Cách hữu hiệu trị cảm lạnh vào mùa đông

ANTD.VN - Cảm lạnh không phải bệnh nặng nhưng làm bạn khó chịu. Khi bị cảm lạnh, bạn không cần đi khám hay uống thuốc mà chỉ nên nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước và bệnh có thể khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng một số cách đơn giản sau đây để bệnh nhanh khỏi.

Cách hữu hiệu trị cảm lạnh vào mùa đông ảnh 1Thuốc kháng sinh không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus cảm lạnh thông thường

Uống trà gừng tươi. Gừng tươi thái thật mỏng cho nước sôi hãm thêm ít mật ong uống ngày vài lần. Tác dụng làm ra mồ hôi, tiêu đờm, cầm nôn.

Xông hơi. Xông hơi không giúp xử lý tắc nghẽn một cách chủ động như một loại thuốc trị tắc nghẽn, nhưng mùi tinh dầu bạc hà mạnh sẽ đánh lừa não bạn nghĩ rằng bạn đang thở qua mũi không bị tắc.

Súp gà. Các nhà khoa học đã khẳng định súp gà rất tốt cho người bị cảm lạnh. Một bát súp gà nóng với: khoai tây, hành tây, thịt gà, cà rốt, củ cải, rau mùi chính là phương thuốc hữu hiệu nhất đánh bại chứng cảm lạnh. Nước dùng gà có tác dụng giảm tắc nghẽn mũi, tăng lượng chất nhầy. Nếu không chế biến được súp gà, bạn có thể lấy nước luộc gà nấu cháo hay miến cũng rất hiệu quả.

Vitamin C. Dùng vitamin C trước khi bị cảm lạnh có thể rút ngắn thời gian tồn tại các triệu chứng và có thể cũng có lợi cho những người bị nhiễm virus thường xuyên. Đây là loại vitamin bạn nên dùng cả năm để duy trì sức khoẻ.

Uống nước. Tăng lượng nước uống có thể giúp chất nhầy trong mũi nhiều hơn và giảm nghẹt mũi. Nên uống trà không chứa caffeine, nước trái cây và đặc biệt cần tránh rượu, cà phê, hay nước soda bởi những đồ uống này làm cho vi khuẩn ở mũi phát triển, dẫn đến nhiễm trùng và mưng mủ.

Mật ong rất hiệu quả trong việc giảm ho, giúp kháng khuẩn và chống oxy hóa, làm dịu cổ họng khi bị kích thích. Mật ong có thể pha với trà nóng có tác dụng thông mũi.

Tắm nước nóng. Virus cảm lạnh phát triển mạnh khi mũi khô. Chính vì vậy vào mùa đông, không khí ngoài trời và trong nhà đều khô hanh, tạo điều kiện bệnh cảm lạnh gia tăng. Khi tắm nước nóng, hơi nước nóng như một loại thuốc giúp thông mũi và giữ độ ẩm cho mũi.

Hít hơi nước nóng. Theo các nhà nghiên cứu, virus gây cảm cúm có khả năng chịu được lạnh nhưng không chịu được nóng. Hơi nóng nước muối không chỉ dưỡng ẩm cho mũi mà còn giúp làm sạch khoang mũi và tiêu diệt vi khuẩn bám trong khoang mũi. 

Vệ sinh miệng và họng bằng nước muối loãng. Đây là một phương thuốc trị cảm lạnh tuyệt vời bởi muối có tính sát khuẩn, sát trùng cao. Súc miệng nước muối là giải pháp vệ sinh miệng và họng không những làm dịu đi tức thời những cơn đau rát họng mà còn kháng viêm hiệu quả. Kiên trì súc miệng 2-4 lần/ngày với dung dịch nước ấm pha loãng cùng muối tinh sẽ giúp bạn mau chóng khỏi bệnh.

Dùng tinh dầu. Tinh dầu tràm, bạc hà hay long não,... có tác dụng rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm lạnh thông thường. Chỉ cần thoa một chút tinh dầu vào vùng dưới mũi sẽ giúp thông mũi và làm giảm bớt cơn đau ở mũi. Có thể thoa tinh dầu vào lòng bàn chân, thái dương hoặc tắm với nước ấm có hoà một vài giọt tinh dầu giúp phòng ngừa bệnh cảm lạnh rất hữu hiệu.

Kê cao gối khi ngủ. Khi nằm xuống, chứng ngạt mũi thường có xu hướng bị nặng hơn. Bởi vậy, kê thêm gối để đầu đặt ở vị trí cao hơn khi ngủ sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng và thoải mái hơn, đảm bảo một giấc ngủ ngon hơn cho bạn.

Cảm lạnh thông thường dùng thuốc gì? Cảm lạnh thông thường (còn được gọi là viêm mũi họng, sổ mũi cấp hoặc cảm lạnh). Nguyên nhân gây nên cảm lạnh thông thường phần lớn là do virus. Hiện tại không có loại thuốc hay thảo dược nào có thể làm giảm thời gian bị cảm cúm. Việc điều trị chủ yếu chỉ làm giảm các triệu chứng bệnh. Thuốc kháng sinh không có tác dụng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus cảm lạnh thông thường. Chỉ dùng kháng sinh khi có biến chứng hoặc nhiễm trùng thứ phát như viêm xoang, viêm họng hoặc nhiễm khuẩn tai... Tuy nhiên khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần có chỉ định hoặc tư vấn của thầy thuốc. Ngoài dùng thuốc người bệnh cần nghỉ ngơi, uống nước để duy trì độ ẩm, súc miệng bằng nước muối là các phương pháp đơn giản, hiệu quả.