Cách xử lý khi bị côn đồ xiết nợ

ANTD.VN - Con tôi vay nợ rồi không có khả năng thanh toán. Nhóm cho vay đến dọa nạt, ném chất bẩn và đập phá vỡ cửa kính nhà tôi. Xin hỏi luật sư, việc này phải xử lý như thế nào?

Cách xử lý khi bị côn đồ xiết nợ ảnh 1Luật sư Vi Văn Diện - Công ty Luật Thiên Minh
Địa chỉ: P12A10 - Toà nhà 18T2 đường Lê Văn Lương, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội

Hỏi: Con tôi vay tiền của một hiệu cầm đồ chuyên hoạt động về tín dụng đen số tiền 30 triệu đồng và phải trả lãi suất 1,2 triệu đồng/ngày. Đến hạn trả cả gốc lẫn lãi, con tôi không có khả năng thanh toán. Nhóm cho vay đến dọa nạt, ném chất bẩn và đập phá vỡ cửa kính nhà tôi. Xin hỏi luật sư, việc này phải xử lý như thế nào?

Trần Văn Huân (Quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Theo quy định của pháp luật, việc cho vay nợ là một thỏa thuận dân sự. Trong trường hợp bên vay nợ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì bên cho vay có thể khởi kiện bên vay bằng một vụ án dân sự, để yêu cầu bên vay phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Trong trường hợp trên, đến hạn trả cả gốc lẫn lãi, con anh không có khả năng thanh toán, bên cho vay có thể khởi kiện theo đúng trình tự pháp luật. Tuy nhiên, họ đã không làm như vậy mà đến dọa nạt, ném chất bẩn và đập phá vỡ cửa kính nhà anh là trái với quy định của pháp luật, xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh. Anh hoàn toàn có thể tố cáo hành vi vi phạm trên với cơ quan công an sở tại để họ kịp thời ngăn chặn, xử lý, đảm bảo an toàn cho gia đình anh.

Ngoài ra, theo như trình bày của anh thì con anh vay tiền của một hiệu cầm đồ chuyên hoạt động về tín dụng đen số tiền 30 triệu đồng và phải trả lãi suất 1,2 triệu đồng/ngày, tức là khoảng 4%/ngày, lãi suất như vậy là quá cao so với quy định của pháp luật.

Cụ thể, là lãi suất cho vay theo quy định tại Điều 476 - BLDS là không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay. Do vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật, anh có thể tố cáo về hành vi cho vay lãi nặng của chủ hiệu cầm đồ, tùy vào mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi cho vay lãi nặng có thể bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng. Còn theo Điều 163. BLHS, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1-10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1-5 lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.