Các học giả chia sẻ kinh nghiệm hệ thống giáo dục mở, tự chủ hội nhập

ANTD.VN - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh Tự chủ giáo dục và Hội nhập quốc tế” vào ngày 16-5.

Mục tiêu của hội thảo là kêu gọi và tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý giáo dục, các học giả thống nhất quan điểm về Hệ thống giáo dục mở cũng như các mô hình, công nghệ, hay các chuẩn mực về giáo dục trên thế giới hiện nay cũng như xu hướng trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra; đồng thời nhận diện những rào cản và giải pháp cho giáo dục mở tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, thúc đẩy giáo dục mở ở Việt Nam là rất cần thiết, bởi chỉ giáo dục mở mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng tiếp cận tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất;  giáo dục mở giúp số lượng người được tiếp cận tri thức là lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số - kỷ nguyên tri thức.

Thạc sĩ Erik Young, giảng viên khoa Truyền thông & Thiết kế, chia sẻ kinh nghiệm của RMIT Việt Nam về Thiết lập phòng thí nghiệm thực tế ảo hỗn hợp trong trường đại học tại hội thảo

Đại học RMIT vinh dự được mời thuyết trình tại hội thảo, thạc sĩ Erik Young, giảng viên khoa Truyền thông & Thiết kế, đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của RMIT Việt Nam về Thiết lập phòng thí nghiệm thực tế ảo hỗn hợp trong trường đại học.

Erik Young chia sẻ: “Thứ công nghệ từng bị nhiều nhóm người khác nhau cho là viển vông, bí hiểm hoặc thiếu thực tế bây giờ đã tìm được đường tiến sâu vào trong giáo dục đại học.” thạc sĩ Erik nhấn mạnh.

Dựa trên những thông tin, kiến thức, nguồn lực và kỹ năng sẵn có, Đại học RMIT bắt đầu ứng dụng Thực tế ảo hỗn hợp như một thử nghiệm tại trường. Tháng 1-2016, RMIT Việt Nam mở lớp về AR/VR đầu tiên thuộc chương trình Thiết kế Tương Tác nâng cao (Advanced Interaction Design). Không hề có một buổi họp quy mô nhằm lập kết hoạch giảng dạy hay chương trình đào tạo nâng cao nào cho nhân viên và giảng viên. RMIT không phân bổ kinh phí lớn để hỗ trợ khóa học và đương nhiên cũng chẳng có nhiều thiết bị hay cơ sở vật chất cho lớp.

Với vai trò là những người giảng dạy nhiều kinh nghiệm, các giảng viên tại RMIT tận dụng tối đa những gì có được. Trên thực tế, chỉ sau khi phát triển chương trình giảng dạy và dạy một khóa thì RMIT mới biết cần mức tài nguyên và kinh phí như thế nào để duy trì chương trình.

Chỉ trong vòng 12 tuần từ khi triển khai, sinh viên RMIT Việt Nam dù chưa hề được đào tạo trước về AR/VR vẫn thành công trong việc tạo ra hai ứng dụng đầy đủ tính năng, làm thay đổi cách mọi người nhận thức và nhìn nhận thông tin. Không lâu sau đó, một Phòng thí nghiệm Thực tế ảo hỗn hợp (Mixed Reality Lab - MR Lab) được thành lập tại RMIT Việt Nam, MR lab được cấp kinh phí đủ để duy trì khóa học và các dự án trong tương lai gần. Không có gì đáng ngạc nhiên khi số lượng học sinh, khách từ bên ngoài và đề nghị hợp tác tăng mạnh trong vòng hai năm.

Đã có 17 lượt ghé thăm MR Lab của khách bên ngoài trong 6 tháng cuối năm 2017; có 3 dự án được mời đi trình diễn và trưng bày, bao gồm một đề tài được chấp thuận bởi Siggraph 2017 ở Bangkok, Thái Lan; MR Lab đã phát triển thành công chương trình giảng dạy về VR thuộc chương trình Nghiên cứu Thiết kế (Design Studies) tại Đại học RMIT Việt Nam; Tổ chức Hội nghị Nghệ thuật VR đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 12/2017 với những tác phẩm từ cả trong nước và quốc tế.

Phòng thí nghiệm Thực tế ảo hỗn hợp MR Lab là nơi để mọi người có thể tạo ra những sản phẩm cải thiện cuộc sống người dân Việt Nam. Với vai trò là một đại học nước ngoài tại Việt Nam, RMIT Việt Nam tin rằng nghĩa vụ đạo đức của trường không chỉ là nâng cao trình độ học vấn và năng lực của sinh viên mà còn mở rộng tài nguyên và ảnh hưởng tới những người kém may mắn hơn.

Ngoài ra, công trình nghiên cứu của hai cán bộ thư viện RMIT Việt Nam - Đỗ Văn Châu và Huỳnh Tôn Nữ Minh Nguyệt về “Sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở tại trường đại học RMIT Việt Nam” đã được chọn in trong cuốn kỷ yếu của hội thảo.

RMIT Việt Nam hi vọng những kinh nghiệm của mình có thể đóng góp cho quá trình chuyển biến nền “giáo dục may sẵn” thành nền “giáo dục may đo” - một nền giáo dục mở đem đến cơ hội học tập và tiếp cận tri thức cho tất cả mọi người.