phòng làm việc cả ngày không hoàn toàn có lợi cho sức khoẻ. Không khí không được lưu thông làm căn phòng của bạn trở nên bí và ẩm ướt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Hàng ngày hãy mở cửa sổ từ 10 – 15 phút. Nó sẽ giúp căn phòng bạn trở nên thông thoáng. Ngoài ra cũng nên thường xuyên vệ sinh nơi ở và phòng làm việc của mình để chúng luôn sạch sẽ.

Tỏi chứa allicin, một hợp chất chống lại nhiều tác nhân gây bệnh

Ăn tỏi: Tỏi chứa allicin, một hợp chất chống lại các tác nhân gây bệnh. Các nhà nghiên cứu Anh chỉ ra rằng những người có thói quen ăn tỏi giảm hơn 30% nguy cơ bị cảm lạnh. Đặc biệt người ăn khoảng 6 tép tỏi một tuần giảm 30% bệnh ung thư đại trực tràng và hơn 50% nguy cơ ung thư dạ dày. Bạn có thể cho thêm tỏi vào món ăn của mình khi chế biến. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là ăn sống.

Ngủ đủ giấc: Mất ngủ hoặc ngủ quá ít đều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khi bạn mất ngủ, các tế bào trong cơ thể không kịp phục hồi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Sức đề kháng của cơ thể giảm, làm bạn dễ bị nhiễm bệnh. Hãy ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Cố tránh những việc gây đầu óc căng thẳng. Stress cũng là nguyên nhân gây bệnh cho cơ thể. Trước khi đi ngủ, hãy ngâm châm vào chậu nước nóng có pha thêm chút muối.  Việc giữ ấm cho đôi chân sẽ tạo cho bạn một giấc ngủ ngon và sâu hơn.

Việc tập thể dục thường xuyên giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực

Tăng cường vận động: Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp làm nóng cơ thể và lưu thông máu tránh được triệu chứng mệt mỏi và nhiễm trùng năng lượng. Quá trình tập luyện thể thao sẽ khiến cơ thể bị khát nước, giúp bạn uống nhiều nước hơn - điều này có tác dụng thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố một cách dễ dàng và giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tích cực, phòng tránh bệnh tật đặc biệt là bệnh cảm lạnh và cảm cúm.

Tiêm ngừa cúm: Để chủ động phòng ngừa cảm và cúm, ngoài việc tăng cường sức đề kháng, người dân nên tiêm ngừa cúm đều đặn hằng năm. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh bệnh cúm.

Vắc-xin cúm được chỉ định tiêm phòng cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi, đặc biệt là người già và những người mắc các bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, thiếu máu, hen suyễn, suy giảm hệ miễn dịch hay những người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế.

Tuy nhiên, một số người không nên tiêm nếu đã từng có tiền sử dị ứng với tiêm ngừa cúm trước đó, dị ứng nghiêm trọng với trứng, đang bị sốt vừa hoặc cao, từng bị hội chứng Guillian-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.