Cai vội Facebook, lên cơn co giật, tâm thần

ANTD.VN - Thời gian gần đây, các bệnh viện tâm thần liên tục đưa cảnh báo tình trạng bệnh nhân, đặc biệt là giới trẻ nhập viện do nguyên nhân nghiện mạng xã hội gia tăng.

Một nữ sinh “nghiện” Facebook, khi bị cấm “lướt mạng” thì lên cơn co giật, được đưa vào bệnh viện điều trị

Một bé gái 11 tuổi “nghiện” Facebook đến mức khi bị cấm “lướt mạng” thì lên cơn co giật; một nữ sinh lớp 12 “nghiện” Facebook đến mức bố mẹ phải đánh thuốc mê đưa vào viện; một bà mẹ trẻ “nghiện” Facebook đến mức quên cả cho con bú… Dù chưa có mã bệnh nào về chứng “nghiện” Facebook song rõ ràng đây đang là một “căn bệnh” mới nổi cần được quan tâm.

Người trẻ dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện rất nhiều bệnh nhân được gia đình đưa đến điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt có yếu tố liên quan tới việc dùng Facebook. Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ lớn nhất là các em dễ bị “nghiện” khi đắm chìm trong thế giới online vô cùng sinh động - đó là giới trẻ bị lệ thuộc vào Facebook. Nếu kiểm soát không tốt, Facebook trở thành một kẻ cắp thời gian, lấn át cả chuyện học hành, thời gian giao tiếp với người thân và các hoạt động sống bổ ích khác. Lúc đó, Facebook như một mê cung mà khi đã vào thì không còn biết lối ra.

Một nguy cơ lớn không kém, đó là bạn trẻ dễ bị lôi cuốn vào các giá trị ảo. Nhiều người thường xuyên đăng ảnh đẹp để thu hút người thích, chăm chút cho từng dòng "status” (trạng thái) để thu hút người bình luận. Thật ra, những điều đó ít có giá trị trong đời sống thực, ít mang đến hiệu quả, trừ khi nội dung cực kỳ đặc biệt mới gây được tiếng vang.

Xuất hiện các cơn co giật vì bị cấm dùng Facebook

Gần đây, nhiều học sinh tung “clip đen” lên Facebook để rồi cuối cùng phải thu mình không giao tiếp với ai, thậm chí nghỉ học, cá biệt còn có trường hợp tự tử vì xấu hổ. Nhiều bạn trẻ còn lập Fanpage nói xấu cha mẹ, nói xấu thầy cô, dẫn đến việc bị búa rìu dư luận, bị nhà trường buộc nghỉ học. 

Bác sĩ Nguyễn Doãn Phương cho biết cách đây 3 tháng, Viện Sức khỏe Tâm thần đã tiếp nhận một nam sinh (14 tuổi) nhập viện với các biểu hiện co giật phân ly. Theo chia sẻ từ gia đình, cháu bé này có tiền sử sử dụng mạng Facebook rất nhiều, thậm chí đến 10 tiếng/ngày. Mỗi lần đi học về, cháu ở lỳ trong phòng và liên tục dùng Facebook để nói chuyện với bạn bè.

Gia đình thấy vậy nên đã thu điện thoại, cấm cháu dùng mạng xã hội Facebook. Sau đó, cháu bỗng xuất hiện các cơn co giật. Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, sau khi kiểm tra, các bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần phát hiện các cơn co giật xuất phát từ việc bệnh nhân không được dùng Facebook. Do đó, bên cạnh điều trị cho bệnh nhân hết các cơn giật, các bác sĩ phải tư vấn cho gia đình cách phân bổ thời gian cho trẻ sử dụng điện thoại và mạng xã hội. 

Hoang tưởng, ảo thanh đặc trưng trong tâm thần phân liệt

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, thời gian vừa qua, Viện Sức khỏe Tâm thần cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ ở Thanh Hóa do cãi nhau trên Facebook nên bực tức dẫn tới trầm cảm phải nhập viện. Bên cạnh ca bệnh này, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, các bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân còn trẻ tuổi song “nghiện” sử dụng Facebook. Những bệnh nhân này thường không chịu làm gì, ngại giao tiếp thực tế, thay vào đó chỉ tập trung sống ảo trên mạng xã hội. Sau khi hỏi kỹ, khám bệnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân gặp các hoang tưởng, ảo thanh rất đặc trưng trong tâm thần phân liệt.

Cảm thấy bồn chồn, khó chịu khi không vào Facebook

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, “nghiện” Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống, chẳng hạn như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ với bạn bè trong gia đình và bạn bè “thật”. Tuy nhiên nếu dùng Facebook có mục đích rõ ràng thì không được xem là “nghiện”.

“Hiện chưa có mốc thời gian cụ thể về tần suất sử dụng Facebook nhưng khi một người dùng Facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào Facebook hoặc người nhà không cho vào sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Khi một người vào Facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, đang học thì nên ngừng lại hoặc giảm tần suất bởi khi đó sẽ ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống và học tập”, bác sĩ Lê Thị Thu Hà phân tích.  

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cũng chia sẻ về một ca bệnh trầm cảm thứ phát có căn nguyên từ việc “nghiện” Internet. Theo đó bệnh nhân 20 tuổi, sinh viên đại học, bị đuổi học do đam mê game, mạng xã hội, bỏ bê việc học nên bị đình chỉ học 1 năm. Sau đó, bệnh nhân về quê, tuy nhiên, cứ đến 5-6 giờ chiều bệnh nhân lại rơi vào trạng thái thẫn thờ, ra nhà hàng xóm ngồi thu mình, không chịu giao tiếp với ai. Bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho biết, đó là thời gian anh thường dùng máy tính nhất khi còn ở trên thành phố. Khi trở về quê, không được dùng máy tính nên anh rơi vào trạng thái trên. 

Biện pháp để “cai nghiện” Facebook

Trả lời câu hỏi của phóng viên về biện pháp để “cai nghiện” Facebook, bác sĩ Lê Thị Thu Hà cho rằng hiện chưa có nghiên cứu các thuốc có hiệu quả trong “cai nghiện” Facebook mà các y, bác sĩ chỉ dùng thuốc khi bệnh nhân có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của “nghiện” Facebook như mất ngủ, trầm cảm…

Bác sĩ Hà cũng cảnh báo hệ quả của bệnh “nghiện” Facebook có thể nhìn thấy trước tiên là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy… Để kiểm tra bản thân có bị “nghiện”, lệ thuộc vào Facebook hay không, bác sĩ Hà khuyến nghị có thể dùng thang đo “nghiện” Facebook được phát triển bởi các nhà nghiên cứu Na Uy.

Để tránh “mất tự chủ” khi sử dụng mạng xã hội, bác sĩ Lê Thị Thu Hà khuyến cáo người dùng cần tự lập cho mình thói quen sử dụng có giờ giấc. Mỗi ngày nên vào Facebook vào một giờ cố định, thời lượng cố định. Khi việc đăng xuất đã trở thành thói quen thì sẽ dễ dàng tự kiểm soát mình hơn (giống như bạn tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ).

Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hà, người dùng mạng xã hội cũng nên xóa ứng dụng để truy cập mạng xã hội này trên các thiết bị của bạn, thậm chí là nên dùng một chiếc điện thoại di động không cho phép truy cập Internet. Song song đó, người dùng mạng xã hội nên tham gia bù đắp cái “thiếu” khi không có Facebook bằng những hoạt động thú vị ngoài đời thực như thể thao, đọc sách, dự một lớp học kỹ năng, chăm sóc gia đình, gặp gỡ bạn bè...

Khi đã khám phá và cảm nhận những thú vị trong các mối quan hệ ngoài đời thực, nhu cầu giao tiếp của chúng ta sẽ được thỏa mãn mà không cần phải thường xuyên bước vào thế giới mạng xã hội Facebook.

Nhiều hệ lụy từ sức khỏe đến tinh thần, công việc

Theo thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai hay Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, thời gian gần đây ghi nhận nhiều bệnh nhân phải vào viện vì nguyên nhân nghiện mạng xã hội. Trong đó, có rất nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên, “nghiện” Facebook nặng đến mức trầm cảm, rối loạn tâm thần, phải điều trị và tư vấn tâm lý thời gian dài mới trở lại bình thường…

Tình trạng này bắt đầu được quan tâm hơn kể từ giữa năm 2017, khi Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin cảnh báo về một số trường hợp nghiện mạng xã hội nhập viện và xu hướng gia tăng các bệnh lý do nguyên nhân này.

Mới đây nhất, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 3 trường hợp có tuổi đời khá trẻ bị nghiện mạng xã hội rất nặng. Trong đó có một nữ sinh 18 tuổi, đang học lớp 12 ở Hà Nội, bị nghiện mạng xã hội đến mức nửa đêm vẫn trốn vào nhà vệ sinh ngồi lướt mạng, tính nết thay đổi bất thường, bố mẹ cô gái phải “đánh thuốc mê” để đưa vào bệnh viện điều trị.

Trường hợp khác cũng rất đáng chú ý là một bà mẹ trẻ 9X ở Hà Nội “nghiện” Facebook đến mức không ăn, không giao tiếp với mọi người, dù mới sinh con được hơn 1 tháng nhưng suốt ngày cắm mặt vào điện thoại “lướt mạng” và quên cả việc cho con bú. Cho đến khi gia đình sản phụ này thấy cô nằm bất động, đại tiểu tiện tại chỗ, cơ thể gầy như “xác ve” thì mới hốt hoảng đưa con vào viện điều trị, lúc này cô đã bị trầm cảm nặng.

Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, phải sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe và tinh thần của bà mẹ trẻ kể trên mới dần hồi phục…

Giảm sử dụng Facebook không thành công nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn

“Nghiện” Facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian trên Facebook, làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống như công việc hoặc mối quan hệ với bạn bè và người thân. “Nghiện” Facebook có thể gây ra nhiều hệ lụy tới sức khỏe, tinh thần, những hậu quả có thể nhìn thấy trước tiên là người dùng sẽ mất ngủ, nghèo nàn các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật, hiệu suất công việc, học tập giảm.

Hiện chưa có mã bệnh nào về chứng “nghiện” Facebook, tức “nghiện” Facebook chưa được xem là một căn bệnh, cũng chưa có nghiên cứu nào về loại thuốc có hiệu quả trong “cai nghiện” Facebook mà chỉ điều trị các triệu chứng khi người bệnh xuất hiện chứng mất ngủ, trầm cảm, rối loạn tâm thần. 

Các bác sĩ cũng cho biết, chưa có nghiên cứu nào chứng minh tần suất sử dụng Facebook bao nhiêu là nghiện song khuyến cáo, nếu thấy các dấu hiệu như: Cố gắng cắt giảm việc sử dụng Facebook mà không thành công, cảm thấy sự thúc giục ngày càng nhiều; hay bồn chồn, hoặc gặp rắc rối nếu bị cấm sử dụng Facebook; mất ngủ, buồn chán, lầm lì, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, luôn cảm thấy cô đơn… thì nên đến bệnh viện tâm thần khám để được chẩn đoán và tư vấn.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (Trưởng khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần)

“Nghiện” Facebook có thể làm méo mó các mối quan hệ xã hội

Trong bối cảnh hiện nay, tác động của mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng đối với đời sống con người rất lớn. Sự gia tăng lượng người sử dụng Facebook xuất phát từ tiện ích, tính ưu việt của mạng xã hội này, bởi nhờ đó con người có thể thực hiện giao kết gián tiếp với nhiều người khác bất chấp không gian, thời gian, giai cấp, thành phần, địa vị xã hội, thu nhập.

Đặc biệt, giao tiếp trên mạng xã hội giúp người sử dụng vượt qua nhiều rào cản, hạn chế của thiết chế, tổ chức hay sự giám sát khác mà có thể kiềm tỏa, điều chỉnh họ ngoài đời thường, đây là môi trường ảo giúp họ dám sống thật hơn, mạnh dạn hơn, tự do hơn. 

Mặt khác, sự tương tác trên Facebook, khi mỗi chia sẻ đưa lên đều nhận được rất nhiều “like”, “comment”, biểu đạt thái độ, nó tạo ra sự kích thích, động lực thôi thúc người ta sử dụng Facebook nhiều hơn.

Một điểm nữa là nếu như các trao đổi, tranh luận ngoài đời thực đều hướng tới mục đích là tìm ra cái đúng, chân lý để kết thúc nhưng với tranh luận thông qua các “comment” trên Facebook thì dường như tạo thành một dòng chảy không đi đến hồi kết, mỗi người một ý kiến, thậm chí chủ thể sử dụng Facebook nhận được càng nhiều “comment” khác nhau càng lấy đó là niềm kiêu hãnh.

Cứ như thế, với một số người, nhất là những người có vấn đề về tâm lý, nhạy cảm, có thể bị cuốn hút không dứt ra được, bị thôi thúc sử dụng đến mức lạm dụng Facebook, “nghiện” Facebook lúc nào không hay. Và khi “nghiện” Facebook, ngoài những ảnh hưởng nhãn tiền đến sức khỏe như các chuyên gia y tế cảnh báo thì còn gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.

Khi lạm dụng Facebook quá nhiều, “nghiện” Facebook đến mức quên ăn quên ngủ, bỏ bê công việc, không giao tiếp với mọi người xung quanh thì họ sẽ “lười” quan hệ, giao tiếp trực tiếp với các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực, làm méo mó các mối quan hệ xã hội.

Việc vùi đầu vào các mối quan hệ trên mạng xã hội, bị kích thích bởi những tương tác trên không gian ảo, nếu không tỉnh táo có thể khiến người sử dụng không ý thức được giá trị thực, thậm chí có thể đưa đến các hậu quả ghê gớm.

Đấy là chưa kể ngôn ngữ, từ ngữ mà người ta hay sử dụng trên Facebook cũng bị “méo mó”, biến tướng, qua đó có thể làm méo mó tiếng Việt. Đừng nên lạm dụng giao tiếp trên Facebook để thay thế cho các giao tiếp ngoài đời thực mà hãy sử dụng mạng xã hội sao cho hợp lý, có ích.

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình (Phó Tổng Thư ký Hội xã hội học Việt Nam)